Saturday, June 18, 2016

Trung Quốc ráo riết thu thập bản đồ ở hải ngoại, cảnh báo với Việt Nam

HỒNG THỦY 09:50 17/06/16
(GDVN) - Điều này cũng là một cảnh báo đối với Việt Nam, rằng chúng ta phải hết sức thận trọng khi khai thác bản đồ và các tư liệu lịch sử.
South China Morning Post ngày 17/6 đưa tin, từ lâu Trung Quốc đã lập luận rằng họ có đầy đủ tài liệu lịch sử chứng minh cho (cái gọi là) chủ quyền không tranh cãi ở Biển Đông. Tuy nhiên gần đây các nhà nghiên cứu Trung Quốc được phái ra nước ngoái ráo riết thu thập bằng chứng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Vân Nam đã hợp tác với Đại học Tehran của Iran để nghiên cứu 50 bản đồ Ba Tư có niên đại từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 17 và "dịch" sang ngôn ngữ hiện đại, bao gồm cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Tờ China News Services cho hay.
Giáo sư Yao Jide, người đứng đầu nhóm học giả Trung Quốc sang Iran cho biết, có những bản đồ cổ được đánh dấu bằng chữ "biển Nam Trung Hoa" hoặc "vịnh Nam Trung Hoa" và một số vùng đất gắn chữ "đảo của Trung Quốc"?!
Bản đồ có đường lưỡi bò bành trướng của Trung Quốc, hình minh họa. SCMP (Dấu gạch chéo phản đối đường lưỡi bò do Tòa soạn bổ sung để tránh hiểu làm).
Đội nghiên cứu của Yao Jide cho rằng, các bản đồ này có thể coi là bằng chứng, phục vụ như một bên thứ 3 chứng minh "hoạt động lịch sử" của Trung Quốc trong khu vực mà ông nói là "có giá trị không thể tranh cãi".
Chen Xiaochen, một nhà nghiên cứu từ Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh nói rằng, một tạp chí do chính phủ Nhật Bản xuất bản năm 1938 đã sáp nhập quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) vào quyền quản lý của chính quyền thành phố  Cao Hùng, Đài Loan.
Thời điểm đó Đài Loan đang là thuộc địa của Nhật Bản. Bởi vậy Chen Xiaochen lập luận, sau Chiến tranh Thế giới thứ II Nhật Bản bàn giao Đài Loan cho Trung Quốc, thì đương nhiên Trường Sa thuộc về Trung Quốc!
Trong khi đó các Đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài được lệnh liên tục, luân phiên nhau viết bài đăng tải trên truyền thông chính của nước sở tại nhằm vận động sự ủng hộ cho Bắc Kinh trước phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trên phạm vi toàn cầu.
Trung Quốc vận động cả các khuôn khổ, tổ chức hội đoàn quốc tế mà nước này đứng ra thành lập như Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Ả Rập, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ủng hộ lập trường của Bắc Kinh chống lại PCA.
Phóng viên truyền thông nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Nhân Dân nhật báo được giao phỏng vấn một số học giả, chính trị gia ở Brazil, Thái Lan, Bungaria, Pakistan và thậm chí cả Philippines để thu thập ý kiến ủng hộ Bắc Kinh về Biển Đông.
Tuy nhiên rất ít tiếng nói ủng hộ Trung Quốc đến từ phương Tây. Thậm chí chỉ cần một sự im lặng không nói gì về Biển Đông cũng đã được Bắc Kinh xem là dấu hiệu tích cực. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tránh không nhắc tới Biển Đông khi thăm Trung Quốc, báo chí nước này lập tức ca ngợi đây là chiến thắng của Bắc Kinh.
Cuộc chiến bản đồ
Hành động khôn lỏi của Trung Quốc trong việc sử dụng đội ngũ học giả nhà nước đi khắp thế giới tìm kiếm bản đồ và tài liệu lịch sử để chứng minh yêu sách "chủ quyền" mà họ đưa ra với toàn bộ Biển Đông lại khiến người viết nhớ đến hình ảnh Tôn Ngộ Không và bàn tay Phật Tổ trong tác phẩm văn học / điện ảnh kinh điển Trung Hoa - "Tây Du Ký".
Trung Quốc không chỉ chà đạp luật pháp quốc tế ở Biển Đông, mà còn đánh tráo các khái niệm, "nấu giả cầy" luật pháp quốc tế để bảo vệ yêu sách bành trướng. Ảnh minh họa: SCMP.
Con khỉ họ Tôn tưởng rằng học được 72 phép thần thông là đủ bản lĩnh để san phẳng Linh Tiêu, thay thế Ngọc Hoàng, thách đấu Phật Tổ. Những tưởng khi thi triển phép Cân Đẩu Vân, nhún mình một cái có thể bay một vạn tám ngàn dặm thì chẳng bao lâu có thể tới chân trời. 
Tự tin như vậy Tôn Ngộ Không mới dám thách đấu với Như Lai, để rồi dù khá thông minh đánh dấu lại "trụ chống trời" thì cuối cùng cũng không thoát khỏi bàn tay Phật Tổ. 500 năm bị giam dưới núi Ngũ Hành Sơn dần khiến Tôn Ngộ Không tỉnh ngộ.
Nhưng không biết các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và học giả Trung Quốc bao giờ mới chịu tỉnh ngộ?
Bởi lẽ sự thật và hệ thống công pháp quốc tế ngày càng hoàn thiện có thể xem như bàn tay của Phật Tổ để bảo vệ hòa bình và công lý, bảo vệ ngôi nhà chung Liên Hợp Quốc.
Trong đó chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia phải được xác lập một cách hợp pháp trên nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chủ quyền không thể được xác lập bằng con đường xâm lược. Điều này đã được thể hiện rõ trong Hiến chương Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc là một nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo An có trách nhiệm phải bảo vệ.
Quay trở lại câu chuyện bản đồ, người viết thiết nghĩ cần phải làm rõ rằng, tất cả các bản đồ hay tài liệu lịch sử chỉ có giá trị pháp lý để chứng minh chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ trong giải quyết tranh chấp, khi nó thỏa mãn điều kiện:
Do cơ quan quyền lực nhà nước của quốc gia đó ban hành, kèm theo một quyết định hành chính hợp pháp của nhà nước đó thể hiện rõ ý chí và mục đích nhà nước đó xác lập và thực thi chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này khi còn là đất vô chủ mà không vấp phải sự phản đối nào từ các nước láng giềng.
Chủ quyền lãnh thổ cũng có thể được xác lập trong quan hệ quốc tế, trong lịch sử khi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia quyết định nhượng lại vùng lãnh thổ cho một quốc gia khác;
Hoặc bị quốc gia khác chiếm đóng mà không phản đối, không duy trì yêu sách chủ quyền trên cả phương diện tinh thần lẫn vật chất một cách rõ ràng và liên tục đối với vùng lãnh thổ bị nước khác chiếm đóng, vì các lý do nào đó.
Như vậy có thể thấy qua câu chuyện Trung Quốc ráo riết thu thập bản đồ và tư liệu lịch sử để chứng minh cho yêu sách phi lý, bành trướng của họ ở Biển Đông đang nổi lên 3 vấn đề cần nhận thức rõ.
Một là, hệ thống các nguyên tắc của công pháp quốc tế, các án lệ quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ mới là căn cứ để xem xét, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền / lãnh thổ. Tất cả các tài liệu mà Trung Quốc thu thập không phải căn cứ giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Hai là, bản đồ và các thư tịch cổ, các bằng chứng lịch sử chỉ có giá trị pháp lý chứng minh cho yêu sách chủ quyền khi nó được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước yêu sách đối với vùng lãnh thổ đó;
Và kèm theo là các quyết định hành chính nhà nước đó xác lập, thực thi hay chuyển nhượng chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế ở thời điểm đó.
Đây là nội dung rất quan trọng cần phải nhận thức rõ trong đấu tranh với Trung Quốc. Đó là phải đấu tranh xác lập nguyên tắc, hoặc nôm na là hệ quy chiếu, hệ tọa độ trước, sau đó mới đến bằng chứng.
Còn về phía chúng ta, cá nhân người viết cho rằng không phải bất cứ bản đồ cổ nào, thư tịch cổ nào cũng có giá trị pháp lý, nên sử dụng bản đồ để đấu tranh là con dao hai lưỡi nếu không xác minh nguồn gốc, xuất xứ và giá trị pháp lý của nó một cách rõ ràng.
Châu bản triều Nguyễn ngày 13-7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) với nội dung Bộ Hình truyền dụ của vua Minh Mạng về việc những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, hoàn thành nhiệm vụ được Nhà vua ban thưởng, mắc sai sót bị xét phạt. Ảnh: xaydungdang.org.vn.
Cho đến nay theo người viết được biết, trong số các bên có yêu sách ở Biển Đông thì Việt Nam là nước có hệ thống bằng chứng pháp lý - lịch sử có giá trị và hệ thống nhất đối với chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ viết trên báo Tiền Phong ngày 26/7/2009:
Năm 1834 vua Minh Mạng đã chuẩn y bản tấu của Bộ Công giao tỉnh Quảng Ngãi xây miếu Hoàng Sa và dựng bia trên đảo, nhưng vì sóng to gió lớn chưa làm được ngay nên tháng 6 năm sau, 1835, năm Minh Mạng thứ 16, vua sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên mang theo thợ và phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chở vật liệu ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia chủ quyền.
Những tài liệu do cơ quan quyền lực Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ ban hành về việc xác lập, thực thi chủ quyền một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục như vậy mới có giá trị để đấu tranh. Còn những bản đồ, thư tịch khác không do Nhà nước ban hành thì chỉ có giá trị nghiên cứu, tham khảo.
Ba là, các cơ quan chức năng và đội ngũ các nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, công pháp quốc tế nói chung hay luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, luật pháp hàng hải nói riêng cần phải đấu tranh, làm rõ điều này trước công luận quốc tế, nếu để Trung Quốc độc diễn là chúng ta đang nhường trận địa cho đối phương:
Nguyên tắc pháp lý, án lệ quốc tế về thụ đắc lãnh thổ mới là căn cứ giải quyết tranh chấp, các bản đồ và thư tịch cổ chỉ có giá trị làm bằng chứng nếu nó được chứng minh phù hợp với những nguyên tắc pháp lý về thụ đắc lãnh thổ.
Điều này cũng là một cảnh báo đối với Việt Nam, rằng chúng ta phải hết sức thận trọng khi khai thác bản đồ và các tư liệu lịch sử. Luôn luôn phải soi rọi bằng luật pháp quốc tế, nếu không chỉ dùng bản đồ hay tài liệu lịch sử thuần túy thì rơi vào cái bẫy tư duy mà Trung Quốc đang giăng ra, đang tiến hành.
Một vấn đề khác nữa cũng không kém quan trọng, đó là tiếp tục phân tích cho dư luận trong nước và quốc tế hiểu rõ, nắm chắc các loại tranh chấp phức tạp ở Biển Đông và cơ chế pháp lý giải quyết từng loại tranh chấp để tránh rơi vào cái bẫy ngôn từ của Trung Quốc.
Trước phán quyết của PCA, Trung Quốc vẫn đang cố tình tuyên truyền ào ạt theo kiểu "ông nói gà, bà nói vịt" để đánh lạc hướng dư luận. Tâm điểm hiện nay trên Biển Đông là vấn đề áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, xâm phạm tự do hàng hải hàng không quốc tế chứ không phải tranh chấp chủ quyền.
Nếu không phản đối và làm rõ các lập luận của Trung Quốc hoặc như tuyên bố của Nga vừa qua, rõ ràng chúng ta đã rơi vào cái bẫy công nhận đường lưỡi bò là "yêu sách chủ quyền" của Trung Quốc. Trong khi trên thực tế, không một quốc gia nào có thể khẳng định "chủ quyền" đối với cả vùng biển rộng lớn như Biển Đông.
Trên Biển Đông, khái niệm chủ quyền theo cá nhân người viết, chỉ có thể được hiểu đối với các thực thể đang tồn tại tranh chấp, vùng nội thủy và lãnh hải tối đa 12 hải lý ven bờ của các quốc gia ven Biển Đông. Không thể sử dụng khái niệm "chủ quyền" đối với đường lưỡi bò, hy vọng PCA sớm ra phán quyết hủy bỏ đường lưỡi bò bành trướng, vô lý ấy.
Ngoài ra cần vạch trần luận điệu của Chen Xiaochen, đồng thời cũng là quan điểm chính thức của nhà nước Trung Quốc trong công hàm ngày 11/12/2015 phản biện lập luận của Philippines bằng cách đánh tráo khái niệm và bản chất vụ kiện.
Trong công hàm này của phía Trung Quốc có nhắc đến các văn kiện quốc tế trước Chiến tranh Thế giới II mà Bắc Kinh nói rằng các văn kiện này thể hiện "chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc".
Xin trích dẫn tại đây một phần kết quả nghiên cứu của học giả Trương Nhân Tuấn tại Pháp để thấy rõ tư duy và thủ đoạn "nấu giả cầy" luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang áp dụng.
Công hàm của Trung Quốc nhắc đến Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Potsdam 1945 và một số văn kiện khác họ cho là, nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(1) Tuyên bố Cairo:
Tháng 11 năm 1943, ba lãnh tụ Theodore Roosevelt, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch gặp nhau tại Cairo, thủ phủ nước Ai Cập, thảo luận về điều kiện để Trung Hoa đứng về phía Đồng minh cũng như mục đích của cuộc chiến. Sau cuộc họp, một bản tuyên bố chung được công bố trước công chúng, gọi là “Tuyên bố Cairo”.
Nguyên văn bản Tuyên bố (tạm dịch lại) như sau:
"Mục đích chiến đấu duy nhất của (các nước Đồng minh) là kết thúc cuộc xâm lược của Nhật Bản. Các nước Đồng Minh không hề có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. Chúng tôi chỉ giải phóng các vùng lãnh thổ đã bị Nhật Bản chiếm đóng bởi bạo lực."
Các vùng đất mà Nhật Bản phải từ bỏ:
Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I;
Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ;
Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực;
Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định.
Những điểm cần nhấn mạnh trong bản Tuyên bố:
a) Các cường quốc (gồm Trung Hoa) không có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. b) lãnh thổ Nhật trả lại cho Trung Hoa gồm Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ.
Tuyên bố Cairo không có dòng chữ nào qui định "trả Hoàng Sa và Trường Sa lại cho Trung Hoa."
Nhật chiếm Hoàng Sa và Trường Sa trên tay Pháp (là đại diện hợp pháp của nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại thời điểm đó). Sau đó Nhật sáp nhập hành chánh hai quần đảo này vào huyện Đài Loan (nhượng địa của nhà Thanh theo Hiệp ước Simonoseki).
Tuyên Bố nói là trả Đài Loan cho Trung Hoa nhưng không vì vậy mà có thể diễn giải Hoàng Sa và Trường Sa phải trả cho Trung Hoa.
Bởi vì Tuyên bố còn nói: Nhật phải trả tất cả các đảo ở Thái Bình Dương (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) đã chiếm trước Thế chiến Thứ II cũng như tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực.
(2) Tối hậu thư Potsdam:
Còn gọi là Tuyên bố Potsdam, là tối hậu thư của các nước Đồng minh Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa gởi cho Nhật Bản ngày 26 tháng 6 năm 1945. Văn kiện này quan trọng vì được sự nhìn nhận vô điều kiện của Nhật. Nội dung tối hậu thư tái xác nhận hiệu lực Tuyên ngôn Cairo.
Nội dung gồm một số điều:
Thi hành các điều đã xác định theo Tuyên bố Cairo;
Lãnh thổ Nhật Bản sẽ chỉ giới hạn trên các đảo Hondo, Hokkaido, Kiousiou và Si Kok cũng như trên một số đảo nhỏ khác sẽ được xác định do các nước đồng minh;
Nhật sẽ bị hoàn toàn giải giới và các lực lượng quân đội Nhật sẽ giải ngũ.
Nội dung tuyên bố này không nói đến số phận các vùng lãnh thổ của các nước bị Nhật chiếm (trước Thế chiến II) mà chỉ xác nhận hiệu lực Tuyên bố Cairo.
Cho rằng Tuyên ngôn Potsdam nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng  không đúng sự thật.

No comments:

Post a Comment