Nguyễn Hoàng
BBC Tiếng Việt 7 giờ trước
Một học giả tại Anh cho rằng Anh khó can dự chính trị trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông tuy rằng London sẽ dùng nỗ lực ngoại giao.
Trả lời phỏng vấn với BBC Tiếng Việt tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) ở London, ông Rod Wye, Phó Ủy viên Chương trình Châu Á của Chatham House, cho rằng ít có khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện bên lề 'Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh' lần thứ năm hôm 07/03 nơi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tới nói chuyện tại viện này.
Ông Rod Wye có hơn 30 năm làm phân tích của chính phủ Anh về Trung Quốc và Đông Á. Ông đã hai lần làm bí thư thứ nhất của sứ quán Anh ở Bắc Kinh thập niên 1980 và 1990. Năm 2010, ông nghỉ hưu ở bộ ngoại giao Anh trong vị trí trưởng nghiên cứu về châu Á.
BBC: Phía Việt Nam nói họ mong Anh đóng một vai trò cho sự ổn định trong vùng. Theo ông thì vai trò này là gì?
Rod Wye: Tôi nghĩ điều quan trọng cho Việt Nam và các nước khác trong vùng là Anh với vị thế là một cường quốc, một đối tác mậu dịch lớn, và nước có hải quân hùng mạnh bày tỏ quan ngại về một cách tốt nhất giải quyết các tuyên bố về chủ quyền. Nhưng quan trọng hơn là khống chế được các diễn biến biến hiện nay tại Biển Đông để tự do đi lại được duy trì, an toàn hàng hải được duy trì và hành động của một bên này hay bên khác không đe dọa những sự ổn định đó. Đó một phần là việc làm có tính thực tiễn nhưng mặt khác là cách làm ngoại giao để gây áp lực với tất cả các bên liên quan để tìm được cách thức mới mẻ nhằm quản lý và rốt cùng là giải quyết được các vấn đề.
Nếu xét về việc can dự trực tiếp về chính trị của Anh để giải quyết các vấn đề này thì khó thấy được sự tham gia trực tiếp nào. Tuy nhiên có các nước trong vùng mà Anh có quan hệ tốt và những nước không hoàn toàn nhất trí với nhau về chủ đề Biển Đông và chúng tôi chắc là sẽ dùng nỗ lực ngoại giao của mình để cố tìm một giải pháp vốn khá khó tìm kiếm cho vấn đề này.
BBC: Nhưng Trung Quốc đã và đang là đối tác mậu dịch lớn và quan trọng của Anh?
Đúng vậy. Thế nhưng Anh cũng có lợi ích tại các nước khác như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Malaysia. Đối với Anh thì không phải đi với nước này thì thôi nước kia. Mà là làm thế nào để phát huy được tất cả lợi ích đó.
BBC: Trong trường hợp không có vấn đề gì về tự do đi lại, tức là chẳng bên nào cản trở bên nào. Nhưng Trung Quốc vẫn thay đổi nguyên trạng tại khu vực như cải tạo và cơi nới đảo đang có tranh chấp thì Việt Nam và các nước tuyên bố có chủ quyền tại đây có thể làm được gì?
Đó chính là vấn đề. Ở một cấp độ thì phải theo đuổi các vấn đề này theo kênh quốc tế sẵn có bao gồm ngoại giao tạo áp lực với Trung Quốc hoặc nước nào gây ra vấn đề. Rồi giải pháp pháp lý như tòa quốc tế mà chúng ta đã thấy là nó cũng có giới hạn. Rồi cũng có các biện pháp thể hiện việc tuyên bố chủ quyền hay quyền khai thác tài nguyên biển.
Tức là có nhiều mảng diễn ra cùng một lúc. Tuy nhiên theo các tình huống chung như tăng cường năng lực cho Trung Quốc hay dùng các biện pháp hữu hình để đảm bảo rằng luật lệ trong khu vực và tại Biển Đông phải được tuân thủ thì các luật lệ đó đang do Trung Quốc áp đặt.
BBC: Trong cuộc gặp với đoàn Việt Nam tại Chatham House hôm nay, ông khuyến nghị Việt Nam tiếp tục theo đuổi cơ chế trong vùng, tuy nhiên trong vùng làm gì có cơ chế nào để khống chế các diễn biến phức tạp đang xảy ra?
Đó cũng chính là một phần vấn đề. Trong vùng thì có đủ loại cơ chế như Asean chẳng hạn, nhưng chẳng có cơ chế nào trong số này thực sự hữu hiệu. Vấn đề cho Việt Nam, Philippines và các bên tuyên bố chủ quyền khác, chứ không phải là Trung Quốc, là làm sao tạo áp lực đối với Trung Quốc để đưa ra một kiểu nhượng bộ nào trước lợi ích của các nước nhỏ hơn.
Tuy nhiên gần như có rất ít chỉ dấu vào lúc này rằng Trung Quốc sẵn lòng quay lại lập trường mà họ duy trì vào đầu những năm 2000 về việc cùng khai thác chung, tạm gác tranh chấp chủ quyền lại, cùng nhau nỗ lực chia sẻ tài nguyên chung của khu vực. Trái lại càng ngày càng thấy Trung Quốc tìm kiếm một giải pháp chỉ dành một phía mà thôi. Điều đó không có nghĩa là họ không sẵn sàng chia sẻ nhưng, theo cách nhìn của tôi, là chia sẻ theo một hệ thống do Trung Quốc bày ra theo kiểu người ở chiếu trên.
BBC: Trung Quốc từng tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông và hiện đang có một số lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ có tuyên bố tương tự đối với Biển Đông. Mặt khác Bắc Kinh nói có nước khác đang quân sự hóa Biển Đông.
Đó rõ ràng là một khả năng. Liệu khả năng đó thật đến mức nào thì còn là dấu hỏi. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam [Bùi Thanh Sơn] trong bài nói chuyện tại đây hôm nay có nói về điều này, tất nhiên là theo tình huống giả định, tức là có thể xảy ra. Mà thực tế là có thể xảy ra vì đã xảy ra ở Biển Hoa Đông rồi thì cũng có thể xảy ra ở Biển Đông.
Liệu điều đó có làm thay đổi gì nhiều hay không theo kiểu tuyên bố hay hùng biện thì còn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Nhiều nước tuyên bố về ADIZ mà không làm đảo lộn trật tự của thế giới. Rõ ràng tại Biển Đông thì là chủ đề nhạy cảm. Nhưng Trung Quốc cũng có thể dựa vào đó mà nói rằng nếu chúng tôi làm như vậy thì chúng tôi đang cổ súy cho phi quân sự hóa chứ không phải là quân sự hóa khu vực này. Đó là một khả năng. Và đó là lá bài mà Trung Quốc đang cân nhắc xem họ có muốn chơi hay không.
Theo tôi thì tại thời điểm này không có nhu cầu đặc biệt tới như vậy để Trung Quốc đưa ra hành động tuyên bố kiểu như vậy trong bối cảnh họ đã thành công trong việc thay đổi nguyên trạng tại chỗ thông qua việc bồi đắp và xây đảo trong vòng vài năm qua.
No comments:
Post a Comment