Friday, January 29, 2016

Hội nghị XII dưới cái nhìn của cán bộ cao cấp

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-01-28  
000_Hkg10248026-622.jpg
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm khai mạc 21/1 tại Hà Nội. AFP
Đại hội XII kết thúc trong sự tiếc rẻ và mong đợi của nhiều người quan tâm theo dõi. Bên cạnh những ý kiến phê phán sự tranh giành quyền lực là các nhận định tích cực mà Đại Hội lần này có được khác với những lần tổ chức trước đây. Mặc Lâm ghi nhận ý kiến của những cán bộ cao cấp từng phục vụ trong bộ máy chính quyền để biết nhận xét của họ khi quan sát diễn tiến và sự theo dõi của dư luận trong suốt thời gian đại hội diễn ra.

Thu hút sự quan tâm của người dân

Chưa có một Đại Hội Đảng nào lại dấy lên sự quan tâm theo dõi của người dân như lần này. Lý do thì nhiều nhưng có lẽ sự tranh giành quyền lực trong nội bộ âm ỉ từ nhiều năm qua đã khiến cho việc chọn lựa Bộ chính trị và Ban chấp hành khóa 12 trở nên căng thẳng và đầy kịch tính.
Từ khi chuẩn bị cho tới kết quả cuối cùng người quan tâm theo dõi đi từ suy luận này tới suy luận khác nhưng hầu như đại đa số đều không chính xác mặc dù những lý thuyết đưa ra rất thuyết phục ngay cả người đa nghi nhất.
Vì rất nhiều sự kiện dồn dập đến nên nó tạo ra bước ngoặc lịch sử rất quan trọng cho nên người ta quan tâm đến Đại hội là điều hoàn toàn đúng và hợp lẽ phải.
-Ông Nguyễn Trung
Ông Nguyễn Trung nguyên Đại sứ Việt Nam tại Úc và Thái Lan, thành viên cố vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết nhận xét của ông về việc người dân theo dõi sát sao Đại Hội 12:
“Đại hội lần này nó nằm vào thời điểm bước ngoặc lịch sử của đất nước, bao gồm đối tác TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN rồi thì Việt Nam là đối tác chiến lược với tất cả các nước quan trọng trên thế giới và Việt Nam lại chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với rất nhiều vấn đề mới đồng thời đe dọa của Trung Quốc nó cũng tăng lên. Vì rất nhiều sự kiện dồn dập đến nên nó tạo ra bước ngoặc lịch sử rất quan trọng cho nên người ta quan tâm đến Đại hội là điều hoàn toàn đúng và hợp lẽ phải.”
Người ta không tin vào nghị quyết 244 có thể làm cho Thủ tướng Dũng phải bỏ cuộc mặc dù Ban Chấp hành trung ương khóa 12 với vị trí quyền lực cao nhất là Tổng bí thư đã được định phận qua nghị quyết 244 theo đó người nào đã đến tuổi hưu sẽ phải nghỉ. Duy nhất ông Nguyễn Phú Trọng mặc dù đã 72 tuổi lại được đặc biệt cho phép tiếp tục nhận sự đề cử của Ban chấp hành Trung ương mà qua cách nói của Đảng là sự ở lại của ông Nguyễn Phú Trọng nhằm kế thừa, tập hợp giữ vững chính trị, giữ vững khối đoàn kết toàn dân, và đặc biệt là giữ đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Lại có thông tin về việc ông Trọng chỉ ngồi ở ghế TBT trong vòng 1 hay hai năm mà thôi và sau đó sẽ có những chuyển biến khác. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết:
000_Hkg10247503-622.jpg
Ảnh chụp bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam hôm 18/01/2016.
“Trong các quy định của Đảng cũng như trong nghị quyết 244 đưa ra cho bầu cử thì không có cái quy định đó. Chỉ có quy định chung trước đây những người trên 65 tuổi thì không được tái cử nếu đang ở trong Bộ Chính Trị đang làm việc. Trường hợp này thì nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương quy định một trường hợp đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, năm nay 72 bước sang tuổi 73 rồi thì gọi là tái cử. Còn chuyện ở lại 1 năm 2 năm hay nửa nhiệm kỳ thì cho đến bây giờ chua có ai công bố cái đó cả, cũng chưa có một quy định nào quy định điều đó cả. Nếu có quy định thì chắc là họ phải công bố công khai chứ không thể làm rồi muốn nghỉ lúc nào nghỉ, muốn làm lúc nào thì làm.”
Qua bài viết ngập các trang mạng, người dân vẫn không tin là Thủ tướng Dũng sẽ cam chịu cái vòng kim cô NQ244 trói buộc tay chân vì dưới mắt họ ông vẫn đủ sức mạnh để tạo cuộc chơi mới cho riêng mình. Những điều người dân bàn tán, tranh luận cộng với nhận xét của khá nhiều tờ báo uy tín cùng chuyên gia nước ngoài am tường nền chính trị Việt Nam như một cung bậc làm cho cuộc đua trở nên nghẹt thở cho tới giờ chót, đó là ngày mà Đại Hội đưa ra quyết định có cho phép những người xin rút tên ứng cử trong danh sách đề cử hay không.
Tên người được chú ý nhất dĩ nhiên là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cuối ngày hôm ấy ông được chấp nhận rút tên, nghĩa là Đại Hội bỏ phiếu để ông về hưu. Người duy nhất trong Ban chấp hành Trung ương khóa 11 ở lại khóa 12 là ông Nguyễn Phú Trọng.

Thất vọng

Ván bài đã lật ngửa và không ít người dân thở dài tiếc rẻ cho sự chọn lựa của mình không đúng với chọn lựa của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những người được chọn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 có lẽ phải đối đầu với những vấn đề hệ trọng để giữ vị trí của mình không bị các chính sách sai lầm lung lay chiếc ghế. Vấn đề Biển Đông, kinh tế suy giảm và nhất là tham nhũng hoành hành có lẽ là lịch làm việc triền miên của Ban chấp hành mới.
Người ta còn nhớ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa bước lên nhậm chức ông đã mạnh mẽ tuyên bố tham nhũng là mục tiêu chiến đấu trước mắt nếu không ông sẽ từ chức. Hai khóa liền trong vai Thủ tướng ông đã không làm được một cú hích nào dù nhỏ nhất và vì vậy người dân khó có thể tin được rằng ông Thủ tướng mới sẽ tiếp tục hứa và thành công.
Nếu có một sự quan tâm của nhân dân trong cuộc bầu cử để chọn ra người thì đó là một dấu hiệu tích cực và cái tích cực đó người ta còn đòi hỏi thêm cao hơn nữa là người ta muốn được can dự vào cuộc bầu chọn đó một cách dân chủ và rộng rãi.
-LS Trần Quốc Thuận
Có điểm đáng chú ý trong các khuôn mặt mới được bầu chính thức vào Ủy viên Trung ương có Nguyễn Thanh Nghị, con trai của Thủ tướng Dũng. Thoát khỏi tình trạng dự khuyết là một thành công của ông Dũng muốn kéo dài thời đại của mình một cách âm thầm nhưng hiệu quả vào vai trò mới và đầy quyền lực của con trai.
Ông Nghị sẽ thay thế cha hoàn tất nốt những gì mà ông Dũng còn dang dở giữa các mối quan hệ chằng chịt trong nội bộ lẫn bên ngoài. Nguyễn Thanh Nghị sẽ là nhân vật bảo vệ cho khối tài sản của gia đình và đây là điều mà Thủ tướng đánh đổi để an tâm về hưu mà không sợ bị thanh trừng hay di hại về sau.
Hai lần làm thủ tướng với đống hồ sơ tham nhũng chất cao như núi nhưng tham nhũng không theo ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi và các nhóm lợi ích vẫn ở lại bám vào chính quyền mới để sống còn. Dám cắt đứt sự liên hệ, mua chuộc và thậm chí khuynh loát của các tập đoàn này thì chính phủ của Thủ tướng mới may ra sẽ tạo được thành tích chống tham nhũng một cách hiệu quả và được sự thừa nhận của người dân.
Luật sư Trần Quốc Thuận nhận xét về tâm lý người dân cũng như kỳ vọng của họ vào Ban Chấp hành Trung ương mới mà tham nhũng và hội nhập kinh tế là hai điểm nhọn:
“Nếu có một sự quan tâm của nhân dân trong cuộc bầu cử để chọn ra người thì đó là một dấu hiệu tích cực và cái tích cực đó người ta còn đòi hỏi thêm cao hơn nữa là người ta muốn được can dự vào cuộc bầu chọn đó một cách dân chủ và rộng rãi.
Internet thì loan truyền mà Việt Nam thì có 33 triệu người có internet tham gia vào Facebook, Twitter đủ thứ… họ trao đổi với nhau tạo nên một đời sống dư luận rất rộng rãi. Bên cạnh đó cũng có sự quan tâm của báo chí nước ngoài thì tôi cho rằng đó là sự kết hợp dân trí và khoa học kỹ thuật thì đó là điều đáng mừng. Ở đây tôi cũng mừng là thường trước đây khi vào các đài nước ngoài hay trang mạng khác thì hay bị bức tường lửa còn kỳ này tôi mở hết mấy trang từng bị cấm đều xem thoải mái, dễ dàng lắm, đây là điều tích cực và người ta hy vọng hết đại hội này sẽ có chuyển biến, thứ nhất là truyền thông có thể tốt hơn, công khai minh bạch hơn và sẽ kéo theo các chuyện khác. Việt Nam đang tham gia 6 -7 hiệp định thương mại tự do đặc biệt là TPP thì chắc chắn cho dù ai lãnh đạo cũng phải thúc đẩy kinh tế đi lên. Điều người ta quan tâm nữa là Ban chấp hành Trung ương kỳ này có chống tiêu cực thành công hay không, có ngăn chận được tham nhũng hay không hay là mạnh dạng tuyên bố rằng nếu chúng tôi không làm được chuyện chống tham nhũng thì chúng tôi xin từ chức. Đó là cái đòi hỏi và là vinh dự trọng trách nặng nề cho Bộ chính trị mới và Ban chấp hành Trung ương mới.”
Từ Internet và các trang mạng xã hội cho thấy đại đa số người dân Việt Nam không muốn ông Trọng ngồi lại chiếc ghế Tổng bí thư một lần nữa vì tính chất giáo điều bảo thủ của ông. Ông Trọng luôn cổ vũ cho chủ nghĩa Mác lê cũng như ý thức hệ cộng sản, từ đó ông cho rằng Việt Nam Trung Quốc không thể tách rời vì ý thức hệ mà hai Đảng đang theo.
Tâm lý sợ mất nước vào tay Trung Quốc đã đẩy ông Dũng lên cao trong lòng người dân. Mặc dù biết chắc rằng nếu ông ở lại thì đất nước vẫn mù mịt như cũ trong các chính sách kinh tế vun quén cho các tập đoàn và nhất là tiền của quốc gia không cánh mà bay như từ trước tới nay.

No comments:

Post a Comment