Eric Barton
Theo BBC-29 tháng 1 2016
Jay Carlson sau khi bắt đầu làm việc tại Trung Quốc được ba tháng thì phải đối mặt với thách thức đầu tiên trong vấn đề quản lý.
Ông cần phải sa thải một nhân viên và sau đó nhận ra rằng tại Trung Quốc quy trình này khá khác biệt.
Carlson được phái tới Trung Quốc để thiết lập hệ thống cung ứng mới cho một công ty nội thất của Mỹ.
Vai trò của ông là vận hành văn phòng ở Thượng Hải và tuyển dụng 70 người.
Ông đã nghĩ rằng mình có thể điều hành công việc tại văn phòng mới như một công ty ở phương Tây - xây dựng một môi trường hợp tác, với những cá nhân giàu óc sáng tạo.
Tuy nhiên, người quản lý địa phương, một người đàn ông đứng tuổi từng cộng tác với hãng trong nhiều năm, lại nghĩ khác.
Viên quản lý quả quyết rằng môi trường làm việc phải theo phong cách độc tài truyền thống của Trung Quốc, nơi người lãnh đạo luôn luôn đúng, Carlson nói.
Những cuộc cãi vã liên tiếp xung quanh vấn đề phương pháp nào là hợp lý đồng nghĩa với việc Carlson cuối cùng phải sa thải người quản lý.
Mọi thứ diễn ra bình thường khi ông báo tin này cho người quản lý, nhưng ngày hôm sau, người này vẫn vào làm việc.
"Tôi hỏi rằng "tại sao ông ở đây?", Carlson nhớ lại.
"Ông ta nói ông ta cảm thấy phải trung thành với công ty, và dù bị sa thải, ông vẫn muốn làm việc đến tháng cuối cùng trong hợp đồng."
Carlson giải thích điều này là không cần thiết, nhưng người đàn ông này vẫn tiếp tục muốn ở lại làm việc.
Nghĩ lại về cách làm việc của mình
Đây là một trong những bài học đầu tiên mà Carlson nghiệm ra trong thời gian làm việc tại Trung Quốc, nơi mà các quản lý người nước ngoài phải thay đổi phong cách và quy trình đưa ra quyết định cho phù hợp với văn hoá địa phương.
Khía cạnh tươi sáng của vấn đề, đó là các quản lý người nước ngoài ở Trung Quốc có thể tiến xa nếu họ chịu thừa nhận một số sự khác biệt về văn hoá, Saibal Ray, giáo sư tại Khoa Quản lý Doanh nghiệp Desautels thuộc Đại học McGill ở Montreal, Canada, nói.
Có lẽ những bài học quan trọng nhất đó là người Trung Quốc thường làm việc nhiều giờ hơn so với đa số các lao động phương Tây, Ray nói.
Nhiều người nghĩ rằng họ luôn trong tư thế sẵn sàng làm việc 24/7, và sẽ đi làm sớm và ở lại công sở trễ hơn sếp rất nhiều.
Văn hoá làm việc nhiều giờ
Rồi đây Trung Quốc sẽ dần du nhập văn hoá làm việc giảm bớt giờ làm. Một số nghiên cứu cho thấy làm việc quá lâu có thể gây hại đến năng suất lao động.
Tuy nhiên, Ray nói rằng vào lúc này, việc giảm bớt giờ làm lại thường gây hiểu lầm đối với các nhân viên dưới quyền. Ông khuyên rằng nên tạo ra thay đổi một cách từ từ.
"Bạn cần cho người khác thấy rằng bạn, một người sếp, cũng làm việc miệt mài như nhân viên," Ray nói.
"Sau đó, bạn có thể từ từ điều chỉnh sang số giờ làm việc hợp lý hơn."
Các quản lý nước ngoài cũng thường phải tiếp nhận những nhân viên ít khi phát biểu ý kiến, Ray nói.
Theo văn hoá Trung Quốc, các nhân viên thường chỉ tập trung làm đúng bổn phận của mình mà không cần đưa ra ý kiến mới hay phát biểu gì khi muốn một điều gì đó được làm theo cách khác.
"Những điều này đã ăn sâu vào văn hoá ở đây, bạn sẽ bị kỷ luật nếu lên tiếng," Ray nói.
Tuy nhiên, điều này đang ngày càng thay đổi, một phần vì các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc và một phần khác là nhờ thế hệ trẻ, vốn có nhiều khả năng mang lại các ý tưởng mới hơn.
Việc thay đổi văn hoá làm việc ở Trung Quốc thường đòi hỏi phải gặp nhân viên trực tiếp, trao đổi tay đôi, Ray nói.
Ở nhiều công sở, các nhân viên thường ngồi lại với nhau và đưa ra quyết định chung.
Việc khuyến khích sự thay đổi về văn hoá sẽ đồng nghĩa với việc yêu cầu cả nhóm phải đồng thuận, hoặc phá vỡ lập trường bầy đàn bằng cách nói chuyện với từng người một.
"Điều tốt ở đây là kinh nghiệm quản lý tại Trung Quốc sẽ giúp bạn trở thành một nhà quản lý giỏi hơn," Ray nói.
"Khi bạn trở về, bạn đã có kinh nghiệm đối phó với những thay đổi ghê gớm về văn hoá làm việc. Những sự thay đổi ở nơi khác sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều."
Sự hài hoà
Đó là điều mà Micha Benoliel đã nghiệm ra khi thuê các lập trình viên người Trung Quốc làm apps FireChat và Open Garden.
Ông đã đến Trung Quốc tổng cộng bảy lần trong một năm và tin rằng bí quyết để có được thành công trong công tác quản lý tại đây, đó là việc hiểu được những giá trị cơ bản mà các lao động đều chia sẻ.
"Đó là một xã hội tuân theo các giá trị Khổng giáo. Vì vậy, nếu bạn muốn lãnh đạo tại Trung Quốc, bạn cần giải quyết mọi thứ một cách hài hoà," Benoliel nói.
"Tất cả những quyết định của bạn đều ảnh hưởng tới những thứ khác, và bạn cần luôn luôn nhận thức được điều này".
Ví dụ, sẽ là sai lầm nếu như một quản lý người nước ngoài phản ứng quá mạnh mẽ trước một ai đó, hoặc đưa ra ý kiến phản đối về một ý tưởng nào đó một cách quyết liệt.
Điều này sẽ bị xem là một sự đối đầu quá mức và được coi là dấu hiệu người nhân viên bị quản lý nước ngoài phản ứng sẽ phải sớm chia tay công ty.
Nếu biết cách xử lý mọi vấn đề một cách hợp lý hơn, các quản lý nước ngoài sẽ sớm nhận thấy các lao động Trung Quốc vô cùng chăm chỉ so với những nơi khác, Benoliel nói.
Bất chấp những định kiến lâu nay, lao động Trung Quốc cũng rất sáng tạo trong một môi trường hợp tác giống như các lao động phương Tây.
"Trung Quốc rồi sẽ sớm dẫn đầu trong các lĩnh vực sáng tạo," Benoliel nói.
"Người dân ở đây lao động chăm chỉ gấp đôi so với ở châu u hay Hoa Kỳ. Tiến độ ở đây nhanh hơn gấp đôi."
Sau 5 năm sống ở Trung Quốc, Carlson giờ đây là chủ tịch của Nicelink Home Furnishing, một công ty với doanh số 110 triệu đôla/năm.
Ông hiện sống ở Orlando, Florida, nhưng mỗi năm bay sang Trung Quốc vài tháng.
Thời gian tại Trung QUốc đã giúp Carlson hiểu ra rằng các quản lý nước ngoài có thể thành công ở đây, miễn là họ chấp nhận tôn trọng và hiểu văn hoá địa phương.
Ông đã nghiệm ra bài học này trong vài tháng đầu tiên.
Và người quản lý bị ông cho thôi việc ngày đó? Carlson đã quyết định cho ông ta hoàn thành hợp đồng của mình, dù đã bị sa thải.
Việc xử lý tình huống theo phong cách phương Tây và buộc ông ta phải rời khỏi văn phòng sẽ gửi đi thông điệp tiêu cực đến các nhân viên, khiến họ hiểu lầm rằng lòng trung thành sẽ không được đền đáp.
Quyết định này đã mang lại kết quả tốt: Không những các nhân viên ở đây tiếp tục nỗ lực với công việc của mình, mà Carlson và người mà ông sa thải vẫn tiếp tục là bạn của nhau.
"Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là lợi nhuận. Nhưng việc tôn trọng văn hoá địa phương cũng quan trọng không kém," Carlson nói.
"Khi đảm nhiệm vai trò quản lý tại Trung Quốc, bạn sẽ đối mặt với nhiều thử thách, và điều quan trọng là tìm cách để vượt qua những thử thách đó theo hướng phù hợp với văn hoá địa phương."
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.
No comments:
Post a Comment