ĐẶNG TUYỀN - Thứ Ba, ngày 15/12/2015 - 02:45
(PL)- Nhiều người nghĩ rằng có chồng đi tàu viễn dương thì cuộc sống sẽ rất an nhàn nhưng trường hợp vợ của thuyền trưởng Lợi thì lại khác hẳn. Chồng chị bị giữ tại Philippines và đang đợi hầu tòa.
Vợ thuyền trưởng Nguyễn Văn Lợi hiện đang bán bánh đa ngan tại một con phố nhỏ ở TP Hải Phòng. Chị không muốn tiếp xúc với những ai biết chuyện của chồng mình từng là thuyền trưởng trên tàu viễn dương.
Sống qua ngày bằng mì tôm, rau dại
Ngày 23-2-2015, nhà chức trách Philippines thông báo bắt giữ tàu chở hàng An Biên 89 ALC 1 (gọi tắt là An Biên 89) do tình nghi về tính pháp lý của số hàng hóa trên tàu. Tàu có 16 thuyền viên được điều hành bởi thuyền trưởng Nguyễn Văn Lợi. Gần một năm đã trôi qua, nhiều thuyền viên cùng An Biên 89 vẫn bị giam lỏng ở Philippines và gia đình họ vẫn đang sống trong nỗi phập phồng lo lắng.
Tàu An Biên 89 có trọng tải 3.960 tấn, thuộc sở hữu Công ty Cho thuê tài chính 1 - thuộc Ngân hàng Agribank Việt Nam. Chủ tàu là Công ty CPVT Bình Minh, công ty con của Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại (TTC, 630 Lê Thánh Tông, Hải Phòng) thuê lại để khai thác từ năm 2007.
Đại diện đơn vị khai thác tàu An Biên 89, ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Công ty TTC, cho biết tại thời điểm nhận lệnh của hải quân Philippines dừng bốc dỡ hàng, trên tàu có chở 3.800 tấn gạo từ cảng Mỹ Thới (An Giang, Việt Nam) tới Philippines. Ông Bình khẳng định công ty có giấy tờ hợp lệ về hoạt động vận tải biển, còn về hàng hóa thì phía chủ hàng có trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ thuyền viên, sau khi tàu bị bắt, đối tác để nhận số hàng trên đã biến mất. Ông Bình cũng không làm rõ câu hỏi: Nếu hàng trên tàu là hàng lậu thì ai là người chịu trách nhiệm.
Chủ cũ của tàu An Biên 89 thấy cảnh những anh em thuyền viên trên tàu bị bắt giữ tại Philippines đã bày tỏ: “Chính vì thuyền trưởng không hiểu rõ các quy định của pháp luật, tiếp nhận lô hàng mù mờ về pháp lý nên mới xảy ra hậu quả như vậy. Với tình hình hiện tại, thuyền trưởng Nguyễn Văn Lợi cùng đại phó có nguy cơ chịu án tù theo luật pháp của nước sở tại”.
Tàu An Biên 89.
Một trong những hợp đồng của thuyền viên với chủ tàu. Trong hợp đồng, thuyền viên hưởng lương 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo Công ước Bảo vệ lao động hàng hải quốc tế lương tối thiểu của thuyền viên là trên 500 USD.
Trước đó đã xảy ra nhiều vụ tàu Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ mà nguyên nhân là do chủ tàu nhưng thủy thủ đoàn phải lãnh đủ. Chẳng hạn, cuối năm 2010 đầu 2011, tàu Phúc Hải 05 thuộc Công ty TNHH Phúc Hải (60 Trần Hưng Đạo, quận Hải An, TP Hải Phòng) bị cảng vụ Surabaya của Indonesia giữ tám tháng vì công ty chủ quản của tàu không thanh toán các chi phí. Do không thuyết phục được công ty cho thuê tài chính giúp, chủ tàu đã “bỏ của chạy lấy người”, mặc cho con tàu cùng 27 thuyền viên tự xoay xở. Cuối tháng 12-2012, tàu Cái Lân 4 của Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương bị kẹt tại cảng Kolkata, Ấn Độ sau khi giao hàng. 22 thuyền viên bị cơ quan chức năng Ấn Độ bắt giữ vì chủ tàu nợ tiền một nhà cung cấp dầu tại Singapore chưa trả.
Cả hai trường hợp khi bị giữ, việc ăn ở của các thuyền viên gặp rất nhiều khó khăn. Hết lương thực, thực phẩm, nước ngọt, dầu DO... thuyền viên sống cầm cự qua ngày bằng mì tôm, rau dại, nhiều người bị ốm không thuốc men. Họ liên lạc về công ty yêu cầu hỗ trợ nhưng không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào.
Khốn khổ đòi nợ lương
Ngày 15-2, Cục Hàng hải có công văn yêu cầu Công ty TTC phải làm rõ việc nợ lương các thuyền viên trên tàu Khánh Hưng, một tàu thuộc TTC đang quản lý. Chị Vũ Thị Thu Trang, người nhà anh Trần Văn Việt thuyền viên của tàu, cho biết trước đó đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên Cục Hàng hải Việt Nam về trường hợp chín thuyền viên bị Công ty TTC nợ lương. Nhưng khi PV đề cập vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Công ty TTC, cho biết: “Không nhận được phản ánh nào về việc công ty nợ lương thuyền viên”.
Theo phản ánh của chị Trang, ngày 28-3-2014 tàu Khánh Hưng bị bắt tại khu HuangPu - Quảng Châu, Trung Quốc do hết hạn đăng kiểm và vi phạm nhiều lỗi khác. Từ đó đến nay đã hơn 10 tháng, các thuyền viên đã nhiều lần gửi mail cho ông Bình xin cho rời tàu và yêu cầu thanh toán tiền lương để trở về đoàn tụ cùng gia đình nhưng chỉ một số ít thuyền viên được cho về trước. Tàu nằm lại Trung Quốc cả năm trời và không biết phải làm gì vì không hiểu căn cứ pháp lý. Trong số chín thuyền viên có người đã ở trên tàu 30 tháng mới được về nhà.
Thuyền viên và người nhà sau đó phải khốn khổ trong việc đi đòi nợ lương của công ty khai thác. Chị Trang cho biết thêm: “Việc nợ lương thuyền viên hơn một năm là bình thường. Trong số chín thuyền viên có bốn người do đã gắn bó với công ty từ rất lâu rồi nên nhận lời xuống tàu Khánh Hưng mà không có hợp đồng lao động. Bên cạnh đó còn có những thuyền viên khác đã nghỉ việc được tám tháng (ở những tàu khác của công ty) nhưng đến nay vẫn chưa thể lấy được hết lương cũng vì ở xa, phải đi lại quá vất vả và một số khác do không có hợp đồng lao động”. Tình trạng thuyền viên không chặt chẽ trong hợp đồng lao động bị xù lương cũng khá nhiều.
“Đối với những thuyền viên “đánh thuê” với tàu nước ngoài: Phần lớn chủ tàu rất sòng phẳng nhưng yêu cầu công việc cũng rất khắt khe và nghiêm túc. Khi chủ ký với các công ty môi giới, họ phải trả cho các công ty này phí quản lý. Đến lượt công ty môi giới ký hợp đồng lao động với thuyền viên lại tiếp tục cắt % (không dưới 10%) trong suốt thời gian hợp đồng lao động có hiệu lực. Đó là chưa tính anh em mới ra trường còn mất thêm tiền cho “cò”. Số tiền nhiều hay ít tùy từng người. Lương thì chủ tàu trả cho công ty môi giới, sau đó công ty mới trả cho thuyền viên. Điều này có rủi ro là gặp phải công ty xấu họ sẽ giam vài tháng là thường” - anh TVC, một máy trưởng chuyên đi đánh thuê tuyến Nam Á, nói.
_________________________________
Cả nước hiện có hơn 32.000 thuyền viên được cấp chứng chỉ để làm việc trên tàu biển. Tuy nhiên, chỉ có hơn 40% còn theo nghề. Ngoài lý do bị bóc lột sức lao động, phân biệt đối xử, ngược đãi, nguy cơ tai nạn nghề nghiệp... còn có nguyên nhân khi tàu Việt Nam bị bắt giữ tại nước ngoài, nhiều thuyền viên bị chủ tàu bỏ rơi và không được đảm bảo quyền lợi.
Ông TRỊNH THẾ CƯỜNG, Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ
hàng hải Cục Hàng hải Việt Nam |
ĐẶNG TUYỀN
No comments:
Post a Comment