Chi phí đầu tư xây dựng quá lớn!
Theo ông Trần Viết Ngãi, người am hiểu hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ trước tới nay, hoạt động tài chính của EVN chưa tốt, tỷ suất lợi nhuận thấp. Hàng năm, EVN lỗ nhiều hơn lãi, lỗ luỹ kế năm 2014 lên tới 16.800 tỷ đồng.
"Điều đó chứng tỏ EVN không có vốn, trong khi đó gánh nặng đầu tư của EVN quá cao. Bình quân mỗi năm EVN đầu tư trên 130.000 tỷ cho phát triển nhà máy điện, hệ thống lưới điện, điện nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa, nâng cấp, sửa chữa... Lượng tiền đầu tư rất lớn trong khi Chính phủ không thể bỏ ngân sách ra được nên EVN phải đi vay.
Dù vay trong nước hay nước ngoài đều là vay thương mại chứ không có ưu đãi và các tổ chức tín dụng luôn buộc EVN phải có vốn đối ứng. Thông thường, tỷ lệ vốn đối ứng là 30%, trừ một số nước hoặc nhà đầu tư ODA có thể thấp hơn. Bởi vậy, hàng năm EVN phải có trong tay vài chục nghìn tỷ để làm vốn đối ứng, mà đó chưa phải là cho tất cả các dự án".
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam dẫn chứng, riêng dự án nhiệt điện Vĩnh Tân công suất 1.200 MW, EVN đã phải vay 2 tỷ USD, trong đó vốn đối ứng đã mất khoảng 600 triệu USD.
"Hàng chục dự án như thế đẩy khoản tiền đối ứng lên rất nhiều và EVN chỉ có cách đưa lợi nhuận ra. Trong khi đó, lợi nhuận hàng năm của EVN rất thấp, không những thế lỗ còn chưa trả hết", ông cho biết.
Người dân đến đóng tiền ở Công ty Điện lực Sài Gòn, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ |
Để giảm tốc độ cũng như mức độ tăng giá điện, theo ông Ngãi, mục tiêu số 1 của EVN phải là giảm chi phí, tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Chỉ cần EVN giảm được 10% chi phí đầu tư xây dựng tập đoàn này sẽ tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng.
Làm được điều này, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, EVN phải căn cơ trong tất cả các khâu, từ khâu khảo sát, thăm dò địa chất, quy hoạch, lập thiết kế cho tới quá trình quản lý đầu tư, đầu tư xây dựng, lập tổng dự toán, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu...
"Còn cứ vung tay quá trán, mỗi dự án năm, bảy nghìn tỷ thường xuyên như vậy là rất nguy hiểm. Làm tốt được cái này, EVN sẽ giảm gánh nặng cho Nhà nước, giảm mối lo về thiếu vốn đi rất nhiều".
Quá nhiều người
Một điểm khác mà Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho rằng EVN đã "đốt" quá nhiều tiền vào đó là chi phí cho bộ máy nhân sự khổng lồ của tập đoàn này.
Ông chỉ rõ: "Hiện nay số người của EVN quá lớn. Hệ thống điện có tổng công suất nguồn 34.000 MW, ấy là đã cộng cả dầu khí, sông Đà, TKV, còn EVN chỉ quản lý hơn 20.000 MW nhưng lượng người của tập đoàn lên tới 110.000 người. Trong đó, riêng khối điện lực (khối 5 tổng công ty điện lực - PV) đã chiếm khoảng 70.000 người".
Ngay cả người đi thu tiền điện, đo đếm công tơ, sửa chữa sự cố, nhất là cấp điện áp thấp của EVN, theo ông Ngãi, "EVN có nhiều lắm", chưa kể lượng người vận hành trong các nhà máy.
Bởi thế, ông cho rằng, điểm mấu chốt là phải tập trung tinh giản bộ máy, sắp xếp lại nhân sự cho hợp lý hơn.
"EVN phải lắp đặt các công tơ điện tử cung cấp thông tin về trung tâm, chỉ cần ngồi đó cũng biết các chỉ số công tơ của từng hộ gia đình trong hàng tháng, dùng điện tử, bưu điện để cập nhật, thanh toán tiền điện. EVN cứ giật gấu vá vai, tính toán không hợp lý khiến suốt ngày xảy ra sự cố, kéo theo lượng người đi sửa chữa quá đông.
Tốt nhất là EVN hãy củng cố một lượt cho thật tốt, đảm bảo 5-7 năm cũng không phải sửa chữa, thay thế. Ví dụ, tăng tiết diện dây lên từ 20cm2 lên 30-40cm2 để khi phụ tải tăng cũng không cần thay. Hay aptomat, cầu chì... cũng phải tính toán tuổi thọ sao cho được 5-10 năm, còn như bây giờ cứ chạy sửa suốt. EVN bớt người trong các nhà máy đi, điện tự dùng trong nhà máy cũng hạn chế. Các chi phí cho quảng cáo, báo chí, đối nội, đối ngoại... giảm càng nhiều càng tốt".
Ông Ngãi nhấn mạnh, EVN cần tiết kiệm trong tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, vận hành, quản lý, tiền lương, giảm tổn thất điện năng, sử dụng các thiết bị tiêu hao năng lượng thấp... "Những cái này không nhiều nhưng cần thiết, quan trọng nhất vẫn là việc EVN phải giảm chi phí trong đầu tư xây dựng. Đây mới chính là con voi mà một khi đã làm được thì EVN không cần phải tăng giá điện nhiều nữa, chỉ cần lãi mức độ nào đó để có vốn đối ứng đi vay là được".
Một số giải pháp khác được ông Ngãi đề cập nhằm hạn chế tăng giá điện là trong quá trình tái cơ cấu ngành điện phải cổ phần hoá các tổng công ty phát điện (Genco), Nhà nước chỉ chiếm cổ phần chi phối, còn lại bán ra để thu tiền về đầu tư. Cần có cơ chế đặc biệt, thậm chí là giá đặc biệt đối với những ngành tiêu thụ nhiều điện năng như xi măng, sắt thép... để giảm tiêu hao năng lượng.
Nhắc lại khoản lỗ "khủng" của EVN, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do biến động của các nhiên liệu đầu vào như giá than, giá khí, giá dầu (riêng thuỷ điện EVN không lỗ) và giá sản xuất của EVN vẫn cao hơn giá bán.
"Giá dầu giảm mạnh nhưng tỷ lệ các nhà áy điện chạy dầu của EVN không nhiều, chỉ có Ô Môn, Trà Nóc, trong khi tỷ lệ các nhà máy nhiệt điện than, khí vẫn là chủ yếu. Nhưng giá khí không giảm, giá than thì theo giá thị trường. Giá than tại Việt Nam hiện vẫn đang là 1,3-1,4 triệu đồng/tấn, nếu có giảm theo giá thế giới cũng không đáng kể".
Bởi vậy, với gánh nặng đầu tư quá lớn, ông Trần Viết Ngãi quả quyết, chỉ có một con đường duy nhất là tăng giá điện và với nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì chỉ chịu đựng được mức tăng 10% đổ lại. Chỉ khi nào công suất đạt yêu cầu ổn định cao, thừa điện, tốc độ đầu tư giảm thì mới có thể tính chuyện giảm giá điện.
"Với cơ cấu, tổ chức hiện nay thì EVN còn phải tăng giá điện. Còn tăng mức độ nào thì phải cân đối. Bộ Công thương cũng đã yêu cầu EVN phải tính toán, công khai giá thành sản xuất, giá bán", ông nói.
- Thành Luân
No comments:
Post a Comment