Wednesday, February 4, 2015

Việt Nam quốc hữu hóa một ngân hàng thương mại

HÀ NỘI (NV) - Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam vừa phát hành một thông báo cho biết sẽ mua lại toàn bộ vốn cổ phần của Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần.

Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam gọi việc này là cách “xử lý đặc biệt.” Theo thông báo vừa kể thì hôm 31 tháng 1, VNCB tổ chức Ðại Hội Cổ Ðông Bất Thường và Ngân Hàng Quốc Gia của Việt Nam đã loan báo với các cổ đông rằng chuyện mua lại toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/cổ phần là “bắt buộc.” Khi Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam sở hữu 100% vốn của VNCB, VNCB coi như được quốc hữu hóa.


Sau một thời gian được Ngân Hàng Nhà Nước “hà hơi tiếp sức” trong kế hoạch “tái cơ cấu” với nhiều thắc mắc, ba lãnh đạo của VNCB bị bắt. (Hình: VNCB)

Tiền thân của VNCB là Ngân Hàng Thương Mại Ðại Tín. Tháng 12 năm 2013, Tập Ðoàn Xây Dựng Thiên Thanh (một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản) xuất hiện với vai trò cổ đông lớn nhất và Ngân Hàng Thương Mại Ðại Tín được đổi tên thành VNCP (Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam).

Vào thời điểm hạ tuần tháng 7 và thượng tuần tháng 8 năm ngoái, công an Việt Nam đã bắt giữ các ông Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của VNCB, ông Mai Hữu Khương thành viên Hội Ðồng Quản Trị VNCB, ông Phan Thành Mai cựu tổng giám đốc VNCB vì “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định trong cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.” Ba nhân vật này cũng là lãnh đạo Tập Ðoàn Thiên Thanh - vốn đã có hàng loạt dấu hiệu phá sản.

Tập đoàn Thiên Thanh-VNCB chỉ là một trong một chuỗi những dấu hiệu bất minh lien quan đến phong trào mà các chuyên gia kinh tế và báo giới Việt Nam gọi là “thâu tóm ngân hàng.” Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nhiều viên chức, kể cả viên chức cao cấp trong hệ thống công quyền đã hỗ trợ một số tập đoàn tư nhân, chiếm đoạt các ngân hang thương mại cổ phần để dùng các ngân hàng này cho nhiều dự án từng được cảnh báo là nguy hiểm cả cho nền kinh tế lẫn sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Tuy chính quyền Việt Nam và Ngân Hàng Nhà Nước không cho biết chi tiết về hiện trạng của hệ thống ngân hàng thương mại song có một số dấu hiệu cho thấy hệ thống này đang khủng hoảng nghiêm trọng và có thể sụp đổ theo kiểu dây chuyền. Người ta phỏng đoán quốc hữu hóa VNCB là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự sụp đổ này.

Trong nửa năm qua, có rất nhiều viên chức là lãnh đạo các ngân hàng thương mại bị bắt. Vụ bắt giữ gần nhất vừa được công an Việt Nam thực hiện đối với bà Nguyễn Minh Thu, ủy viên Hội Ðồng Quản Trị, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị, cựu tổng giám đốc Ngân Hàng Ðại Dương (Ocean Bank), hôm 28 tháng 1.

Bà Thu trở thành chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Ocean Bank hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt. Hai tháng sau bà Thu từ chức và bị bắt.

Ngoài việc từng là cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị OceanBank, ông Thắm, 42 tuổi còn là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Tập Ðoàn Ðại Dương (Ocean Group) và nhiều công ty khác có liên kết với Ocean Group. Nhiều người khẳng định ông Thắng là thuộc hạ của ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam và được ông Hùng hậu thuẫn để “thâu tóm ngân hàng” và mở rộng “sân sau” cho ông Hùng.

Tháng 10 năm ngoái, ông Thắm bị bắt với cáo buộc “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”

Lúc đó, lãnh đạo cơ quan thanh tra của Ngân Hàng Nhà Nước tiết lộ với báo giới rằng, cơ quan này phát giác hoạt động cho vay của Ocean Bank có nhiều điểm bất ổn và ông Thắm có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên đã đề nghị Bộ Công An Việt Nam điều tra.

Ocean Bank là ngân hàng thứ ba có lãnh đạo bị công an Việt Nam bắt giữ hồi cuối năm ngoái. Ðể giảm sự hoang mang của công chúng - có thể làm ngân hàng sụp đổ, trước khi bắt giới lãnh đạo ngân hàng ở Việt Nam, Ngân Hàng Quốc Gia của Việt Nam tổ chức bãi nhiệm những nhân vật sẽ bị bắt, biến họ thành “cựu” và bổ nhiệm người thay thế.

Hạ tuần tháng 9 năm 2014, công an Việt Nam bắt ông Ðỗ Tất Ngọc, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam (Agribank) vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Agribank là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, hoạt động bằng vốn ngân sách. Giới lãnh đạo Agribank liên tục bị bắt. Chẳng hạn hồi tháng 7 năm 2014, ông Phạm Ngọc Ngoạn, cựu ủy viên Hội Ðồng Thành Viên Agribank bị bắt. Trước nữa vào đầu năm 2014, công an Việt Nam bắt giữ ông Kiều Trọng Tuyến, cựu phó tổng giám đốc Agribank. Năm 2013, ông Phạm Thanh Tân, cựu tổng giám đốc Agribank cũng bị bắt. Tất cả đều vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Năm 2008, Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) từng cảnh báo, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam là nguy cơ tiềm ẩn cho nền kinh tế. Hoạt động chủ yếu của hệ thống này là rót tiền vào lãnh vực bất động sản. Khi thị trường bất động sản đóng băng, hệ thống này có thể tạo ra khủng hoảng tín dụng.

Cũng thời điểm đó, một số chuyên gia kinh tế khác nhận định, dù được gọi là “cổ phần” song đa số ngân hàng ở Việt Nam đều do chính quyền Việt Nam thành lập hoặc cung cấp vốn. Bởi có sự trộn lẫn giữa vốn nhà nước và vốn tư nhân, chuyện kiểm soát việc góp và sử dụng vốn lại lỏng lẻo, thậm chí có nhiều dấu hiệu đáng ngờ nên “nợ xấu” (nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi) đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng.

Các chính sách của Ngân Hàng Nhà Nước nhằm cứu hệ thống ngân hàng được xem là một trong những lý do chính khiến kinh tế Việt Nam tụt dần xuống đáy.

Sau khi Ngân Hàng Quốc Gia “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng,” tháng 10 năm ngoái, trong báo cáo về thực hiện “tái cơ cấu kinh tế,” chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc Hội Việt Nam cho phép dùng ngân sách để mua “nợ xấu,” nhằm khai thông luồng tín dụng đang đóng băng.

Thời điểm đó, điều trần trước Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia, than thở không có tiền để “xử lý nợ xấu.”

Viên thống đốc này xin rót thêm 2,000 tỉ từ ngân sách cho công ty VAMC mua lại nợ xấu dù khoản tiền đó chẳng thấm vào đâu so với khối nợ xấu được xác định là khoảng 200,000 tỉ đồng.

VAMC là cách gọi tắt Công ty Quản lý Tài sản của Các Tổ chức Tín dụng Việt Nam, được thành lập nhằm dọn dẹp nợ xấu. Năm 2013, VAMC đã mua lại khoảng 39.700 tỷ “nợ xấu” nhưng chỉ thu hồi lại được chừng... 200 tỉ!

Liệu Ngân Hàng Quốc Gia của Việt Nam có tiếp tục “quốc hữu hóa” ngân hàng thương mại nào nữa hay không? Một số người tin rằng có. (G.Ð)
01-03- 2015 4:53:27 PM

No comments:

Post a Comment