Friday, January 29, 2016

Hy vọng gì cho giáo dục và y tế VN khi có lãnh đạo mới?

 Cát Linh, phóng viên RFA 2016-01-28  
000_Hkg9725957-622.jpg
Một bệnh viện ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Ban Chấp Hành Trung ương khoá mới, tức khoá XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được bầu ra trong ngày làm việc thứ sáu, sau khi hoàn tất cuộc bỏ phiếu và đếm phiếu. Danh sách “đi” và “ở” của một số nhân vật lãnh đạo then chốt đã được phổ biến rộng rãi trên truyền thông. Trong đó, ba vị lãnh đạo đứng đầu của ngành y tế, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến; ngành giáo dục là Ông Phạm Vũ Luận và tổng thanh tra phính phủ, Ông Huỳnh Phong Tranh đều không có tên trong các phiếu bầu.
Những người thay thế vào các vị trí đó có thể được xem là niềm lạc quan cho người dân Việt Nam về một tổ chức y tế, giáo dục tốt hơn sau kỳ Đại hội Đảng thứ 12 hay không?

Căn nguyên của vấn đề

Những năm vừa qua, y tế và giáo dục là hai cơ quan chức năng tạo ra nhiều tranh cãi và bức xúc nhất cho người dân Việt Nam. Riêng trong năm 2015, đối với ngành giáo dục, đã xảy ra hai sự việc gây hoang mang lo lắng trong dư luận. Thứ nhất đó là mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2015. Và thứ hai là đề án cải cách sách giáo khoa tích hợp môn lịch sử.
Người ta không thấy cái căn nguyên của vấn đề giáo dục xuống cấp, vấn đề y tế không đảm bảo được yêu cầu phục vụ nhân dân, cái đó không phải do bản thân người đó, mà do chính hậu quả của những đường lối sai lầm tích lũy bao nhiêu thập kỷ.
-TS Nguyễn Thanh Giang
Sau hai sự việc này, bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận phải đối diện với nhiều phản ứng bất bình trong dư luận. Nhiều người đã lên tiếng trên mạng xã hội yêu cầu Ông Luận phải từ chức sau khi Ông thừa nhận sai sót và trách nhiệm về sự thất bại trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2015.
Không phải chỉ riêng với ngành giáo dục và Ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, mà ngành y tế với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng là người bị dư luận nhiều lần chỉ trích, phản đối chính sách y tế bất cập làm cho nhiều trẻ em tử vong vì tiêm vacine. Cư dân mạng từng mở hẳn một chiến dịch yêu cầu Bà Kim Tuyến phải từ chức.
Những nhân vật đầu ngành trên, nay không nằm trong Ban Chấp hành Trung ương khoá mới. Với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, thì Ông nhận định kết quả này là do từ những việc làm chưa đáp ứng được tình hình thực tế, làm cho người dân bất bình. Thế nhưng, Ông phân tích thêm rằng nên nhìn sâu vào nguồn gốc của vấn đề:
Tuy nhiên người ta không thấy cái căn nguyên của vấn đề giáo dục xuống cấp, vấn đề y tế không đảm bảo được yêu cầu phục vụ nhân dân, cái đó không phải do bản thân người đó, mà do chính hậu quả của những đường lối sai lầm tích lũy bao nhiêu thập kỷ. Sai từ triết lý giáo dục, sai từ cơ bản cái vấn đề dạy và học, cho nên nó lụn bại. Và bất cứ ai đưa vào nội bộ đó cũng loay hoay không thể cứu hoãn ra được. Cũng như vấn đề y tế. Không những do các yếu kém về đường lối chính sach mà còn do các cơ sở y tế quá tồi tệ. Cho nên không Bộ trưởng nào có thể gỡ ra một cách chóng vánh.”
Nhấn mạnh thêm về quan điểm của mình, GS Nguyễn Thanh Giang chia sẻ rằng đối với Ông, “Bộ trưởng y tế Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến là một người có trình độ, hăng hái, xông vào thực tế để giải quyết.” Nhưng với căn nguyên của những đường lối sai lầm từ nhiều thập kỷ như Ông đã nói, thì Ông cho rằng người tài hơn, thay thế Bà Kim Tuyến cũng không giải quyết được.
Cũng đề cập đến nguồn gốc căn nguyên khi nói về giáo dục, Giáo sư Nguyễn Thanh Giang đề cập đến Bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận, nói rằng Ông Luận cũng từng cố gắng cải tổ nhiều lần, nhưng “cái đó không giải quyết vấn đề cơ bản”.
“Ông không có năng lực và không thể giải quyết những vấn đề thiết yếu cơ bản của giáo dục. Thành ra vấn đề giáo dục cứ bức bách, làm cho người ta phản ứng Ông ấy dữ dội và cuối cùng Ông ấy trượt.”
Nhận định này gần giống với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, người bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về nền giáo dục nước nhà. Ông cho rằng đổi mới giáo dục Việt Nam còn rất chậm và không có gì sáng tỏ, và Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận đã không đóng góp được gì đáng kể trong suốt thời gian tại vị:
“Tôi có cảm giác Ông này cũng không làm được gì để gỡ rối cho vấn đề giáo dục VN. Trong con đường đổi mới, triệt để... tôi thấy vẫn còn bế tắc.
Chưa thấy trong đường hầm ra ánh sáng nào. Tôi không ngạc nhiên khi thấy Ông Phạm Vũ Luận không còn được tin cậy để chèo lái nền giáo dục nước nhà.”
Nhà đấu tranh dân chủ Trần Bang, người quan tâm theo dõi diễn biến của Đại hội Đảng lần thứ XII thì nói rằng vấn đề căn nguyên đến từ hệ thống chính trị đang khống chế toàn bộ hoạt động ban ngành của xã hội Việt Nam, trong đó có cả giáo dục:
“Giáo dục Việt Nam, các trường Đại học Việt Nam không được tự chủ. Có những ngành không phải học Mác-Lê những vẫn nhét vào. Chủ thuyết Mác-lê và tư tưởng Hồ Chí Minh có mặt từ mẫu giáo và lên đến tận Tiến sĩ. Nếu không học cao cấp Mác-Lê thì không được nhận bằng Tiến sĩ, không được phong Giáo sư, Phó Gíao sư.”

Không lạc quan

Ông Trần Bang hoàn toàn không lạc quan cho khả năng vực dậy nền y tế và giáo dục nước nhà, cho dù sẽ có những người lãnh đạo đầu ngành mới. Ông cho rằng với thể chế chính trị hiện hành của Việt Nam, và nhất là theo nội dung bản báo cáo trước Quốc hội của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “kiên định chủ nghĩa Mác-Lê” thì rất khó có một người nào có thể thay đổi nền y tế và giáo dục Việt Nam theo đường hướng tốt hơn:
000_Hkg10247465-622.jpg
Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam hôm 20/01/2016.
Không có gì lạc quan cả. Nếu cái Đảng Cộng Sản còn độc tài lãnh đạo Việt Nam thì giáo dục Việt Nam không thể tiến được. Vì nó bị khống chế bởi trận Mác-Lê,  bó hẹp trong học thuyết quá là chật chội, bé nhỏ, có quá nhiều sai lầm mà cả thế giới phải bỏ đi hoặc chỉ lấy làm đối chứng, chứ không sử dụng. Còn về y tế thì cũng khó mà thay đổi được. Vì y tế Việt Nam phải phụ thuộc vào đội ngũ bác sĩ, bệnh viện, bảo hiểm y tế, tức là tài chính. Rồi phụ thuộc vào kiểm soát chất lượng thuốc. Tất cả điểm này đều không khả quan. Các Ông Bộ trưởng lên nhưng không thay đổi được nhân sự bên dưới đâu vì nhân sự bên dưới do Đảng gài vào, những Ông to Bà lớn đưa vào.”
Với GS Nguyễn Đăng Hưng cũng không có hy vọng nào khác đối với những người lãnh đạo mới:
“Tôi không lạc quan những người trong guồng máy có thể có những tư duy, những đột phá có thể quyết định được. Tôi nghĩ cái này phải là một quyết tâm chính trị của ĐCS VN. Và trong quyết tâm chính trị đó là họ đã thấy được cái đáy của sự việc, cái tột cùng của bế tắc giáo dục ở VN. Từ đó họ phải khai nguồn cho 1 sự đổi mới, thay máu mới.”
Ông cho rằng phải có một đổi mới chính trị, phải có những người có bản lãnh, có tư duy, và không run sợ trước cường quyền:
“Nói như Ông Bùi Quang Vinh, là Việt Nam cần 1 cuộc đổi mới chính trị đi song song với đổi mới kinh tế mà bây giờ nó đã hụt hơi rồi, nó đã hết tác động. Bây giờ thể chế chính trị VN là 1 vật cản. Nó sẽ cản tất cả cái tiềm năng của dân tộc để dân tộc phát triển.”
Điều Ông quan tâm là ai sẽ là người thay thế để có thể tạo dựng được những đột phá cần thiết.  Sự trì trệ đã tồn tại ở Việt Nam quá lâu, cụ thể là ở môi trường giáo dục. Truyền thông, dư luận đã liên tục cho thấy những tệ đoan xuất hiện từ bên trong của xã hội chính quyền Việt Nam. Chính vì vậy, Theo GS Nguyễn Đăng Hưng, để thay đổi nền giáo dục Việt Nam thì phải thay máu:
“Có nghĩa là những người nào đã được giáo dục, đào tạo, học hành, thấm nhuần những cách làm cũ, những phong thái cũ, tư duy cũ, những suy nghĩ giáo điều, hạn hẹp mà đứng ra cải cách, làm thay đổi thì tôi cho đó là 1 cái điều không thể trông cậy được.”
Tuy có lạc quan hơn, nhưng là ở tương lai xa, đó là chia sẽ của GS Nguyễn Thanh Giang:
“Tôi cho rằng sau vài 3,4 năm nữa, bộ sậu lãnh đạo mới có tỉnh ra, giải quyết những vấn đề triết lý XH nói chung, đường lối nói chung thì may ra mới có bắt đầu chuyển biến chút gì. Chứ trước mắt tôi không tin rằng vài năm tới có gì khá hơn với người lên thay Phạm Vũ Luận hay Bà Kim Tuyến.”
Chỉ còn hai ngày nữa là Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ kết thúc. Bộ máy lãnh đạo mới sẽ nhanh chóng được gút kết. Thế nhưng, có vẻ như vẫn chưa thấy được niềm lạc quan và hy vọng cho một sự đổi mới ở xã hội Việt Nam, cụ thể là y tế và giáo dục.

No comments:

Post a Comment