Monday, December 14, 2015

Sống trong oan ức, chết cũng trong oan ức

Lê Lê-11:45 - 14/12/2015

(PL+) - Thông tin mới nhất trên báo Pháp luật TPHCM, chuyện ông Huỳnh Chiếm Phái (Ninh Giang, Ninh Hòa, Khánh Hòa), treo cổ, chết trong oan ức, vì bị bắt giam oan, chờ mãi vẫn không nhận được bồi thường từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Chuyện xảy ra cách đây những 34 năm. Đó là đêm 18/10/1981, sau khi tan họp từ nhà ông Phái ra về, chủ tịch xã Ninh Giang bị bắn chết. Hai tháng sau, ông Phái và ba người khác đã bị bắt.
Một năm, một tháng, bị giam giữ, các con ông Phái đến trại tạm giam thăm cha, mới hay ông Phái đã được tạm tha. Một năm trước, ông Phái là người khỏe mạnh, trụ cột gia đình. Một năm sau, con ông đã phải dùng võng để đưa cha từ trại tạm giam về nhà.
Trở về nhà là ông Phái bắt đầu cuộc hành trình kêu oan, nhưng tiếng kêu của ông rơi không một lời đáp. Ông Phái không còn sức để đi kêu oan cho mình, các con ông lại tiếp tục hành trình kêu oan cho cha.
25 năm ròng rã kêu oan, ngày 10/12/2009, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa mới mời ông Phái và các con ông đến viện và trao cho ông bản sao quyết định đình chỉ điều tra vì “xét thấy không đủ băng chứng để buộc tội ông Phái giết người”.
Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh, con ông Huỳnh Chiếm Phái. Ảnh: VTC
Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh, con ông Huỳnh Chiếm Phái. Ảnh: VTC
Ôi chao! Quyết định đình chỉ điều tra với ông Phái được Viện KSND tỉnh Phú Khánh (tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên sát nhập trước đây) từ ngày 25/9/1984 - nghĩa là ông Phái đã được minh oan không giết người từ năm 1984.
Vậy, ai là người đã “ngâm” quyết định đình chỉ điều tra này những 25 năm, để ông Phái sống trong oan ức và chết cũng trong oan ức.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh phải làm rõ trách nhiệm trong việc “ngâm” quyết định đình chỉ chỉ điều tra, để rồi bây giờ, khi các con ông đề nghị bồi thường, thì Viện KSND tỉnh lại viện cớ hết thời hiệu, thế là sao?
Chính Viện KSND tỉnh Khánh Hòa là người phải chịu trách nhiệm trong việc để hết thời hiệu giải quyết bồi thường cho ông Phái.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Nhung –trong vụ án oan giết bà Dương Thị Mỹ (Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận)- chị vợ ông Huỳnh Văn Nén- cũng chết khi nỗi oan chưa được giải.
Trong vụ án bà Mỹ bị giết, bà Nhung được cơ quan điều tra kết tội là thủ phạm chính, 9 người trong gia đình là đồng phạm.
Ông Nguyễn Thận- nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Tân Minh- người đã hành trình suốt 15 năm đi kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén, nói rằng: Sau 15 tháng bị tạm giam, CQĐT chuyển bà Nhung vào BV ung bướu TPHCM để điều trị. Bà Nhung đã chết trong sự tủi nhục và nổi đau quằn quại của căn bệnh ung thư.
Gia đình ông Huỳnh Chiếm Lạc với tập hồ sơ khởi kiện. Ảnh. NLD
Gia đình ông Huỳnh Chiếm Lạc với tập hồ sơ khởi kiện. Ảnh. NLD
Đầu năm 2006 thì đại gia đình bà Nhung (10 người) bị truy tố về tội giết người đã được minh oan và bồi thường, nhưng bà Nhung thì không nhận được tiền bồi thường và  chưa có ai trong cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đến thắp một nén nhang như một lời xin lỗi.
Nợ một lời xin lỗi, nợ tiền bồi thường với người đã khuất vì chết trong oan ức ,quả là món nợ khó trả của những người có trách nhiệm thực hiện bồi thường án oan sai.
Sao lại sợ trách nhiệm khi đã làm sai?
Đó là cái sợ của những người mắc căn bệnh thành tích cố hữu mà quên đi nỗi đau của người khác.
Vô cảm với nỗi đau của người khác là chính là cái chết từ trong tâm hồn- lời nhà báo Hồ Quang Lợi.

No comments:

Post a Comment