Wednesday, February 4, 2015

Đảng cộng sản không có trái tim Việt Nam

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Từ khi thành lập ngày 1-6-1930 cho đến ngày nay, đảng CSVN chỉ làm lợi cho đảng CSVN, làm lợi cho đảng viên CS và cho QTCS, cho Liên Xô, cho Trung Cộng, chứ chẳng làm gì có lợi cho đất nước, mà chỉ phá hoại đất nước về tất cả các mặt và điều nguy hiểm nhất là đảng nầy hiện nay đang âm mưu từ từ bán nước cho những kẻ bành trướng phương Bắc. Đảng CSVN không có trái tim Việt Nam, hoàn toàn không có nhịp thở của người Việt Nam...

*

Đảng Cộng Sản (CS) Nga chiếm được chính quyền ngày 7-11-1917. Sau ba năm tiêu diệt các thành phần đối lập và nhóm Bạch Nga, ổn định nội bộ, đảng CS Nga nghĩ đến việc bành trướng chủ nghĩa cộng sản ra nước ngoài và cạnh tranh với các nước Âu Mỹ, vì trước đây, vào thế kỷ 19, nước Nga chậm chân hơn các nước Âu Mỹ, kể những nước nhỏ như Netherlands (Hòa Lan), Belgium (Bỉ), Portugal (Bồ Đào Nha)... trong việc tiến chiếm thuộc địa trên thế giới.

Tại Đại hội II của Đệ tam Quốc tế Cộng Sản (ĐTQTCS) ở Petrograd (hay St. Petersbourg) từ 19-7-1920 đến 23-7, và sau đó tiếp tục tại Moscow từ 24-7 đến 7-8-1920, Lenin đưa ra bản “Cương lĩnh về vấn để Dân tộc và Thuộc địa” (Thesis on the National and Colonial Questions), khuyến khích các nước bị đô hộ (các nước thuộc địa) nổi lên chống các đế quốc, giành độc lập, giải phóng dân tộc, rồi gia nhập vào khối Liên Xô.

Theo quyết định của Đại hội nầy, “Các chính đảng muốn gia nhập Cộng sản Quốc tế, phải từ bỏ tất cả những gì mà chủ nghĩa đế quốc của chính nước họ thực thi tại nước thuộc địa. Không những dùng ngôn ngữ để ủng hộ mà họ phải có hành động thực tế để thúc đẩy cho cuộc vận động giải phóng tại nước thuộc địa. Phải đánh đuổi các phần tử chủ nghĩa đế quốc của chính nước mình ra khỏi nước thuộc địa.” (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Đài Bắc: Nxb. Truyện Ký Văn Học, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb. Văn Nghệ, 1999, tr. 42.)

Quốc Tế Cộng Sản gởi Nguyễn Ái Quốc qua Trung Hoa

Để thực hiện kế hoạch trên đây, ĐTQTCS thành lập Đại học Cộng sản Lao động phương Đông (Communist University of the Toilers of the East) tại Moscow, chính thức khai giảng ngày 21-10-1921, đồng thời tìm kiếm nhân sự đưa về huấn luyện tại đây để phóng đi hoạt động khắp nơi.

Tháng 10-1922, Dmitri D. Manuilsky, đại diện ĐTQTCS, từ Nga qua Paris dự Đại hội II đảng CS Pháp. Tham dự Đại hội, có một đảng viên Việt tân tòng là Nguyễn Ái Quốc. Chính trong mục tiêu tìm người đào tạo, Manuilsky mời Nguyễn Ái Quốc (NAQ) sang Moscow tham gia Hội nghị Quốc tế Nông dân vào năm 1923. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại 1892-1924, tập 1: 1892-1924, in lần thứ hai, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 224.) Sự việc nầy có nghĩa là ĐTQTCS tuyển chọn NAQ để đưa qua Liên Xô huấn luyện.

Khi NAQ đến Moscow ngày 30-6-1923, ông được đại diện ĐTQTCS hứa hẹn trong vòng ba tháng, ĐTQT sẽ gởi ông qua Trung Hoa hoạt động. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào, ĐTQTCS giữ NAQ ở lại Moscow, chưa thực hiện lời hứa nầy.

Đợi một thời gian khá lâu, NAQ viết thư ngày 11-4-1924 bằng tiếng Pháp, gởi ban Chấp hành ĐTQTCS, xin tình nguyện qua Viễn đông để hoạt động. Trong thư, NAQ còn xin cấp phát cho ông mỗi tháng 100 Mỹ kim (rất có giá trị vào thời đó), không kể tiền vé từ Liên Xô qua Trung Hoa. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tt. 251-252. Sách nầy in đầy đủ bản dịch lá thư của Nguyễn Ái Quốc.).

Trong thời gian nầy, tại Đại hội QTCS kỳ 5 từ 17-6 đến 7-7-1924, NAQ được cử làm Uỷ viên Đông phương bộ, phụ trách Cục phương nam. Với chức danh mới trong ĐTQTCS, NAQ được ĐTQTCS gởi qua Trung Hoa tháng 10-1924 thi hành công tác điệp báo và tổ chức. Nguyễn Ái Quốc lấy bí danh mới là Lý Thụy, một công dân Trung Hoa, và ngụy trang làm thông dịch viên cho cơ quan Russia Telegraphic Agency (ROSTA) [Đại lý Bưu tín Nga], do Mikhail Borodin, đứng đầu. (Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh, The Missing Years, Diên Vỹ và Hoài An dịch, Diễn đàn www.x.cafevn.org, không ghi năm và nơi xuất bản, tt. 70-71.) (Trần Mỹ-Vân, A Vietnamese Royal Exile in Japan, Prince Cường Để (1882-1951), New York: Routledge, 2005, tr. 113.)

Lý Thụy rời Moscow tháng 10-1924, đi Vladivostok (phiên âm là Hải Sâm Uy), hải cảng cực đông Liên Xô, trên bờ Thái Bình Dương. Từ đây, Lý Thụy đáp tàu thủy, xuống Quảng Châu khoảng giữa tháng 11-1924. Vừa đến Quảng Châu, nhờ tình báo Liên Xô, Lý Thụy móc nối ngay với nhóm Tâm Tâm Xã và Phan Bội Châu.

Trước khi Lý Thụy đến Quảng Châu, vào đầu năm 1924, Phan Bội Châu đã biến Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ngày 19-6-1924, Phạm Hồng Thái, một thành viên Tâm Tâm Xã, ném bom ám sát toàn quyền Pháp tại Đông Dương là Martial Merlin (ghé Quảng Châu trên đường công du), nhưng thất bại, phải nhảy xuống sông bỏ trốn, và bị chết đuối.

Đến Quảng Châu, nhiều lần Lý Thụy viết thư đề nghị Phan Bội Châu sửa đổi lại cương lĩnh và chương trình VNQDĐ, nhưng Phan Bội Châu chưa chịu. (Phan Bội Châu, Tự phán, hay Phan Bội Châu niên biểu, trong Phan Bội Châu toàn tập tập 6 của Chương Thâu, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 288.)

Trưa ngày 11 tháng 5 năm Ất Sửu (1-7-1925), Phan Bội Châu từ Hàng Châu đến ga Thượng Hải thì bị Pháp bắt. Kẻ chỉ điểm cho Pháp bắt Phan Bội Châu là Lý Thụy cùng một viên cộng sự là Lâm Đức Thụ. Cả hai bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu, vừa để lãnh thưởng, vừa để loại bỏ nhà lãnh đạo cách mạng dân tộc uy tín nhất ở hải ngoại và giành lấy tổ chức của ông. (Tưởng Vĩnh Kính, sđd, tt. 84-85.)

Ở Quảng Châu, Lý Thụy mở những khóa huấn luyện và đào tạo cán bộ CS cho vùng Đông Nam Á, lập cơ sở CS tại các nước trong vùng nầy, báo cáo thường xuyên tình hình Đông Dương lên Đông phương bộ QTCS. (xin xem các báo cáo của Nguyễn Ái Quốc qua “Văn kiện đảng” trong web của CSVN). Lý Thụy bắt liên lạc với đảng Cộng Sản Trung Hoa, mời Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), Châu Ân Lai, Lý Phúc Xuân (Li Fuchun) và Peng Pai (Bành Bài?) đến nói chuyện tại các lớp huấn luyện do y tổ chức. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 10.)

Ngoài công việc huấn luyện, Lý Thụy thành lập một nhóm thanh niên mệnh danh là Cộng Sản Đoàn, làm nòng cốt cho các tổ chức cộng sản về sau. Tháng 6-1925, Lý Thụy thành lập thêm một tổ chức mới là Việt Nam Cách Mệnh [Mạng] Thanh Niên Hội (VNCMTNH), và tự làm bí thư. Trong lúc nầy, những người sát cánh với Lý Thụy là Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Trương Văn Lễnh, Lê Quảng Đạt, Vương Thúc Oánh (con rể Phan Bội Châu). Lý Thụy thường xuyên báo cáo công tác về ĐTQTCS.

Trong lúc lưu trú ở Quảng Châu, Lý Thụy (NAQ), Uỷ viên Đông phương bộ của ĐTQTCS, kết hôn với một nữ đảng viên CSTH là Tăng Tuyết Minh (1905-1991) vào tháng 10-1926. Lễ kết hôn diễn ra tại nhà hàng Thái Bình, thành phố Quảng Châu, có mặt các bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Châu Ân Lai), Bào La Đình, Thái Sướng. Hai vợ chồng chia tay khi chiến tranh quốc cộng Trung Hoa bùng nổ ngày 12-4-1927. (Hoàng Tranh (Huang Zheng), “Hồ Chí Minh với bà vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, tạp chí Đông Nam Á Tung Hoành tháng 11-2001. Báo Diễn Đàn, Paris, số 121, tháng 9-2002 dịch đăng lại, tt. 17-20.) Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Quốc Dân Đảng Trung Hoa, chẳng những tấn công đảng CSTH, mà cả những nhóm cộng sản các nước khác.

Borodin phải về lại Liên Xô. Lý Thụy bỏ trốn đi Vũ Hán, đến Thượng Hải, theo đường biển lên Vladivostok, qua Moscow khoảng giữa tháng 6 năm 1927. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại 1892-1924, tập 2: 1825-1945, in lần thứ hai, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1993, tr. 85.)

Quốc Tế Cộng Sản gởi Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm La

Tháng 11-1927, ĐTQTCS gởi NAQ từ Moscow qua Pháp. Tháng sau, NAQ qua Bỉ, tham dự Hội nghị Quốc tế Liên đoàn chống đế quốc, rồi qua Đức chờ quyết định của ĐTQTCS. Cuối tháng 5-1928, NAQ đến Ý, và xuống tàu ở hải cảng Naples, qua Xiêm La (Thái Lan ngày nay).

Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm La tháng 8-1928, thành lập tỉnh ủy cộng sản U-đon, thống nhất việc lãnh đạo VNCMTNH ở Xiêm La. (Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, Portland, OR, U.S.A.: Nhóm Tìm Hiểu Lịch Sử, 1991, tr. 43.) Đang hoạt động ở Xiêm La, ngày 27-10-1929 NAQ được ĐTQTCS ra lệnh phải qua Trung Hoa để giải quyết những tranh chấp giữa các kỳ bộ VNCMTNH ở trong nước Việt Nam.

Cuộc tranh chấp giữa các kỳ bộ VNCMTNH trong nước xảy ra từ sau Đại hội ĐTQTCS kỳ 6 ở Moscow (từ 17-7 đến 1-8-1928). Lúc đó, Stalin giữ chức bí thư thứ nhứt đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX). Chủ trương mới của đảng CSLX do Bukharin đưa ra trong Đại hội ĐTQTCS kỳ 6 là dẹp bỏ thế liên minh và hợp tác với giới tư sản dân tộc, dân chủ xã hội, đồng thời bỏ qua vấn đề cách mạng dân tộc, tự mình tiến lên trực tiếp thực hiện cách mạng vô sản.

Tháng 3-1929, kỳ bộ Bắc Kỳ của VNCMTNH bí mật họp tại nhà số 5Đ phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập chi bộ đảng Cộng Sản để tiến tới việc thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng, nhằm thay thế VNCMTNH, lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam và thực hiện những chủ trương mới của ĐTQTCS.

Trước tình hình mới, ngày 1-5-1929, Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viễn), với tư cách uỷ viên tổng bộ VNCMTNH, triệu tập Đại hội lần thứ nhứt (cũng là lần duy nhứt) của VNCMTNH tại Hương Cảng. Có năm phái đoàn tham dự: 1) Đại diện tổng bộ. 2) Đại diện xứ bộ Xiêm La. 3) Đại diện kỳ bộ Bắc Kỳ. 4) Đại diện kỳ bộ Trung Kỳ. 5) Đại diện kỳ bộ Nam Kỳ. Trong Đại hội nầy, đại diện kỳ bộ Bắc Kỳ VNCMTNH đề nghị giải tán VNCMTNH, thành lập đảng Cộng Sản, nhưng không được các đại biểu khác chấp thuận, nên đã bỏ họp. Hội nghị VNCMTNH bế tắc, không đưa đến kết quả nào đáng kể.

Những đảng Cộng Sản đầu tiên ở Việt Nam

Trở về Việt Nam, các đảng viên trong chi bộ 5Đ Hàm Long thuộc kỳ bộ VNCMTNH ở Bắc Kỳ họp ngày 17-6-1929 tại nhà số 316 phố Khâm Thiên, Hà Nội, thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng (ĐDCSĐ), cử ban chấp hành, đưa ra bản tuyên ngôn theo đúng đường lối mới của ĐTCSQT, và quyết định xuất bản báo Búa Liềm, làm cơ quan ngôn luận của đảng. Đông Dương Cộng Sản Đảng thu hút hầu hết các chi bộ Bắc Kỳ của VNCMTNH, phát triển vào tới Đà Nẵng, và gởi đại diện vào Sài Gòn thuyết phục kỳ bộ Nam Kỳ.

Kỳ bộ Nam Kỳ của VNCMTNH cũng muốn thống nhứt lực lượng cho đoàn thể được mạnh, nhưng đại diện ĐDCSĐ (Bắc Kỳ) chỉ đồng ý cho các đoàn viên VNCMTNH Nam Kỳ gia nhập với tư cách cá nhân.

Vào đầu tháng 8-1929 (có sách viết là tháng 11-1929), kỳ bộ Nam Kỳ VNCMTNH họp ở Sài Gòn, tại nhà hàng Phong Cảnh Khách Lâu, góc đường Bonard (sau nầy là đường Lê Lợi) và Filippini (sau nầy là đường Nguyễn Trung Trực), tự đổi thành An Nam Cộng Sản Đảng (ANCSĐ), bầu lên ban chấp hành riêng. Từ đó, nổ ra cuộc tranh cãi giữa hai đảng CS Bắc và Nam Kỳ cùng thoát thân từ VNCMTNH.

Trong khi đó, tại Trung Kỳ, Tân Việt Cách Mạng Đảng, hậu thân của các tổ chức Hưng Nam và Phục Việt, càng ngày càng yếu. Những thành phần nòng cốt của đảng nầy muốn cộng tác với ĐDCSĐ, nhưng không được, nên triệu tập hội nghị ngày 1-1-1930 tại Hà Tĩnh, để thành lập một tổ chức riêng. Trên đường tham dự hội nghị, một số đại biểu bị bắt. Những người còn lại, căn cứ vào các văn kiện đã được soạn thảo, công bố thành lập Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn (ĐDCSLĐ), nhưng không bầu ban chấp hành trung ương. (http://www.cpv.org.vn. Bài: “Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời và cương lĩnh đầu tiên của đảng”.)

Mệnh lệnh của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản

Như thế, VNCMTNH xem như tan rã và ba tổ chức cộng sản cùng xuất hiện ở Việt Nam. Trước tình hình nầy, Ban bí thư bộ Phương Đông của ĐTQTCS do đảng Cộng Sản Liên Xô chỉ huy, họp bàn về việc thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD), dựa trên dự thảo ngày 18-10-1929 của ĐTQTCS như sau: “...nhận thấy rằng những người cộng sản Đông Dương sẽ dốc hết mọi nỗ lực để hoàn thành những nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã đề ra cho họ: đẩy mạnh hoạt động trong quần chúng công nông, tăng cường mối liên hệ của Đảng với quần chúng, khắc phục tình trạng nhóm phái trong tổ chức đảng và phát triển cuộc đấu tranh chính trị - tư tưởng trước hết chống các khuynh hướng cơ hội và qua đó mà tạo ra mọi điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản thực sự, nay Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản khuyến nghị lập tức bắt tay vào việc tổ chức Đảng Cộng sản thống nhất của Đông Dương...” (Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, tập 1 (1924-1930), tr. 608.)

Cũng theo văn kiện trên, những thành phần được mời tham dự Đại hội thành lập đảng CSĐD được quy định như sau: ...Chỉ có những tổ chức địa phương nào của Việt Nam Cách mệnh Thanh niên và của Tân Việt đã hoàn toàn thừa nhận các nghị quyết của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và của Quốc tế Cộng sản thì mới được công nhận là các tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương và có quyền cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương, ngoài ra trong số những tổ chức phi công nhân chỉ có những tổ chức nào thực tế tham gia vào phong trào quần chúng của công nhân hoặc của nông dân mới được công nhận là các tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương và có quyền cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương. Những tổ chức và những thành viên của các tổ chức ấy mà không thừa nhận các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản thì phải bị khai trừ ra khỏi Đảng...” (Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, tập 1 (1924-1930), tr. 609.)

Cuối cùng, Ban bí thư bộ Phương Đông ra nghị quyết cho những người cộng sản ở Đông Dương, theo đó “nhiệm vụ quan trọng hơn hết và tuyệt đối cần kíp của tất cả những người cộng sản Đông Dương là sớm lập một đảng cách mạng của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản quần chúng. Đảng ấy phải là một đảng duy nhất ở Đông Dương, chỉ có đảng ấy là tổ chức cộng sản mà thôi.

Đồng thời ĐTQTCS chỉ thị cho Lý Thụy chịu trách nhiệm “hợp nhất các phần tử cộng sản chân chính lại, để thành lập một đảng duy nhất.” (http://www.cpv.org.vn. Bài: “Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời và cương lĩnh đầu tiên của đảng”. Mục III “Hội nghị thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam...”)

Lý Thụy thi hành mệnh lệnh của ĐTQTCS

Theo mệnh lệnh của ĐTQTCS, Lý Thụy từ Xiêm La (Thái Lan) đến Hương Cảng ngày 23-12-1929, tổ chức cuộc họp tại một sân bóng tròn ở Hương Cảng ngày 6-1-1930, để tránh sự theo dõi của nhà cầm quyền. (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, Nxb. Tuổi Xanh, không đề nơi xuất bản, 2001, tr. 73.) Ngoài Lý Thụy (đại diện ĐTQTCS), hiện diện trong cuộc họp nầy còn có Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại diện ĐDCSĐ ở Bắc Kỳ), Nguyễn Thiệu (Nghĩa) và Châu Văn Liêm (đại diện ANCSĐ ở Nam Kỳ); không có đại diện ĐDCSLĐ ở Trung Kỳ đến họp. Theo tài liệu của CSVN, ĐDCSLĐ mới thành lập, không kịp cử đại biểu đến dự.

Cuộc họp đi đến quyết định thống nhất ba đảng, kể cả đảng bộ cộng sản Hoa kiều ở Việt Nam, thành một đảng, lấy tên là đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), có “cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản. Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 uỷ viên chính thức và 7 uỷ viên dự khuyết.” (Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc đề ngày 18-2-1930 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3.)

Trần Phú, lúc đó vẫn còn đang ở Liên Xô, có tên Nga là Likvei hay Li-Kvei, được ĐTQTCS chỉ định làm tổng bí thư đầu tiên của đảng CSVN. (Sau đó, ĐDCSLĐ (Trung Kỳ) chính thức gia nhập đảng CSVN ngày 24-2-1930.) Trong khi đó, sau khi đảng CSVN được thành lập, Lý Thụy (NAQ) được lệnh của ĐTQTCS trở qua Xiêm La, tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế, tổ chức các đảng cộng sản Xiêm La và Mã Lai. (Hoàng Văn Hoan, sđd. tt. 63-64.)

Trong báo cáo chính trị do Hồ Chí Minh trình bày ngày 11-2-1951 tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II của đảng CS tại Thái Nguyên, thì đảng CSVN thành lập ngày 6-1-1930. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, tr. 154.) Tuy nhiên, về sau tại Đại hội III đảng Lao Động ở Hà Nội từ 5 đến 10-9-1960, Bộ chính trị Trung ương đảng yêu cầu Đại hội thông qua quyết định thay đổi ngày thành lập đảng là 3-2-1930, vì “các đồng chí Liên Xô cho biết ngày đó mới đúng theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô”. (Nguyễn Minh Cần, sđd. tr. 74.) Từ đó, ngày 3-2 được xem là ngày thành lập đảng CSVN.


Kết luận

Lý Thụy (NAQ, về sau là Hồ Chí Minh) là một nhân viên tình báo của ĐTQTCS, hoạt động theo lệnh của ĐTQTCS, vâng lệnh ĐTQTCS đứng ra tổ chức cuộc họp thành lập đảng CSVN. Đảng nầy xuất phát từ nước ngoài, vì quyền lợi của nước ngoài, dựa trên lý thuyết nước ngoài, theo mệnh lệnh của nước ngoài, được nước ngoài nuôi dưỡng và viện trợ, thậm chí ngày thành lập cũng theo lệnh của nước ngoài.

Những “thành tích” của đảng nầy từ khi thành lập cho đến ngày nay là: Năm 1945, cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, độc tôn quyền lực, chủ trương tiêu diệt tiềm lực, giết hại tất cả những thành phần dân tộc, không cộng sản. Khi Pháp trở lui, nhà nước CSVN thỏa hiệp với Pháp để duy trì quyền lực chứ không chống Pháp. Pháp đòi kiểm soát Hà Nội, Hồ Chí Minh và đảng CS sợ bị bắt, quyết định chống Pháp để trốn chạy, đặt chiến tranh lên vai toàn dân, giao Hà Nội lại cho Trung đoàn Thủ đô bảo vệ, trong khi quân đội cộng sản chính quy thì cao bay xa chạy, nhằm để cho Pháp tiêu diệt Trung đoàn Thủ đô, vì Trung đoàn nầy lúc đó gồm những trí thức, thanh niên, sinh viên học sinh yêu nước. Cuộc chiến 1946-1954 là cuộc chiến giữa CSVN và Pháp chứ không phải giữa dân tộc Việt Nam và Pháp. Cuộc chiến 1960-1975 là đánh cho Liên Xô, cho Trung Cộng như lời Lê Duẫn đã nói.

Như thế, từ khi thành lập ngày 6-1-1930 cho đến ngày nay, đảng CSVN chỉ làm lợi cho đảng CSVN, làm lợi cho đảng viên CS và cho QTCS, cho Liên Xô, cho Trung Cộng, chứ chẳng làm gì có lợi cho đất nước, mà chỉ phá hoại đất nước về tất cả các mặt và điều nguy hiểm nhất là đảng nầy hiện nay đang âm mưu từ từ bán nước cho những kẻ bành trướng phương Bắc. Đảng CSVN không có trái tim Việt Nam, hoàn toàn không có nhịp thở của người Việt Nam.


No comments:

Post a Comment