Monday, December 14, 2015

Dân quê Việt Nam bỏ làng ra đô thị kiếm sống

HÀ NỘI (NV) - Người dân quê Việt Nam theo nhau bỏ làng quê ra đô thị kiếm sống vì mảnh vườn, thửa ruộng không giúp cho họ đủ ăn, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa ở nước căn bản là nông nghiệp.

Một người thu nhặt phế liệu để bán lại cho các cơ sở tái chế, gánh rong ruổi trên đường phố Hà Nội.
(Hình: Hoàng Đình Nam AFP/Getty Images)

Theo một ký sự của hãng thông tấn AFP, bà Vũ Thị Linh dọn nhà từ một căn nhà rộng rãi ở nhà quê đến ở trong một căn phòng trọ nhỏ bé ở Hà Nội. Lý do chính là bà muốn các con của bà có cơ hội được học hành với bằng cấp cao, không như bà.

Bà Linh cũng như hàng vạn gia đình khác từ các vùng thôn quê của Việt Nam, mỗi năm dọn tới ở các đô thị, đặc biệt là hai thành phố lớn nhất nước Hà Nội và Sài Gòn.

Ngân Hàng Thế Giới, trong một bản phúc trình, nói rằng Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ đô thị hóa nhanh nhất Á Châu.

Cho dù kinh tế có phát triển hơn, các đô thị tại Việt Nam đối diện với số lượng cư dân gia tăng nhanh bất thường. Một số lớn những người trong tuổi làm việc đã rời bỏ làng quê chạy tới thành phố tìm việc, bỏ lại quê nhà các ông bà cụ già và trẻ em nhỏ.

“Tôi không nghĩ rằng đời sống ở thành phố thích thú gì, nhưng vì tương lai của các con tôi, tôi phải đổi ý kiến,” bà Linh nói với phóng viên của hãng thông tấn AFP. “Các con tôi được giáo dục cao hơn và bây giờ chúng không muốn quay về sống ở nhà quê nữa.”

Sau nhiều thập niên kể từ khi cuộc chiến chấm dứt, nhờ các chương trình tài trợ tín dụng và viện trợ khổng lồ của các định chế quốc tế cũng như của các nước kỹ nghệ cao, Việt Nam từ một nước có tỉ lệ nghèo đói cao, trở thành một nước có mức thu nhập trung bình.

Dù có rất nhiều người chạy ra thành phố kiếm sống, hiện vẫn còn khoảng 70 % dân số sống ở các vùng thôn quê trong tổ số hơn 90 triệu người. Phần lớn ra thành phố xin việc làm trong các hãng xưởng sản xuất hàng hóa xuất cảng, do đa số các công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam lợi dụng mức lương thấp và luật lệ lao động lỏng lẻo của nhà cầm quyền.

Tuy có việc làm nhưng đời sống của người mới nhập cư không dễ dàng gì. Bà Linh đã từ bỏ mảnh vườn rộng 500 mét vuông trồng nhiều cây trái và rau đậu ở phía Bắc tỉnh Thái Bình để sống trong căn phòng trọ chỉ rộng 20 mét vuông mà bà sống với hai con gái. Dù sao, số tiền bán phế liệu và công việc giặt thuê giúp bà kiếm mỗi ngày khoảng 300,000 đồng cũng nhiều hơn lợi tức thửa vườn cung cấp.
Một trường hợp khác, được AFP kể là câu chuyện của ông Lê Văn Mừng, cũng không mấy hối tiếc vì phải bỏ quê ra tỉnh.

“Đời sống ở nhà quê quá vất vả. Tôi không kiếm được bao nhiêu tiền dù tôi làm rất cực khổ trên cánh đồng,” ông Mừng nói.

Ông Mừng, từ một làng quê phía Bắc tỉnh Hà Nam, chạy ra Hà Nội làm công việc thợ điện trong khi bà vợ ông mở một quán ăn nhỏ. Lợi tức của hai vợ chồng tổng cộng khoảng $600/tháng, đủ để trang trải mọi chi phí và nuôi hai đứa con nhỏ đi học.

“Đời sống ở Hà Nội cũng không dễ dàng gì. Nhưng chúng tôi cố gắng kiếm tiền vì các con. Tôi nghĩ rằng các con tôi sẽ có tương lai khá hơn chúng tôi,” ông Mừng chia sẻ.

Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, khoảng 7.5 triệu người đã di cư từ các vùng quê ra các thành phố tại Việt Nam trong khoảng 10 năm từ năm 2000 đến năm 2010, tỉ lệ đô thị hóa 4.1%. Trong số 14 quốc gia ở khu vực Đông Á Châu, Ngân Hàng Thế Giới nói chỉ có hai nước nhỏ Lào và Cambodia có tỉ lệ đô thị hóa nhanh hơn Việt Nam.

Việt Nam hiện có khoảng 23 triệu người sống tại các đô thị, như vậy, đây là quốc gia có tỉ lệ đô thị hóa đứng hàng thứ sáu trong số các nước Đông Á Châu. Khoảng 100,000 người chạy từ quê ra Hà Nội và khoảng 130,000 từ các vùng quê tới Sài Gòn kiếm việc làm và sinh sống mỗi năm.

Cũng vì vậy mà những đô thị lớn tại Việt Nam có cảnh kẹt xe thường trực trong khi dịch vụ y tế thì cũng “quá tải.” Không những hai ba bệnh nhân nằm trên một giường trong bệnh viện mà nhiều bệnh nhân còn phải nằm dưới gầm giường hoặc ngay trên các hành lang. (TN)

12-13-2015 5:48:26 PM 

No comments:

Post a Comment