Theo BBC-8 tháng 3 2016
Hôm 8/3, một báo điện tử trong nước đã phải tháo link bài về chuyện Việt Nam đã ký ‘hớ’ điều khoản về xăng dầu với Nam Hàn trong lúc một nhà bình luận nói với BBC rằng vấn đề đáng quan tâm hơn là cần chấm dứt độc quyền xăng dầu.
Hôm 7/3, báo Dân Trí dẫn ‘nguồn tin riêng’ nói Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng vừa báo cáo với Thủ tướng chính phủ về thuế xăng dầu trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean – Nam Hàn (AKFTA) mà báo này gọi là ‘vấn đề khá nhạy cảm’.
Bộ Tài chính Việt Nam "phát hiện thuế suất đối với mặt hàng xăng dầu theo cam kết của AKFTA là 10%, thấp hơn cam kết trong các hiệp định khác”.
Việc này được cho là khiến giá xăng dầu nhập từ Nam Hàn và các nước Asean tham gia AKFTA sẽ rẻ hơn giá xăng dầu sản xuất tại Việt Nam.
Hệ quả là ngân sách Việt Nam bị thất thu một khoản lớn và nhà máy lọc dầu Việt Nam cũng phải được giảm thuế tương đương thì mới có thể cạnh tranh được.
'Độc quyền xăng dầu'
Hôm 8/3, từ Hà Nội, ông Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chính sách & Công nghệ nói với BBC: “Theo tôi được biết, khi đàm phán FTA thì thường người ta thương lượng cả gói, Việt Nam có thể được ưu đãi mặt hàng này nhưng bù lại gặp bất lợi với mặt hàng khác. Nếu chỉ nhìn từ một góc độ thì nhiều khi không thấy được vấn đề”.
Tuy vậy, ông Minh cũng nói thêm rằng “điều đáng quan tâm hơn là thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn tình trạng độc quyền. Do vậy, nếu muốn vì lợi ích của người tiêu dùng, nhà nước cần bỏ độc quyền xăng dầu, để doanh nghiệp đối mặt với cạnh tranh từ các nhà nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp”.
Cuối tháng 2/2016, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) gửi công văn kêu cứu đến Liên Bộ Tài chính – Công Thương và Văn phòng Chính phủ về việc nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ "đóng cửa" vì chênh lệch thuế suất nhập khẩu, theo trang CafeBiz.
Website này tường thuật: “PVN cho hay, ngày 16/12/2015, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư mới về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Nam Hàn”.
“Theo đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc sẽ áp dụng là 10%, trong khi thuế với sản phẩm xăng mua từ Lọc hóa dầu Dung Quất chịu thuế cao gấp đôi - 20%”.
"Nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới", CafeBiz viết.
AKFTA được ký tháng 6/2006 và có hiệu lực từ tháng 7/2007. Riêng đối với các mặt hàng như xăng dầu thuộc nhóm ‘nhạy cảm’ và ‘nhạy cảm cao’ sẽ có lộ trình giảm thuế theo từng nhóm nhỏ, kéo dài đến năm 2021.
No comments:
Post a Comment