Ảnh: Internet
Năm 2015 các chỉ số về tình hình tự do ở Việt Nam ở mức rất thấp, đứng ở vị trí 32 từ dưới lên, và chỉ đạt 20/100 về tình hình tự do. Quyền chính trị ở mức tồi tệ nhất với tỉ lệ 7/7. Trong khi quyền dân sự có ở mức cao hơn với tỉ lệ 5/7. Tổng mức tự do đạt 6/7 trong đó 7 là mức thấp nhất và 1 là cao nhất.
Với chỉ số về chính trị ở mức tồi tệ, chứng tỏ Việt Nam chưa có tiến trình bầu cử dân chủ, sự đa nguyên chính trị và sự tham gia của người dân còn hạn chế, bộ máy chính quyền làm việc quan liêu và kém hiệu quả.
Theo đánh giá của Freedom House quyền dân sự quyết định đến sự năng động của quốc gia. Tự do dân sự được chia ra làm bốn nhóm quyền lợi. Theo những chuẩn mực chung thì quyền tự do ngôn luận và tôn giáo ở Việt Nam bị kiềm tỏa chặt chẽ. Quyền của các tổ chức và hội đoàn cũng chưa được tôn trọng. Thể chế pháp trị là điều kiện cần để bảo đảm không gian cho các xã hội dân sự hoạt động. Bên cạnh đó, sự tự chủ và quyền cá nhân là thành tố không thể thiếu khi xét đến tính bền vững của xã hội trong một đất nước.
Bản báo cáo thường niên Freedom in the World khảo sát về tự do chính trị và dân sự trên 195 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ trên toàn cầu bắt đầu từ 01/01/2015 cho đến 31/12/2015. Phương pháp của bản báo cáo được lượng giá từ việc thực thi Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát của các quốc gia. Freedom in World dựa trên tiêu chuẩn áp dụng chung cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ bất chấp vị trí địa lý, chủng tộc và tôn giáo, trình độ phát triển kinh tế.
Năm nay, Syria, Tibet, Somalia, Eritrea và Triều Tiên là những quốc gia mất tự do nhất thế giới.
Trong mười năm qua, 105 nước có xu hướng giảm và chỉ có 61 nước là có cải thiện về tình trạng tự do.
Nhà nước Việt Nam thường bị các tổ chức theo dõi nhân quyền lên án vì chà đạp các quyền căn bản của con người nhất là bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền.
Hiện Việt Nam vẫn là quốc gia đang ở dưới ách độc tài, chỉ có đảng cộng sản được phép hoạt động. Freedom House cho rằng “các nhà nước đàn áp chính trị thường không cho phép các tổ chức xã hội dân sự phát triển lớn mạnh, và sẽ rất khó nếu như không muốn nói là không thể có tự do chính trị khi thiếu vắng tự do dân sự như quyền tự do báo chí và một nền pháp quyền lành mạnh.”
Liệu với việc thay đổi hàng ngũ lãnh đạo trong kỳ bầu cử sắp tới, tự do chính trị và dân sự có tiếp tục lao dốc?
Minh Nhật
No comments:
Post a Comment