Saturday, June 18, 2016

Thời đại Hồ Chí Minh: làm nữ sinh phải bị cưa chân "không vi phạm quy trình"!

CTV Danlambao - Trong việc một nữ sinh lớp 10 bị cưa chân bởi sự tắc trách của Bệnh viện đa khoa Cư Kuin, Sở Y tế Đắk Lắk nhận định rằng Bệnh viện Cư Kuinkhông vi phạm quy trình khám chữa bệnh. Việc dẫn đến hậu quả làm cho bệnh nhân bị cưa mất một chân chỉ là “có sai sót trong quá trình điều trị do chuyên môn hạn chế”.

Nhắc lại sự việc, vào ngày 6-3-2016, em Lê Thị Hà Vi, 16 tuổi, bị tai nạn giao thông và được đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin. Sau khi khám nghiệm, BS Y Tâm tại đây kết luận em bị gãy mâm chày ở đầu gối bên phải và ra chỉ thị chỉ bó bột chân cho Hà Vi. Mặc dù sau đó Hà Vi đau đớn, vài ngày sau chân sưng phù, tím tái, cha mẹ em nhiều lần đi tìm gặp BS Y Tâm và giám đốc bệnh viện là ông Nguyễn Văn Tâm trình bày sự việc và đều được trấn an “không sao đâu”, “bệnh viện đã từng điều trị cho nhiều trường hợp như vậy nên cứ yên tâm...” Tuy nhiên, tình trạng của Hà Vi đã trở thành nghiêm trọng, gia đình phải xin chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc đó thì đã quá muộn, chân em Hà Vi đã bị tắc mạch máu, hoại tử chân, các bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy buộc phải cắt bỏ 1/3 chân phải để bảo đảm tính mạng của em.

Ngày 18-3-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến gia đình Hà Vi thăm hỏi và hứa sẽ có trách nhiệm với bé Vi và gia đình về vụ việc này.

Tuy nhiên, đến nay thì lời hứa của bà Bộ trưởng y tế đã được thể hiện một cách vô trách nhiệm và tàn nhẫn qua việc Sở Y tế Đắk Lắk nhận định rằng Bệnh viện Cư Kuin không vi phạm quy trình khám chữa bệnh.

Chúng ta thấy gì trong báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk - Bệnh viện đa khoa Cư Kuin không vi phạm quy trình khám chữa bệnh nhưng “có sai sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu xảy ra đã đã không được xử trí kịp thời”!?

Thứ nhất: trình độ chuyên môn hạn chế đồng nghĩa với ngu dốt, không đủ kiến thức y khoa để chữa bệnh.

Thứ hai: không xử trí kịp thời tức là quá sai sót trong quy trình khám chữa bệnh.

Kết luận thanh tra của Sở Y tế Đắk Lắk nói rằng việc tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Vi là kịp thời, chu đáo. 

Điều này là tiêu chuẩn tối thiểu của một bệnh viện, nhưng chữa trị như thế nào là chuyện khác... 

Cũng theo Sở Y tế Đắk Lắk: Tuy nhiên, sau khi hoãn mổ, bệnh nhân không được theo dõi liên tục các dấu hiệu chèn ép khoang trong thời gian sau đó. Các bác sĩ trực tiếp điều trị chưa ý thức cảnh giác phòng, chống hội chứng chèn ép khoang cấp tính. Do đó bệnh nhân chưa được thăm khám các nội dung phù hợp với bệnh cảnh hiện tại...

Đây là một kết luận láo khoét vì chính gia đình đã nhiều lần đi tìm gặp BS Y Tâm và giám đốc bệnh viện là ông Nguyễn Văn Tâm trình bày sự việc và đều được trấn an “không sao đâu”, “bệnh viện đã từng điều trị cho nhiều trường hợp như vậy nên cứ yên tâm...”.

Sở Y tế Đắk Lắk khẳng định, bác sĩ Y Tâm được cấp chứng chỉ hành nghề chữa bệnh nội khoa lại phân công về... khoa ngoại và điều trị ban đầu cho Hà Vi là không đúng chuyên môn.

Cử một bác sĩ không đúng chuyên môn để chữa trị bệnh nhân mà tuyên bố không vi phạm quy trình thì còn thứ gì trên đời này để nói là vi phạm!?

Và rồi Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu bệnh viện Cư Kuin phải: tổ chức họp kiểm điểm đối với cá nhân, tập thể liên quan đến sai sót khiến bệnh nhân Hà Vi phải cưa chân. Thế là huề cả làng. Một tập thể làm sai từ bác sĩ đến giám đốc bây giờ đóng cửa, tự họp, tự kiểm điểm với nhau.

Trong khi các ngài họp hành cho qua chuyện thì một chân của em học sinh lớp 10 xinh đẹp đã bị cắt bỏ, em sống suốt cuộc đời còn lại của mình trong cảnh tật nguyền.

18.06.2016

No comments:

Post a Comment