Saturday, June 18, 2016

Thằng Chiến Thắng, ngài Chiến Bại

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Vào cuối nhiệm kỳ Tổng Thống Mỹ, ông Obama, không biết vô tình hay hữu ý, đã có cùng chuyến đi thăm hai nước cựu thù: Việt Nam và Nhật Bản. Hai cuộc chiến của Mỹ với hai quốc gia Đông Á, cách nước Mỹ nửa vòng trái đất đã có những hậu quả vô cùng nghịch lý. 

Bắc Việt với sự yểm trợ của khối cộng sản Đông Âu, Trung Cộng đã trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc chiến VN. Người Mỹ đã ngậm ngùi rời Việt Nam sau thất bại trong việc bảo vệ tiền đồn chống Cộng VNCH. Năm 1975 Bắc Việt huyênh hoang ca ngợi chiến thắng vĩ đại của mình. Khác hẳn năm 1945 người Nhật đã đau đớn nhìn lễ ký kết đầu hàng vô điều kiện trên chiến hạm của Mỹ, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai.

Thời gian trôi qua nhanh, nước Nhật của những kẻ chiến bại đã trở thành một quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Dân Đức vốn nổi tiếng tự hào về dân tộc mình cũng nghiên mình, nể phục người Nhật, một hai xin thưa ngài. Vâng... NGÀI CHIẾN BẠI. 

Còn Việt Nam, đất nước của kẻ chiến thắng lại trở thành một nước nghèo đói, lạc hậu. Nhiều người Việt tiếp tục bỏ xứ ra đi. Có người qua các nước láng giềng làm các nghề hèn hạ như ăn xin, ăn cắp, buôn đồ cấm, đồ lậu... Người dân bản địa đã không khỏi quay đầu, bĩu môi, khinh bỉ. Vâng đấy là dân từ xứ sở của... THẰNG CHIẾN THẮNG. 

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, nhà báo độc lập NTT đã tổ chức một buổi tọa đàm với hai khách mời. Một từ VN, GS TS Nguyễn Chiến Thắng (tên cúng cơm Nguyễn văn Vẹt) thuộc Học viện NCCTHCM. Một từ Nhật, GS TS Nhật này nói tiếng Việt rất giỏi và đã chọn một tên Việt Nam, GS Nguyễn Chiến Bại. 

NTT: Thưa GS Chiến Thắng... 

GS Chiến Thắng (mập mạp, hồng hào, quần áo hợp thời trang, giọng có vẻ bực bội): Tôi học bở hơi tai mới có bằng tiến sĩ. Rồi học, đọc vanh vách ngày đêm như con vẹt chủ nghĩa Mác Lê, mới lên hàm giáo sư. Nghiêm túc đề nghị nhà báo gọi đúng cách: TIẾN SĨ GIÁO SƯ THỰC THỤ NGUYỄN CHIẾN THẮNG. 

GS Chiến Bại (đầu tóc bù xù như Einstein, quần áo xốc xếch, vui vẻ): Ồ, nhà báo muốn xưng hô như thế nào cũng được. Hay để đơn giản gọi bằng ông cũng được. 

NTT: Vâng. Trước khi bàn đến hiện tại xin trở lại lịch sử. Khi chấm dứt chiến tranh, nước Nhật lúc ấy ra sao? Và VN tình hình như thế nào? Xin mời GS Chiến Bại. 

GS Chiến Bại (Trầm ngâm): Tôi sinh ra sau chiến tranh. Những chuyện ngay sau chiến tranh do bố mẹ tôi hay kể lại, tôi vẫn nhớ. Những ngày đó rất đói khổ. Các thành phố không còn nguyên vẹn. Hai thành phố bị bom nguyên tử thì thành bình địa. Bố mẹ tôi phải ngày đêm lo chôn cất người chết, dọn dẹp các căn nhà đổ nát. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, ốn ăn uống bữa đói, bữa no. Nghĩ lại thấy thực kinh khủng. Người Mỹ không có chuyện trả thù, hay học tập cải tạo. Chỉ lãnh đạo chủ chốt, hoặc mổ bụng tự sát hoặc bị bắt ra toà vì các tội ác chiến tranh ở Nam King, Phi Luật Tân, Triều Tiên... Vua Nhật vẫn toạ vì theo đúng hoà ước. Dân Nhật lúc ấy đoàn kết sau lưng nhà vua, các lãnh đạo mới, cùng chung một lòng xây dựng nước Nhật từ đống tro tàn. 

Ngày đó, các học sinh ngay từ tiểu học, hàng ngày học một buổi, một buổi tham gia dọn dẹp đường phố, trồng nông phẩm. Được sự giúp đỡ của Mỹ, các hãng xưởng hồi phục dần và rồi phát triển mạnh mẽ. Bố tôi làm công nhân cho một hãng nhỏ. Ông đi làm từ sáng sớm, đến gần tối mới về nhà, ăn cơm tối chung với gia đình. Ông có vẻ rất yêu công việc của mình, và xem hãng xưởng như gia đình thứ hai. Tôi còn nhớ, ngày tôi được vài tuổi. Một buổi chiều bố tôi đi làm về, ông đứng trước cửa nhà, hân hoan nhìn mẹ tôi. Tay phải ông dắt một chiếc xe đạp, đơn giản nhưng mới. Đấy là sản phẩm đầu tiên từ hãng ông đang làm việc. Mẹ tôi đứng trước cửa nhà lặng nhìn, đột nhiên bà bật khóc và ôm chặt lấy ông, hai người đều khóc. Bố tôi xoa đầu tôi, nói qua giòng lệ: "Đất nước mình đang hồi sinh đấy con...". Phải nước Nhật đã gượng đứng dậy bằng đôi chân của mình. 

Và từ đó bao nhiêu mồ hôi, công sức bỏ ra với một tấm lòng, một trái tim hướng về tổ quốc, dân tộc. 20 năm sau chiến tranh thế giới đã biết đến các thương hiệu Toyota, Nissan, Sony, Panasonic... rồi Honda, Suzuki... Nước Nhật vẫn theo chế độ quân chủ lập hiến, vua Nhật chỉ đại diện quốc gia, chính phủ được dân bầu điều hành đất nước. Đảng đối lập gồm thành phần có chính kiến khác được tự do hoạt động. Tất cả thể chế đó cùng sự cần cù của người Nhật đã tạo ra một NHẬT BẢN NGÀY NAY. 

GS Chiến Thắng (vui vẻ): Ngày 30/4/75 tôi cùng đơn vị tiến vào Sài Gòn. Vui quá. Thành phố còn nguyên vẹn. Đường xá rộng rãi, nhà cao tầng... Bộ đội chúng tôi ai đi cũng ngẫng cao đầu, không phải hãnh diện vì giải phóng Sài Gòn, mà chúng tôi lo ngắm nhìn các ngôi nhà cao đẹp. Có anh quẹo cả cổ đấy. Chúng tôi tìm thấy bao nhiêu kho thịt đông lạnh, đủ cho dân thành phố dùng cả năm. Rồi máy móc đủ loại, nhưng anh em bộ đội chúng tôi chỉ thèm rõ rãi mấy cái đài chạy pin thôi. Ấy trong anh em chúng tôi cứ nói với nhau: "Đi giải phóng thành phố giàu có hơn mình, thích thật. Nếu mà giải phóng thành phố nghèo, chán bỏ mẹ?" 

Sau đó chúng tôi gọi viên chức, quân đội Miền Nam tập trung học tập cải tạo. Ban ngày cả ngàn người xếp hàng đưa lên xe ra các trại cải tạo mà ngay cả chúng tôi chả biết nó nằm ở đâu. Buổi tôi chúng tôi ôm bụng, lăn ra cười: "Dân miền Nam ngây thơ qúa. Họ nghe lời, chỉ mang theo lương thực đủ ba ngày học tập. Họ đâu có biết ba đây là ba năm hay ba chục năm?". Vui quá đi thôi! 

Lúc ấy, tôi chỉ là bộ đội trẻ, 18 tuổi, nhưng nhờ chăm chỉ học làu chủ nghĩa Mác Lê, nên được giao nhiệm vụ cán bộ giảng huấn cho thành phần học tập cải tạo tại chỗ. Đứng trước đám đông tôi cứ thao thao bất tuyệt về tư tưởng vĩ đại HCM, thiên đường cộng sản nơi không có người bóc lột người... Tối về phòng, tôi lại ôm bụng cười khi nghĩ lại đám đông trố mắt nhìn tôi giảng thuyết. Họ chắc chả hiểu gì, nhất là thiên đường cộng sản tôi đã cố vẽ vời. Làm sao hiểu được thiên đường khi chưa thấy địa ngục? Chẳng lẽ vừa được giải phóng lên ở ngay trên thiên đường, thế còn gì hiểu vui thú!.

Còn việc đánh tư sản mại bản ở Miền Nam nữa chứ. Đồng chí Đỗ Mười được trung ương cử vào Nam để lo việc này. Chúng tôi theo đúng y như bản hướng dẫn của đ/c Đ.M cho từng nhà, cửa hàng bị kiểm kê. Đ.M ân cần căn dặn phải nói nhiều đến tên đ/c cho có vẻ giới giang hồ thảo khấu, người dân mới biết sợ. Nếu thấy nhà cửa đẹp, niêm phong và cấp giấy được phép cho đi KINH TẾ MỚI. Đúng đảng là những người thích đùa nên mới đưa Đ.M làm việc như trấn lột người có của như thế này. 

Một lần tôi kiểm kê nhà của một bà đáng tuổi bà nội tôi. Bà khóc lóc, năn nỉ: "Cháu ơi, dì làm lụng suốt cả đời chỉ xây dựng được cơ sở nhỏ này. Cháu thương tình cho dì xin lại một phần..." Tôi cười to, chỉ vào mặt bà: "Này bà già khốn khổ dại dột kia. Bà này không biết Đ.M đảng cộng sản à. Bà cứ khóc lóc, năn nỉ là Đ.M. không những cho bà, mà cả gia đình đi học tập cải tạo ngút chỉ cho sáng mắt ra!". Vâng vui quá, đ/c Đ.M đúng là một đỉnh cao trí tuệ của đảng. Bây giờ Đ.M già rồi. Chúng tôi đã chọn đường đặt tên Đ.M, gần đường các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh nhưng Đ. M còn ham vui, ham sống, chưa chịu chết.

Đảng là những người anh hề luôn luôn tìm chính sách để nhân dân vui đùa. Tiền mất giá ư, đổi tiền, 500 tiền cũ còn 1 đồng tiền mới. Ngân sách nhà nước thiếu tiền ư, công an tổ chức vượt biên BÁN CHÍNH THỨC, vượt biên KHÔNG CHÍNH THỨC. Giá cả chỉ tính bằng vàng thôi. Thị trường kinh tế không ổn định, thôi thì NGĂN SÔNG CẤM CHỢ. Bao nhiêu là chuyện vui không sao kể hết được. Vừa làm các chuyện vui này chúng tôi còn bày thêm trò tụt giốc. 

Thực tế năm tháng sau đó, chúng tôi đã đưa cả nước trượt xuống... Họ được ăn bo bo thế gạo. Kho thịt dự trữ còn ít để dành cho lãnh đạo. Trong cơ quan, bệnh viện, hãng xưởng có ban đời sống chỉ để chia thịt, chia cá, mắm muối cho nhân viên, họ thường cãi nhau dành phần như ở chợ. Mọi người không cần đi chợ ngoài, ở đấy không có gì để bán. Tôi lại cười khi nhìn người dân lo lắng. Họ chẳng vui vẻ tận hưởng cái thú trượt ván xuống dốc gì cả. Khi tuột đến đáy rồi, không còn chổ nào nữa, đảng sẽ mở đường bò lên thôi. Đúng vậy, chủ nghĩa Mác Lê được bẻ cong queo đi một tí: kinh tế thị trường định hướng XHCN. Không ai hiểu gì cả, nhưng không còn đường nào đi thì bò theo đảng thôi! Nhiều người trách móc đảng bắt họ phải bò, tôi cười to: "Hỡi quần chúng khờ dại kia. Nhiều người về già cứ mong ước mình chỉ trẻ lại vài tuổi, tốn kém bao nhiêu cũng được. Nay chỉ nhờ đảng tất cả trở lại bé bỏng, chỉ biết bò, biết lẫy. Thế không biết ơn đảng!". Bây giờ, sau 50 năm chiến tranh chúng tôi vẫn kiên trì tiếp tục bò theo chủ thuyết Mác Lê, bò theo đảng để có VIỆT NAM NGÀY NAY. 

NTT: Tóm lại, sau chiến tranh hai nước đã có hai hướng đi gần như ngược nhau. Nước Nhật theo chính sách DÂN CHỦ TỰ DO, tương tự như các nước Tây Đức, Nam Hàn sau chiến tranh. Việt Nam vẫn trung thành chủ nghĩa Mác Lê, sao chép lại một nửa của Trung Quốc, một nửa của Pôn Pốt. Bây giờ nhìn lại chặng đường vừa trải qua. Hai GS có nhận xét gì để rút tỉa kinh nghiệm trong thời gian tới. 

GS Chiến Bại (nghiêm trang): Con người không thể nói là mình không bao giờ có lỗi lầm. Chính phủ Nhật cũng có một số lỗi lầm và chúng tôi can đảm cúi đầu xin lỗi trước nhân dân. Thí dụ trong giao thông, tai nạn đường sắt nghiêm trọng, bộ trưởng giao thông nhanh chóng nhận trách nhiệm, cúi đầu xin lỗi trước mọi người và xin được từ chức. Chúng tôi trọng dạnh dự, nhất là danh dự đã được nhân dân tín nhiệm giao cho trọng trách điều hành đất nước. Tương lai chúng tôi vẫn tiếp tục kiện toàn thể chế tự do, dân chủ cho người dân để mọi người đóng góp tích cực phát triển nước Nhật. 

GS Chiến Thắng (vẫn tươi cười): Đảng cộng sản Việt Nam nằm ở đỉnh cao trí tuệ loài người nên không bao giờ có lỗi lầm. Chỉ có thiểu số làm sai, nên bị kiểm điểm sơ sơ hay sử lý nội bộ thôi. Đảng sáng tạo bao nhiêu trò đùa cho dân, nên người dân mang ơn đảng. Lãnh đạo đảng nào đi chầu diêm vương đều được chúng tôi lấy tên đặt tên đường! Còn DANH DỰ chỉ là sản phẩm của tư bản, đế quốc. 

NTT: Về mặt xã hội, môi trường sống hiện tại của hai nước, hai GS có thấy điểm nào?

GS Chiến Bại: Nói chung người Nhật thấy hạnh phúc trong xã hội hiện tại. Người dân lợi tức chính là tiền lương. Hệ thống thuế khóa được máy tinh hóa. Tham nhũng chỉ ở phạm vi rất nhỏ, gần như không đáng kể. Chúng tôi chỉ sợ nhất thiên tai động đất, núi lửa, sóng thần, thực phẩm, môi trường sống bị ô nhiễm.

GS Chiến Thắng (cười như chế nhạo): chúng tôi không sợ thiên tai hay môi trường ô nhiễm. Công ty nước ngoài có thải rác độc hại cỡ nào, chúng tôi cũng làm TÌNH LỜ. Do đó các công ty Trung Quốc rất thích vào VN xây dựng nhà máy. Hạnh phúc thì người dân phải chờ khi lên được thiên đàng. Nếu bây giờ người dân được hạnh phúc, họ không chịu bò theo đảng nữa thì còn gì đảng, còn gì học viện NCCTHCM. 

Ở VN chúng tôi sống chính bằng bổng lộc, bao thơ nên thuế khóa rất đơn giản. Chúng tôi có câu: Không tham nhũng thì không có nghề nghiệp giá trị. Đúng thế các nghề như lo vệ sinh, quét rác thì chả ai tham nhũng. Còn nghề có giá trị như hải quan, công an giao thông, đôi khi phải bỏ vốn lúc đầu rất nhiều mới được tuyển vào. Khó lắm! Thế giới cứ nói VN nhiều tham nhũng vì họ không hiểu những nghề có giá trị ở VN. 

NTT: Trở lại chuyến thăm ông Obama vừa rồi, xin hai ngài cho biết quan điểm về sự tiếp đón. Ở VN, nhà nước đón tiếp rất đơn giản, nhưng quần chúng lại rất nồng nhiệt. Ở Nhật, sự đón tiếp lại có vẻ ngược lại? Xin mời TS GS NCT... 

GS Chiến Thắng: Việt Nam gần Trung Quốc về cả địa dư lẫn chính trị. Khổ nổi trong lịch sử như hiện tại, khi Trung Quốc mạnh lên thì nó lại quay nhìn Việt Nam như con thú đói nhìn thấy miếng thịt. Về chủ nghĩa Mác Lê thì nó là thầy, là bố mình. Mình sửa soạn làm gì là nó đã biết trước cả. Nó có đè lên hiếp mình, mình chỉ dám ẩy ra nhè nhẹ thôi! Chả phải chỉ có ngư dân VN bị tàu TQ đánh đuổi, ngay cả TBT nhà mình kia, Tập Cận Bình nó đè, nó hiếp đồng chí tơi bời, đ/c vẫn tươi cười như không có gì. Do đó trong quan hệ với các nước tư bản, đặc biệt là Mỹ thì đảng phải rất dè chừng. Trung Quốc nó giả vờ ho ho lên vài tiếng, mình phải rút tay lại ngay, nếu không nó tát mình vỡ mặt, chả có tình nghĩa Mác Lê gì đâu. 

Về sự tiếp đón nồng nhiệt của đồng bào từ Bắc vào Nam với ông Obama. Học viện chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này từ lâu. Khi chúng ta bò theo đảng, người chúng ta không có sinh tố TD và sinh tố DC. Người thiếu sinh tố này, khi đứng gần hay bắt tay người có nhiều sinh tố TD, DC sẽ thấy vui sướng, hạnh phúc. Ông Obama chắc chắn có nhiều sinh tố này, nên người VN ai cũng muốn đi đón mừng ông để được vui, để được sảng khoái, để được hạnh phúc... Có điều khi người có sinh tố TD và CD lại hay chống đối, cười mỉa mai chủ nghĩa Mác Lê, đảng rồi bác Hồ vĩ đại. Vì thế đảng, theo đề nghị của học viện chúng tôi, đã đưa sinh tố này vào loại thuốc cấm. Ai vi phạm sẽ bị nhà nước kết tội phản động, bị trừng trị đích đáng.

GS Chiến Bại: Về địa dư, dân số, nước Nhật cũng giống như Việt Nam, văn hóa Nhật cũng chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Quốc. Về chính trị nước tôi hoàn toàn khác. Sau chiến tranh với hơn 3 triệu người Nhật chết, chính trị Nhật đổi khác. Chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ, nước Nhật ngày nay tự hào là một nước Tự Do, Dân Chủ. Chúng tôi hiểu người Trung Quốc cũng như người Việt. Thực đáng buồn, khi phải luôn luôn cảnh giác đề phòng người láng giềng hung hãn, nhiều thủ đoạn bẩn thỉu đối với các nước nhỏ hơn. Tây Tạng là trường hợp điển hình.

Chính phủ Nhật đón tiếp long trọng ông Obama, thể hiện ý chí sắt thép, quyết tâm bảo vệ biển đảo trước bất kỳ uy hiếp, dọa nạt nào từ Trung Quốc. Người Mỹ mặc dù trong quá khứ đã có chiến tranh hai bên xảy ra, nhưng vẫn đáng tin cậy hơn người Trung Quốc nhiều lắm.

Nước Nhật có thể chế chính trị giống Mỹ, người Nhật xem ông Obama như một người bạn thường gặp gỡ. Ông Obama qua Nhật là chuyện bình thường. Khi ông Obama thăm nơi tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima, người Nhật không mong ông ngõ lời xin lỗi. Họ cám ơn ông đã có sự đồng cảm đối với người đã chết trong chiến tranh và chỉ muốn cùng ông nói một lời "Chiến tranh thực đáng sợ". Bản thân người Nhật hiện nay cũng thấy mình đã có nhiều lỗi lầm trong thế chiến thứ hai với các dân tộc khác.

NTT: Như vậy sự đón tiếp ông Obama đã có hiện diện một ẩn số là Trung Quốc. Điều này hai nước đã có các biểu hiện hoàn toàn khác nhau. Quay trở về quan hệ hai nước Nhật Việt, xin hai giáo sư cho biết nhận xét của mình về nước bạn, có đề nghị gì để sự hợp tác thêm giữa hai nước? Xin mời TS GS Chiến Thắng...

GS Chiến Thắng (hơi ngập ngừng): Tôi rất ngưỡng mộ người Nhật đã tạo dựng nên đất nước Nhật cường thịnh trên thế giới. Chỉ tiếc người Nhật không được biết, hiểu nhiều về chủ nghĩa Mác Lê, về kinh tế thị trường XHCN, về tư tưởng HCM... Nói quanh co không bằng nói thẳng. Được biết GS Chiến Bại trong buổi tọa đàm ngày hôm nay, xin GS có thể xin cho tôi vài xuất cho tôi và gia đình sang thăm Nhật để có thể trao đổi thêm về chủ nghĩa cộng sản, tư tưởng HCM...

GS Chiến Bại (mỉm cười): Chủ nghĩa cộng sản dân Nhật có nhiều người biết. Sau sự sụp đổ khối cộng sản Đông Âu, rất ít người Nhật còn để ý đến lý thuyết này nữa. Sợ GS qua Nhật, không có ma nào đến dự buổi nói chuyện. Tuy nhiên, tôi sẽ nói chuyện với đài NHK, có thể mời GS lên một show TV. Chỉ ngại nghe GS giảng thuyết sẽ có quá nhiều người Nhật cười đến bể bụng được đưa cứu cấp, e bệnh viện không đủ chỗ.

Về đất nước và con người Việt Nam mà tôi đã đến thăm nhiều lần, tôi rất thích. Việt Nam khí hậu ấm áp, nhiều tài nguyên hơn Nhật. Con người cần cù chịu khó không thua gì người Nhật. Tôi thích thức ăn VN, ngày nào tôi cũng ăn một tô phở, không hiểu sao người VN lại tạo ra món ăn quá tuyệt vời!

Tôi cũng thấy có nhiều điều rất lạ, kỳ quặc ở VN, ngược hẳn ở Nhật rất nhiều. Thí dụ gần đây nhất, vụ cá chết hàng loạt ở miền trung VN. Người dân lo lắng bày tỏ hay đòi làm sáng tỏ sự việc thì bị công an đối xử thô bạo. Nhà nước VN rất chậm chạp giải quyết vấn đề khiến người dân càng đặt nhiều câu hỏi: không biết sự việc đã xảy ra còn tồi tệ hơn sự tưởng tượng của con người? Điều lạ lùng này không phải chỉ đối người Nhật mà các dân tộc khác trên thế giới! 

Nhật bản cũng như Mỹ muốn gần gũi, giúp VN nhiều hơn, nhưng VN còn xem chừng e dè, sợ sệt như thế nào, không hiểu được. 

Tôi cũng rất thích văn hóa VN. Tương tự văn hóa Nhật, chịu ảnh hưởng Trung Quốc nhưng không mất bản sắc dân tộc tính. Tôi vừa đọc một bài thơ của một cô giáo VN viết. Bài thơ đơn giản nhưng tôi cảm nhận được nó đã viết bằng một tấm lòng, một tình yêu tổ quốc nồng nàn. Nó làm tôi nhớ đến chiếc xe đạp đơn giản mà bố tôi đã mang về nhà, những giọt lệ diễn tả tình yêu trong sáng với đất nước mình đang sống. Tôi xin đọc lại bài thơ cho các bạn nghe.

Trong phòng, GS Chiến Bại ngâm bài thơ cô giáo Lan, nhà báo NTT lặng lẽ nghe. GS Chiến Thắng nằm dài trên ghế, miệng há hốc, ông đang ngáy... 

18/6/2016


No comments:

Post a Comment