Friday, January 29, 2016

Trung Quốc tiếp tục vỗ về Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Ông Tống Đào, trưởng ban Liên Lạc Đối Ngoại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đến Hà Nội ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử vị trí tổng bí thư Đảng CSVN.

Ông Tống Đào (phải) và ông Trọng - Tổng bí thư Đảng CSVN. (Hình: VTV)

Ông Đào đến Hà Nội với vai trò đặc phái viên của ông Tập Cận Bình, tổng bí thư kiêm Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc. Trước đó, sau khi có tin ông Trọng tái đắc cử, ông Bình đã lập tức gửi lời chúc mừng ông Trọng, đồng thời nhấn mạnh số phận Việt Nam và Trung Quốc càng ngày càng gắn chặt với nhau.

Theo tường thuật của báo giới, khi hội đàm với ông Trọng, ông Đào nhấn mạnh, Trung Quốc xem quan hệ hữu nghị có tính truyền thống và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là đặc biệt quan trọng.
Ông ta cũng nói thêm là Trung Quốc mong muốn hai bên sẽ “xử lý thỏa đáng bất đồng, gia tăng trao đổi, cùng phối hợp với nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế.” Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc càng ngày càng lo ngại những quốc gia “vừa là đồng chí, vừa là anh em” ở Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Cambodia sẽ thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của mình.

Chẳng hạn ngoài việc liên tục dọa dẫm giới lãnh đạo Việt Nam về khả năng kinh tế suy sụp (do kinh tế từ lâu vốn đã lệ thuộc sâu vào Trung Quốc về nguyên liệu, vật liệu, gần đây có thêm sự phụ thuộc về vốn), xảy ra “bất ổn chính trị” (mất độc quyền lãnh đạo), truyền thông Trung Quốc nói thẳng rằng, chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp giới lãnh đạo Việt Nam vừa giữ vững được sự lãnh đạo của Đảng CSVN, vừa có thể đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh, sự “tương đồng về chính trị” giữa hai bên chính là lý do để bảo vệ và phát triển quan hệ Việt-Trung, đồng thời khuyến cáo giới lãnh đạo Việt Nam phải “nhìn xa” đừng để phương Tây và những cá nhân theo “chủ nghĩa dân tộc” tại Việt Nam tác động bởi “bất kỳ hành động nào theo ‘chủ nghĩa dân tộc’ chống lại mối quan hệ có tính truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc đều tạo ra tác dụng ngược.

Cho dù ông Bounnhang Vorachit vừa tái đắc cử vào vị trí tổng bí thư Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào (tên của Đảng Cộng Sản Lào) hôm 22 Tháng Giêng, 2016, ông Trọng thì tái đắc cử vào vị trí tổng bí thư Đảng CSVN - những dấu hiệu cho thấy, khuynh hướng bảo thủ ở Lào và Việt Nam vẫn là chủ đạo song dường như tình thế đã khác trước.

Trước khi đến Việt Nam, ông Đào đã tới Lào để chúc mừng ông Vorachit. Ngay sau đó, ông Thongsing Thammavong, thủ tướng Lào khẳng định với ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ, rằng Lào sẽ tham gia phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Cần nhắc lại rằng, cho đến nay ASEAN vẫn không đạt được sự đồng thuận cần thiết để giải quyết bất đồng giữa các quốc gia thành viên của khối này với Trung Quốc.

Dẫu không công khai ủng hộ Trung Quốc như Cambodia song “thái độ trung lập” của Lào khiến việc tạo ra “tiếng nói chung” của ASEAN trở thành bất khả. Cũng vì vậy, việc lần đầu tiên Lào công khai bày tỏ quan điểm của mình trước lập trường của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông là một dấu hiệu đặc biệt đáng chú ý.

Mới đây, khi tiếp ông Đào, ông Trọng xác nhận, Việt Nam luôn xem việc duy trì quan hệ láng giềng - hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là quan trọng. Tuy nhiên, ông Trọng nhấn mạnh, hai bên nên “cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông bằng hành động cụ thể, thiết thực, nói nên đi đôi với làm.”
Tại sao có sự khác biệt về thái độ của giới lãnh đạo Việt Nam và Lào đối với Trung Quốc?

The Straits Times - một nhật báo của Singapore dẫn lời của nhiều chuyên gia để minh họa cho nhận định, lúc này, ở Việt Nam hay ở Lào, nếu “anh” quá thân thiết với Trung Quốc, “anh” sẽ bị loại. (G.Đ)
01-29-2016 1:41:22 PM 

No comments:

Post a Comment