Monday, December 14, 2015

Mở tiệm ăn Việt, nghề mưu sinh của người Việt ở Philippines

Bài và hình: Voice Team/Người Việt -12-12-2015 3:50:52 PM 

MANILA (NV) - Mười năm sau khi những thuyền nhân cuối cùng rời Philippines đi định cư ở các quốc gia thứ ba, những món ăn Việt Nam vẫn lưu lại ở quốc đảo này cùng với một lớp người Việt Nam mới đến mưu sinh. 
Khá (bìa phải) và nhóm bạn trẻ bán đồ ăn Việt tại quầy hàng vào mỗi cuối tuần.
Mỗi sáng, anh Bi mở cửa tiệm phở của mình vào lúc 7 giờ cũng là lúc nồi nước lèo và nguyên vật liệu đã sẵn sàng cho những khách hàng đầu tiên. Nằm lọt thỏm trong một khu dân cư bình dân ở quận Quezon, thủ đô Manila, khách hàng của anh không phải là những người khá giả.
“Khu tôi ở vẫn có rất nhiều người vô gia cư. Buổi tối họ thường cột lều ngủ quanh đường và đa số họ làm nghề chạy Jeepney và tricycle. Họ rất nghèo. Đôi khi họ vô quán kêu nửa tô phở, hoặc hai người gọi chung một tô. Nhưng người Philipines hiền hòa và tốt bụng nên mình cảm thấy khá hài lòng với cuộc sống ở đây” - Bi kể.
Rời Đà Nẵng một năm trước đây, người đàn ông 30 tuổi này thuộc về một lớp người Việt Nam mới sang Philipines tìm cơ hội khởi nghiệp và gầy dựng cuộc sống.

Làm ăn ở xứ tự do

Theo thống kê năm 2013 của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội Việt Nam, hiện có khoảng 1,000 người Việt sinh sống rải rác ở quốc gia có trên 7,000 hòn đảo này. Đa phần trong số họ lập nghiệp ở các thành phố lớn như Manila, Palawan và Cebu.
Mới mở cửa tiệm được ba tháng, anh Bi vẫn đang làm quen dần với thị hiếu đặc thù của khách hàng địa phương.
“Khách của tôi chủ yếu là người địa phương, thỉnh thoảng cũng có vài người Việt ghé quán ủng hộ. Lúc đầu mở quán, người dân xung quanh thấy lạ. Tôi nghĩ họ tò mò thôi, nhưng rồi họ vẫn ủng hộ rất nhiệt tình. Những ngày đầu mở quán trung bình tôi thu vào 1,200 peso/ngày (khoảng gần 30 đô la Mỹ),” anh Bi cho biết.
“Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn. Do không không kiếm được địa điểm, mà dù có đi nữa thì giá thuê nhà quá cao.” - Bi bày tỏ.
Tiệm của anh nhỏ nhắn, rộng chừng khoảng 15m2. Nhưng bên trong bán nhiều món, trong đó chủ yếu là phở, ngoài ra anh còn bán thêm bánh mì, và bánh cuốn.
Món bánh mì của tiệm Bon.

Là một người theo đạo Công Giáo gốc, Bi vẫn đi lễ thường xuyên vào mỗi Chủ Nhật. Anh cho biết, người dân ở đây rất thân thiện, vô cùng hòa đồng và vui tính. Từ khi mở quán tới giờ anh chưa bị gặp vấn đề gì về an ninh và trộm cắp.
Ở một nơi cách quán anh Bi nửa giờ lái xe, quận Makati, trung tâm sầm uất nhất của Metro Manila, thương hiệu bánh mì 'BON Banhmi Vietnamese Sandwich' là một cái tên không xa lạ với người dân địa phương.
Những người hoài niệm với Sài Gòn xưa cũng có thể tới đây để tìm kiếm chút hương vị quê nhà, khi chủ tiệm là một người Sài Gòn. Anh Thảo là một trong 10 người hùn vốn gây dựng thương hiệu này, trong một điều kiện kinh doanh theo anh là tốt hơn Việt Nam.
Theo lời anh Thảo, dù thủ tục hành chính ở Phi có khi còn rườm rà hơn Việt Nam, nhưng được cái đây là xứ tự do, cái nào cho phép thì mình cứ theo ý mình mà làm.
“Ở đây cũng không hề có chuyện bị kiểm tra như ở Việt Nam. Cảnh sát không bao giờ kiểm tra nếu như người đó không phạm tội. Ở Việt Nam bạn chỉ nghĩ thôi thì ‘nó’ cũng hốt bạn rồi.”
Tuy vậy, Philippines chưa bao giờ có thể tự hào về nền hành chính của mình, vốn nặng tính quan liêu với một bộ máy cồng kềnh từ trên xuống dưới.
Theo anh Bi, “Kể từ khi tôi bắt đầu đi xin giấy phép kinh doanh cho đến khi hoàn tất, đã mất khoảng hai tháng với rất nhiều lần đi lại, xác minh nhiều thứ, nó gây cản trở cho tôi rất nhiều trong việc hoàn tất thủ tục để có thể mở quán. Tuy ở đây chính phủ không có các quy định kiểm tra gắt gao, các trình tự đúng pháp luật, nhưng nếu có thể lược bỏ nhiều quy định không cần thiết thì sẽ giúp ích hơn cho những người khởi nghiệp.”
Anh Thảo, chủ tiệm BON Banhmi Vietnamese Sandwich cho biết thêm, bạn bè anh chọn Malaysia, Singapore, Thái Lan vì ở đó có nhiều yếu tố thuận lợi hơn. “Thu nhập của người dân ở các nước trên khá cao, do đó họ sẵn sàng chịu bỏ tiền chi xài nhiều hơn. Khi người dân bản địa chấp nhận xài tiền, thì những người kinh doanh cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Trong khi đó, thu nhập đầu người ở Philippines vẫn còn thấp.”

Thích đồ ăn Việt

Chị Kachi, 35 tuổi, sinh sống tại Makati, người thường xuyên đến khu chợ Weekend Market vào mỗi tối Thứ Bảy, là người rất yêu thích đồ ăn Việt. Chị cho biết, “Lần đầu tiên chị ăn đồ ăn Việt là ở... New York, Mỹ, đó là lần đầu tiên chị biết đến Phở Việt Nam.”
Mặc dù là người Filipinos nhưng lại thích ăn đồ Việt hơn là đồ ăn của người Phi, chị nói: “Đồ ăn Việt Nam và Phi khác nhau một trời một vực, món chị thích nhất là bánh mì và chả giò.”
Theo Kachi, đồ ăn Việt Nam được chị xếp vào ưu tiên số một khi đi ăn uống ở khu vực Đông Nam Á.
Tiệm Bonbanhmi.

Kachi nhận xét, “Phở, bánh mì ở Manila không được ngon như ở Việt Nam hay Mỹ, và nếu được chọn thì ăn ở chính Việt Nam vẫn là ngon nhất, vì ở Phi rau không ngon, mà đồ ăn Việt Nam lại rất nhiều rau.”

Còn anh Ralph, một khách hàng mua bánh mì ở tiệm Bon cho biết, bánh mì là món ăn Việt Nam đầu tiên anh biết đến nhờ một đồng nghiệp giới thiệu. Và vì rất thích nên gần như ngày nào anh cũng ghé qua Bon bánh mì mua một ổ cho bữa sáng. Ralph mong muốn một lần được ăn bánh mì ở Việt Nam, có lẽ sẽ rất tuyệt vời.

Tiếng Anh không hẳn là rào cản

Hiện nay, người dân Philippines sử dụng song ngữ là tiếng Tagalog và tiếng Anh, nhưng theo anh Bi thì tuy là họ nói được tiếng Anh, song phần lớn là không thật sự tốt và có khoảng 30% dân số ở đây không biết nói tiếng Anh. Điều đó gây ra sự khó khăn trong việc giao tiếp, buôn bán hàng ngày của anh.

Bi cười và cho biết thêm, “Tuy nhiên không thể phủ nhận là khả năng nói tiếng Anh của chính tôi cũng chưa được tốt lắm!”

Còn với anh Khá, một người Việt gốc Nghệ An sang Manila theo một chương trình ba tháng thực tập và thiện nguyện để hỗ trợ các nạn nhân thiên tai cách đây hơn hai năm. Khác với Bi và Thảo, việc mở gian hàng ăn uống trong khu Weekend Market vào mỗi cuối tuần là việc làm thêm.

Công việc chính của Khá hiện tại là tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng Việt qua một tổng đài tại Philippines, và theo chương trình cao học ngành Quản Trị Kinh Doanh (MBA). Khá còn nhiều việc khác nữa, như, có một nhóm thiện nguyện hoạt động vào cuối tuần, người thì đang đi học người thì đi làm tập trung nhau vào ngày cuối tuần để mở một gian hàng ăn ở Hội Chợ có tên là Weekend Market thuộc thành phố Madaluyong, Metro Manila, tụ tập nhau nấu các món ăn đặc trưng của Việt Nam như gỏi cuốn, phở, mì xào, chả giò,...

Bán hàng cũng được hơn 4 tháng, và người Phi đón nhận rất nhiệt tình, mục tiêu của hoạt động này là để gặp gỡ những người bạn sau một tuần làm việc và muốn quảng bá hương vị đồ ăn của người Việt đến cộng đồng nơi đây.

Một góc quán phở của anh Bi.

Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt thì ngôn ngữ không phải là trở ngại lớn nhất, mà đối với anh Khá, việc kẹt xe trầm trọng ở Manila mới là điều đáng nói cho công việc kinh doanh.

Kể từ khi sau cơn bão Haiyan xảy ra vào cuối năm 2013, dòng người từ các vùng nông thôn đổ về các khu đô thị đông đúc thêm, nên gây khó khăn cho việc đi lại.

Theo lời anh Khá, kẹt xe xảy ra liên tục. Vào các giờ cao điểm thì có khi mất vài giờ đồng hồ mới có thể di chuyển được khoảng chừng 10km.

Tìm rau là khó nhất

Mở quán ăn Việt ở Phi thì có thuận lợi và khó khăn gì? Ví dụ như các nguyên liệu rau, thịt, cá... và các gia vị Việt Nam.

Anh Bi cau mày cho biết, mua rau là khó nhất, vì các loại rau bên này ít nên làm cho hương vị có phần khác so với ở Việt Nam.

Thêm nữa là bánh phở. Ở đây phải tìm mua loại nhập từ Việt Nam qua thì mới giống. Ngoài ra các loại tương ớt, cũng phải tìm đúng loại tương từ Việt Nam. Để phở có mùi thơm cuốn hút, phải cần có hoa hồi, nhưng chúng tôi phải mua từ xa. Các loại rau như rau răm, rau thơm, rau quế thì ở đây không có. Giá cả ở đây cũng không hề rẻ, ví dụ 1 trái ớt tính ra bằng 500 đồng tiền Việt.

Tương tự, theo nhận xét của Khá, các nguyên liệu như cá thịt thì bên này dễ mua. Mỗi chỉ có rau là đắt hơn rất nhiều, khó chọn lựa và khó tìm hơn. Có lẽ vì người Phi họ ít ăn rau nên nguồn cung cấp hạn chế. Có một số loại rau cũng rất hiếm như lá lốt, rau răm, cây ngải cứu, củ riềng, trái chanh... Ở chợ, rau củ thường có giá bằng hoặc đắt hơn thịt bò tính theo Kilogam.

Nhóm Khá thường đến một chợ ướt (wet market) ở Cubao thuộc Quezon để mua rau, thịt, cá, tôm... Mua chợ ướt thì rẻ hơn, tươi ngon hơn và có nhiều chọn lựa. Còn một số gia vị khô khác thì thường mua ở siêu thị vì ở bên ngoài thường khó kiếm.

Có một điều Khá thấy rõ là người Phi rất thích thức ăn nhanh (Fast Food), nên khi mở gian hàng Viet Taste, Khá đã rất ngạc nhiên khi người dân ở đây biết nhiều món Việt và yêu thích chúng. Nhóm chỉ làm vào mỗi cuối tuần nhưng có rất nhiều vị khách quan tâm ủng hộ, có nhiều người gần như tuần nào cũng tới mua. Nhiều người còn gặng hỏi xem sao không mở hàng ngày để họ mua tùy thích.

Vẫn theo lời Khá, các món Việt thì nhóm vẫn giữ nguyên hương vị Việt, vì muốn nó trở nên chính hiệu (authentic) đặc trưng người Việt. Mong muốn Khá là sẽ có người Việt Nam mở được thương hiệu Việt đủ lớn trên đất nước này.

Có ai muốn sống xa quê hương bao giờ?

Rời Việt Nam vì những lý do khác nhau và ở lại Philippines cũng vì những lý do khác nhau, nhưng những “ông chủ” này đều có ước muốn là công việc ngày càng ổn định, có thể đóng góp trở lại cho xã hội Philippines và trở về Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau.

Khá cho biết, “Cuối mỗi tháng nhóm chúng tôi đi làm từ thiện ở những khu tập trung người vô gia cư quanh thủ đô Manila, nơi đó có rất nhiều người đang trải qua cuộc sống màn trời chiếu đất.” 

Các món ăn Việt được người Philippines ưa thích.

Số tiền lời hàng tháng hầu hết được tập trung vào việc đi làm từ thiện. Các buổi từ thiện đều tự phát và do một nhóm những người Việt ở đây làm, với các món quà như quần áo, thực phẩm được chuẩn bị kỹ lưỡng và trao đến tận tay những người nghèo khó.

“Tôi hy vọng được về thăm Việt Nam trong một thời gian sớm nhất có thể. Vì nhiều lý do, nên hơn hai năm rồi tôi cũng chưa về được, cũng may là gia đình hiểu và thông cảm. Thêm nữa là cộng đồng người Việt bên này cũng quý mến nhau, bạn bè quý nhau như người thân nên cũng cảm thấy đỡ nhớ nhà.”

Còn đối với anh Bi, ước mơ cho tương lai xa hơn sau khi ổn định công việc tại đây là mở một trường chăm sóc trẻ mồ côi ở Việt Nam. Anh bộc bạch, “Tôi sinh ra, lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, nên tôi hiểu hơn ai hết những mảnh đời bất hạnh khi thiếu vắng tình thương của gia đình, cha mẹ. Tôi rất muốn quay về Việt sớm nhất khi có thể để thực hiện ước mơ này.”

“Quê hương rất quan trọng đối với tôi, nhất là khi Việt Nam còn nghèo và lạc hậu lắm!” Anh nói thêm.

Anh Thảo tuy đã có gia đình, con cái và một cuộc sống đủ đầy ở đây, nhưng mỗi dịp Tết đến anh đều cùng gia đình quay về Việt Nam để đón Tết cùng họ hàng.

“Nếu chỉ đơn giản là nơi nào ta có cơ hội tốt hơn thì ta chọn nơi đó. Tất nhiên, quê hương là một yếu tố tác động đến việc lựa chọn đi hay không đi.”

“Quan niệm về quê hương, đối với tôi bây giờ, là một người có thể làm gì cho quê hương chứ không nhất thiết phải ở trên quê hương mình,” anh cho biết.


No comments:

Post a Comment