Theo VOA-08.03.2016
Ngoài tình hình chính trị Việt Nam và Úc, tôi hay theo dõi sinh hoạt chính trị trên thế giới; trong thế giới, tâm điểm là Mỹ. Trong chính trị Mỹ, từ đầu năm 2015, tâm điểm là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Cần nói ngay là bầu cử tổng thống ở Mỹ khác hẳn các cuộc bầu cử tương tự trên thế giới. Nó lâu nhất: tiến trình vận động tranh cử chính thức ở Mỹ dài đến gần hai năm (trong khi ở những nơi khác chỉ có hơn một tháng). Nó tốn kém nhất (mỗi ứng cử viên chính chi tiêu đến cả tỉ đô la). Nó phức tạp nhất: Trước cuộc bầu cử chính, để trở thành ứng cử viên của đảng, người ta phải trải qua bao nhiêu cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín ở từng địa phương; trong cuộc bầu cử, người ta không những đếm phiếu của các cử tri mà còn đếm phiếu của các đại biểu và các cử tri đoàn.
So với các cuộc bầu cử trước, cuộc bầu cử năm nay có nhiều diễn biến lạ khiến giới quan sát cũng như giới chính trị gia ở hai đảng Dân chủ và Cộng hoà hoàn toàn bất ngờ. Hiện tượng bất ngờ nhất là sự xuất hiện và thành công (ít nhất cho đến nay) của ông Donald Trump.
Sinh năm 1946, Trump là doanh nhân rất thành đạt trong ngành địa ốc. Ông xây dựng và làm chủ nhiều khách sạn, resort, sân golf cũng như các khu chung cư đắt tiền. Tài sản của ông hiện nay nghe nói lên đến mấy tỉ đô la. “Nghe nói” vì không ai biết tài sản thực của Trump là bao nhiêu cả. Các công ty tài chánh Mỹ tính toán ông chỉ có khoảng mấy trăm triệu đô la, trong khi Trump lúc nào cũng tuyên bố mình rất giàu, có đến gần 10 tỉ đô la. Những sự đôi co như vậy khiến người ta có ấn tượng chung về Trump: đó là một người giàu có và khoác lác.
Trước đây, Trump nhiều lần hăm he ra tranh cử tổng thống, nhưng lần này thì ông làm thật.
Khi mới nghe tin Trump ra ứng cử, hầu như mọi người đều đó là trò chơi trội của một người vốn mang nhiều tai tiếng. Không có một nhà báo hay bình luận gia chính trị nghiêm túc nào nghĩ Trump có thể là ứng cử viên của đảng Cộng hoà. Tờ báo mạng nổi tiếng của Mỹ, The Huffington Post, trong mấy tháng đầu, xếp các bản tin liên quan đến việc tranh cử của Trump trong mục Giải trí (entertainment) chứ không phải phần về chính trị.
Mà thật. Cách phát ngôn của Trump không có vẻ gì là của một chính khách, lại là chính khách có tham vọng trở thành tổng thống nước Mỹ. Ông miệt thị phụ nữ. Ông miệt thị Thượng nghị sĩ John McCain và những người lính Mỹ bị bắt cầm tù trong chiến tranh Việt Nam. Ông cho những người Mexico di dân bất hợp pháp ở Mỹ toàn là bọn đầu trộm đuôi cướp và hiếp dâm. Ông đòi trục xuất hơn mười triệu người Mexico ấy về nước và đòi dựng hàng rào dọc theo biên giới giữa Mỹ và Mexico với chiều dài hơn 3000 cây số, hơn nữa, còn doạ sẽ bắt chính phủ Mexico trả chi phí cho công việc xây dựng ấy. Ông đòi cấm những người Hồi giáo nhập cư vào nước Mỹ. Ông doạ sẽ ném bom tiêu diệt tất cả những phần tử Hồi giáo cực đoan và thân nhân của chúng. Ông đòi tăng thuế hàng hoá nhập từ Trung Quốc bất chấp các hiệp ước thương mại đã ký kết giữa hai nước. Ông khen ngợi Vladimir Putin và việc Nga tham gia vào chiến sự tại Syria. Ngoài ra, ông cũng miệt thị tất cả các đối thủ thuộc đảng Cộng hoà của ông là “dại dột”, “ngu xuẩn’ hay “điên khùng”.
Nói chung, cách nói năng của Trump rất hời hợt, bỗ bã và thô lỗ. Ông không bao giờ tiết lộ bất cứ một chính sách nào cả. Trong các cuộc tranh luận cũng như trong các diễn văn tranh cử, Trump chỉ tuyên bố khơi khơi về mọi vấn đề nhưng không bao giờ đi sâu vào chi tiết. Rốt cuộc, sau mấy tháng tranh cử, không ai biết nếu lên làm tổng thống, Trump sẽ làm gì trên các phương diện xã hội, kinh tế, chính trị và quốc phòng.
Thế nhưng, lạ, rất nhiều người dân Mỹ lại ùn ùn ủng hộ ông. Trong tất cả các cuộc điều tra dư luận, bao giờ số người ủng hộ ông cũng cao nhất. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín được tổ chức trong tháng 2, từ New Hampshire, South Carolina và Nevada (trừ Iowa), Trump đều dẫn đầu với khoảng cách thật xa các đối thủ của ông. Trong 11 tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày Siêu Thứ Ba (Super Tuesday), Trump thắng ở 7 tiểu bang. Triển vọng Trump trở thành ứng cử viên của đảng Cộng Hoà càng lúc càng gần.
Sự thành công của Trump khiến mọi người sửng sốt. Ngay cả những người thuộc đảng Cộng hoà cũng sửng sốt, hơn nữa, hốt hoảng. Trong giới lãnh đạo đảng Cộng hoà, hầu như không ai tin và cũng không ai muốn Trump trở thành ứng cử viên chính thức của đảng.
Có bốn lý do chính. Thứ nhất, người ta cho là tư tưởng của Trump không phù hợp với các cương lĩnh của đảng. Thứ hai, người ta không tin là Trump có thể đánh bại được bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Thứ ba, người ta cho những cách phát ngôn cũng như những chủ trương kỳ thị phái tính và kỳ thị chủng tộc của Trump có thể gây tai hại đối với đảng Cộng hoà dưới mắt quần chúng. Và cuối cùng, thứ tư, người ta không tin là Trump đủ tư cách để lãnh đạo nước Mỹ: tính cách của ông, theo lời nhiều chính khách nổi tiếng trong đảng Cộng hoà, là một kẻ “lừa đảo” (fraud), và “bất lương” (phony). Suốt mấy tháng trời, hầu như ai cũng cầu mong Trump bị các ứng cử viên khác đánh bại. Nhưng cuối cùng, tất cả các ứng cử viên được mọi người hy vọng đều bị Trump đánh gục và lần lượt hết người này đến người khác tuyên bố rút lui. Chris Christie, thống đốc tiểu bang New Jersey rút lui. Jeb Bush, cựu thống đốc tiểu bang Florida, em trai Tổng thống George W. Bush và con trai thứ của Tổng thống George H. W. Bush, cũng rút lui.
Có bốn lý do chính. Thứ nhất, người ta cho là tư tưởng của Trump không phù hợp với các cương lĩnh của đảng. Thứ hai, người ta không tin là Trump có thể đánh bại được bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Thứ ba, người ta cho những cách phát ngôn cũng như những chủ trương kỳ thị phái tính và kỳ thị chủng tộc của Trump có thể gây tai hại đối với đảng Cộng hoà dưới mắt quần chúng. Và cuối cùng, thứ tư, người ta không tin là Trump đủ tư cách để lãnh đạo nước Mỹ: tính cách của ông, theo lời nhiều chính khách nổi tiếng trong đảng Cộng hoà, là một kẻ “lừa đảo” (fraud), và “bất lương” (phony). Suốt mấy tháng trời, hầu như ai cũng cầu mong Trump bị các ứng cử viên khác đánh bại. Nhưng cuối cùng, tất cả các ứng cử viên được mọi người hy vọng đều bị Trump đánh gục và lần lượt hết người này đến người khác tuyên bố rút lui. Chris Christie, thống đốc tiểu bang New Jersey rút lui. Jeb Bush, cựu thống đốc tiểu bang Florida, em trai Tổng thống George W. Bush và con trai thứ của Tổng thống George H. W. Bush, cũng rút lui.
Một vấn đề cần được đặt ra là: Tại sao các cử tri thuộc đảng Cộng hoà lại ủng hộ Trump?
Người ta cho là phần lớn những người ủng hộ Trump là những người da trắng ít học. Trump biết rõ điều đó nên, trong bài phát biểu sau khi chiến thắng ở cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada, để mị dân, ông lớn tiếng tuyên bố: “Tôi yêu những người ít học” (I love the poorly educated). Tuy nhiên, bên cạnh những người da trắng ít học ấy, nhiều thành phần khác cũng bỏ phiếu cho Trump, trong đó có cả các trí thức, phụ nữ, và điều đáng kinh ngạc nhất, một số những người nói tiếng Tây Ban Nha, những kẻ bị Trump kỳ thị ra mặt.
Giới bình luận chính trị tại Mỹ cho nguyên nhân chính khiến nhiều người Mỹ ủng hộ Trump là vì họ đã quá chán ngán giới chính trị gia chuyên nghiệp trong nước, những người hứa hẹn thật nhiều nhưng lại làm chẳng được bao nhiêu cả. Vì sự chán ngán ấy, người ta quay sang những người chưa bao giờ làm chính trị. Thật ra, tâm lý này đã xuất hiện từ lâu. Trước đây, nhiều người bỏ phiếu cho Tổng thống Barack Obama vì xem ông là người đứng ngoài bộ máy quyền lực ở Washington và cũng là người có thể thay đổi văn hoá chính trị tại Washington. Nhưng chưa bao giờ cảm giác chán ngán ấy lại lên cao như lúc này.
Hơn nữa, hiện nay dường như người Mỹ đang bị mất phương hướng. Về phương diện kinh tế, cơn khủng hoảng tài chánh vào năm 2008 đã qua nhưng quá trình phục hồi còn chậm chạp và yếu ớt. Về phương diện chính trị, đặc biệt là chính trị đối ngoại, dường như nước Mỹ không biết làm gì trước các cuộc khủng hoảng trầm trọng trên thế giới. Đối diện với sự mất phương hướng ấy, người dân đâm ra hoang mang; và từ sự hoang mang ấy, người ta hướng tầm nhìn vào những người đã từng thành công trong các lãnh vực khác. Donald Trump xuất hiện như một cái phao.
Chưa biết sự phân tích ấy đúng hay không. Điều nhiều người hiện nay mong ước nhất là Donald Trump không phải là ứng cử viên của đảng Cộng hoà và nhất là, không thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Việc ông Trump chiến thắng không những là một tai họa cho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment