Wednesday, February 4, 2015

Ai còn tự hào là Đảng viên?


Ở Việt Nam trong một thời gian dài, cái mác Đảng viên là một thứ rất danh giá. “Đảng viên” là đồng nghĩa với đứng đắn, nghiêm túc, giỏi giang…
Ngày xưa có không ít trường hợp thách cưới của cô gái đối với chàng trai là “phải trở thành Đảng viên”. Ở cơ quan người ta tranh nhau suất đi học cảm tình Đảng, vì “có Đảng” là một tiêu chí quan trọng để thăng chức.
Người ta thường hỏi nhau: “Có Đảng chưa?”. Tất nhiên không phải ai cũng có vinh dự này nên nhiều người thường trả lời với ý châm trọc: “Chưa có Đảng” (với hy vọng người nghe hiểu ý mà đọc lộn lại).
Ở đại học thì được vào Đảng là vinh hạnh cực kỳ lớn, chỉ một, hai người xuất sắc nhất lớp mới được chọn đi học “cảm tình” sau một cuộc bỏ phiếu căng thẳng trên lớp.
'Một cách kiếm việc'
Trong những người đi học này cũng không phải được kết nạp tất cả. Một quá trình dài gồm thi hết khóa học, bỏ phiếu thêm một lần nữa trên lớp xem có được viết hồ sơ Đảng không, xác minh lý lịch…
Quá trình đó bao gồm cả Đảng ủy hay Đảng bộ của trường của khoa gì đó xét lên xét xuống khiến cho nhiều người chưa kịp kết nạp thì đã ra khỏi trường.
Thật ra cũng có cách để vào Đảng dễ dàng hơn, đó là tích cực hoạt động phong trào, đó là những bạn mặc áo đoàn viên. Trong những bạn thường xuyên mặc áo xanh này thì số học giỏi là tương đối không nhiều (vì giành phần lớn thời gian vào các hoạt động), nhưng việc “có Đảng” có thể giúp họ có một chân ở lại trường để làm Bí thư hay ban bệ gì đó có liên quan đến Đảng đoàn. Như vậy vào Đảng cũng là một cách kiếm việc.
Những người học giỏi thực sự nhưng chỉ lo việc của lớp mà ít qua lại với đoàn trường thì cũng ít có cơ hội được kết nạp. Cũng dễ hiểu, vì đây mới là nơi quyết định trực tiếp.
Việc này làm chúng ta hình dung đến tình trạng ở các ủy ban nhân dân. Nhiều người ban đầu chỉ làm những chức bình thường vụn vặt ở Ủy ban nhân dân nhưng cứ bám trụ lại lâu rồi được dần nâng đỡ lên những vị trí quan trọng. Nếu có cơ may và tài luồn lách thì có thể lên đến chức chủ tịch ủy ban nhân dân – tức có thể là chủ tịch một thành phố nào đó.
'Vỡ mộng'
Quay trở lại với vấn đề Đảng viên, vẫn có số ít sinh viên toàn diện, vừa học giỏi vừa công tác tốt. Số này khi ra trường cũng rất vững tin vì vừa có mác “Đảng viên” vừa có năng lực.
Tuy thế nhưng lúc đi xin việc tại cơ quan Nhà nước, không ít bạn mỡi ngỡ ra: Đảng viên cũng chả là cái gì tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước. Có giám đốc còn cười khẩy khi nghe thấy từ “Đảng viên” vì “muốn kết nạp thì vào đây kết nạp cho”.
À ra thế, chỉ khi nào Tổng Bí thư trực tiếp kết nạp vào Đảng thì cái chức Đảng viên đó may ra mới có giá trị, còn cơ quan tự kết nạp thì muốn cho ai mà chả được.
Có những giám đốc chẳng muốn vào Đảng nhưng vẫn bị bắt vào, vì ở chức vụ đấy thì bắt buộc phải có Đảng. Có Đảng hóa ra chỉ là điều kiện cần chứ không đủ để thành đạt, và khi người ta đã cần thì cũng không khó lắm.
Thế là giấc mơ được đứng trong hàng ngũ của Đảng để sau này thuận lợi thăng tiến và làm trong sạch vững mạnh bộ máy Đảng của những sinh viên ra trường bỗng tan thành mây khói.
Những câu chuyện thăng tiến thần kỳ của nhiều bậc tiền bối kiểu như là bí thư Đoàn rồi lên làm bí thư tỉnh ủy… không phải là con đường cho những người muốn đi lên bằng năng lực chuyên môn.
Chính trị Việt Nam là cuộc chơi của con ông cháu cha, dây mơ rễ má và những bước đi cửa sau mà những trí thức không bao giờ hình dung ra được.
'Chối bỏ Đảng'
Nhiều người không chịu được cái bức bách trì trệ ở cơ quan Nhà nước đành xin ra ngoài làm.
Nhưng làm gì với cái thẻ Đảng đeo lủng lẳng trên cổ nhắc nhở hàng tháng phải đi họp vào ngày mùng 3 (vì ngày thành lập Đảng là 3/2) và đóng Đảng phí? Thẻ Đảng lúc này lại thành gánh nặng không dễ gỡ ra, vì chẳng ai dại mà làm đơn xin ra khỏi Đảng để liên lụy đến gia đình cả.
Đối với ai làm công ty nước ngoài thì rõ ràng là một trở ngại lớn, chẳng Sếp nào quan tâm đến cái việc bạn là Đảng viên và lý do cứ mùng 3 xin nghỉ để đi họp bất kể ngày nghỉ hay ngày thường là một điều hết sức vô lý.
Thế người thuộc khối Nhà nước có yêu Đảng hơn không? Cũng không chắc, vì nhiều Đảng viên lâu năm, lại làm chức vụ lớn, ngay sau khi về hưu đã cất ngay thẻ vào trong tủ và tuyên bố không bao giờ sinh hoạt Đảng nữa.
Rốt cuộc là chẳng ai yêu Đảng thật lòng, cũng không ai còn tự hào khi là Đảng viên nữa. Nhiều người thậm chí ra ngoài còn giấu việc mình đã kết nạp Đảng nếu không muốn làm trò cười cho bạn bè.
Tôi cũng từng nghe chuyện có một nhạc công đã vào biên chế lâu năm tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và là người có chuyên môn tốt nhưng lại nhất quyết không vào Đảng. Người này được lãnh đạo Dàn nhạc nhắc nhở nhiều lần vì "có chuyên mà chưa có hồng thì chưa tốt".
Sau nhiều lần bị/được lãnh đạo vận động, người này nói "tôi sẽ vào Đảng nhưng chỉ cần được đảm bảo một điều kiện thôi".
"Đó là nếu được kết nạp vào Đảng thì phải cho tôi tham nhũng", nhạc công này nói.
Vậy tôi thấy chỉ thương cho những người như cụ bà Phạm Thị Trinh, năm nay đã 101 tuổi đời và 85 năm tuổi Đảng.
Cụ đã hai lần bị địch bắt, sáu năm bị cầm tù, tra tấn dã man đã khiến mắt mờ, tai nghe không rõ. Có thể nói, cả cuộc đời hy sinh cho Đảng, năm nay đã 101 tuổi nhưng chưa từng đóng đảng phí muộn.
Với cụ ngày kỷ niệm thành lập Đảng là ngày vui lớn. Những người như cụ vẫn tin rằng Đảng vẫn như ngày nào và bộ phận quan chức tham ô, tham nhũng, tha hóa biến chất vẫn chỉ là một bộ phận nhỏ trong hàng triệu Đảng viên trên cả nước.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

No comments:

Post a Comment