Saturday, June 18, 2016

Formosa Hà Tĩnh: Cuộc mặc cả chưa ngã giá

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-06-18 
000_9Y4WC
 Nhà máy thép của tập đoàn Đài Loan Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015.  AFP photo
Sự kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoãn làm lễ khánh thành và ngưng đưa vào sản xuất thương mại, được ghi nhận trong bối cảnh phía Việt Nam trì hoãn công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.

Formosa là nơi tạo ra chất độc làm cá chết?

Theo Tờ Thời Báo Đài Bắc, Formosa Hà Tĩnh quyết định hoãn việc tổ chức lễ khánh thành dự kiến vào ngày 25/6/2016, đồng thời ngưng đưa vào hoạt động chính thức nhà máy luyện thép. Tập đoàn Hóa Chất Formosa Đài Loan khi xác nhận thông tin vừa nói còn thêm rằng, họ chưa lên kế hoạch mới về vấn đề này.
Nguyên nhân về việc đình hoãn khánh thành và sản xuất chính thức không được loan báo, nhưng báo chí Đài Bắc đưa ra hai nguyên nhân, thứ nhất là chuyện tiền bạc, Formosa Hà Tĩnh bị buộc truy thu thuế số tiền tương đương 70 triệu đô la Mỹ. Thứ hai là chính quyền Việt Nam cũng kéo dài thời gian, chưa chấp thuận đơn xin chính thức sản xuất của Formosa.
Như thế có thể suy ra là rất có khả năng với xác suất rất cao, Formosa chính là nơi tạo ra chất độc làm cho cá chết… cần những bằng chứng tội phạm giống như vụ Vedan chẳng hạn, Vedan thì cảnh sát bắt được quả tang việc nó làm thì lúc ấy đưa ra phạt nó dễ, chứ bây giờ có thể là khó hơn…
-TS Nguyễn Quang A
Qua thảm họa cá chết hàng loạt, các cơ quan chức năng của Việt Nam mới tiến hành kiểm tra việc xả thải của Formosa. Các giới chức Việt Nam cũng hết sức lúng túng về phát hiện đường ống ngầm xả thải dài 1,5 km đặt ngầm dưới đáy biển. Thông tin đặt nghi vấn về việc một thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp phép cho Formosa đặt đường ống ngầm trái pháp luật.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách IDS ở Hà Nội, thì rất khó đánh giá việc Formosa Hà Tĩnh hoãn khánh thành và ngưng sản xuất vì không có đủ thông tin. Tuy nhiên ông nhấn mạnh tới việc dư luận vẫn trông chờ nhà nước công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt. TS Nguyễn Quang A đặt ra giả thuyết phía Việt Nam chần chừ, vì đưa ra một kết luận nào đó cũng có thể sẽ không thỏa thuận được với Formosa. TS Nguyễn Quang A tiếp lời:
“Như thế có thể suy ra là rất có khả năng với xác suất rất cao, Formosa chính là nơi tạo ra chất độc làm cho cá chết… cần những bằng chứng tội phạm giống như vụ Vedan chẳng hạn, Vedan thì cảnh sát bắt được quả tang việc nó làm thì lúc ấy đưa ra phạt nó dễ, chứ bây giờ có thể là khó hơn…Chưa biết chừng người ta đang tìm cách mặc cả với Formosa cho một giải pháp nào đấy, mà hai bên có thể chấp nhận được. Đấy là một giả thuyết, còn chuyện gọi là không cho sản xuất hay phạt thì cần ngó kỹ vào hợp đồng của hai bên, những tài liệu này không được công khai cho nên rất khó đánh giá…”
ca-chet-hue-400.jpg
Cá chết ở bờ biển Huế được thu gom đem chôn hồi tháng 4 năm 2016. File photo.
Được biết thảm họa cá chết hàng loạt  xảy ra vào đầu tháng 4/2016, một thời gian sau khi Formosa sản xuất thử nghiệm được 4.700 tấn thép. Sau thời gian này, Formosa sử dụng một khối lượng lớn hóa chất để xục rửa đường ống ngầm đưa ra biển, dù nhà máy nói là nước làm vệ sinh đường ống đã được xử lý trước khi thải ra biển.
Ngày 2 tháng 6 trong cuộc họp báo ở Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ ông Mai Tiến Dũng khẳng định, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Tuy nhiên Thủ tướng chỉ đạo mời tư vấn trong ngoài nước để phản biện. VnExpress trích lời Bộ trưởng Thông tin Truyển thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh rằng, việc xác định nguyên nhân cá chết còn liên quan tới xác định thủ phạm gây ra nguyên nhân đó và ngoài bằng chứng khoa học còn phải điều tra đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về môi trường.
Ngoài chuyện chưa được phía Việt Nam cho phép chính thức sản xuất như thông tin của báo Đài Loan, Formosa Hà Tĩnh từng bị truy thu thuế, truy hoàn thuế, Theo báo Tuổi Trẻ Online số tiền thuế này lên tới 2.000 tỷ đồng, trong đó truy hoàn hơn 1.500 tỷ đồng do sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng qui định.

Vì sao từ chối sự giúp đỡ tìm nguyên nhân cá chết?

Theo SaigonTimes Online bản tin trên mạng ngày 16/6, về mặt chính thức chính quyền Hà Tĩnh nói không biết gì về thông tin Formosa hoãn khánh thành và ngưng sản xuất chính thức. Tuy nhiên tờ báo có tin riêng là lãnh đạo Hà Tĩnh đang làm việc với Formosa và Bộ Tài chính để phối hợp xử lý các thông tin liên quan.
Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động dân quyền, nhận định:
Một điều chắc chắn tức là chính quyền đã phản ứng rất là kém, lúng túng và gần như tê liệt. Sự từ chối lời chào mời giúp đỡ của Hoa Kỳ hoặc của Đài Loan là điều rất khó tưởng tượng được.
-TS Nguyễn Quang A
“Tôi nghĩ rằng, đối với một nhà nước trong trường hợp họ muốn đóng cửa Formosa chẳng hạn, thì hợp đồng chặt như thế nào cũng có thể tìm cách ra được. Nhưng tôi nghĩ đấy là một giải pháp chưa chắc là tốt cho cả hai bên. Cho nên chuyện cứ dùng dằng, bên Formosa họ nói rằng hoãn khai trương lò cao số 1 thì cũng có thể là một phản ứng kiểu như vậy. Theo thông tin của báo chí Đài Loan, họ ám chỉ có nguyên nhân chính trị ở đàng sau, rất có thể như vậy nhưng mà xác thực thế nào thì rất khó biết nếu chúng ta không có đầy đủ thông tin.”
Tin ghi nhận, ngày 8/6/2016 phát biều tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, chính phủ Việt Nam đã từ chối đề nghị giúp đỡ của Hoa Kỳ để tìm nguyên nhân và đối phó với thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung. Mới đây nhất ngày 16/6, trong cuộc họp báo ở Đài Bắc một số dân biểu Đài Loan lên tiếng hối thúc điều tra về trách nhiệm của Formosa trong vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam. Trong dịp này, Ông David Wang thuộc cơ quan đầu tư Đài Loan cho biết Đài Loan đã đề nghị giúp chính phủ Việt Nam tìm nguyên nhân cá chết nhưng bị từ chối.
Nhận định về  việc Việt Nam từ chối đề nghị giúp đỡ của Hoa Kỳ và Đài Loan trong vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung, TS Nguyễn Quang A phát biểu:
“Một điều chắc chắn tức là chính quyền đã phản ứng rất là kém, lúng túng và gần như tê liệt. Sự từ chối lời chào mời giúp đỡ của Hoa Kỳ hoặc của Đài Loan là điều rất khó tưởng tượng được. Nó có những chuyện mờ ám ở đàng sau mà mình không thể biết được.”
Trong những năm vừa qua Việt Nam đã trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, rất nhiều dự án sản xuất chế biến và công nghiệp nặng được cấp phép, kể cả các khu vực ven biển. Sự bùng nổ đầu tư với nhiều ưu đãi, không cân nhắc về hậu quả tác động môi trường đã khiến Việt Nam phải trả giá. Vùng Áng Hà Tĩnh đã trở thành câu chuyện mới nhất về vấn đề hy sinh môi trường đánh đổi phát triển kinh tế.

No comments:

Post a Comment