QUẢNG NAM (NV) - Chủ tịch Quảng Nam vừa chỉ đạo Sở Công Thương của tỉnh này thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để xử lý 60 tấn cyanur giả mà hai nhà máy vàng của Bersa nhập về rồi bỏ đó.
Bersa là tên một tập đoàn của Úc, đầu tư 100 triệu Mỹ kim để xây dựng và khai thác hai nhà máy vàng Bồng Miêu và Ðắk Sa. Nhà máy vàng Bồng Miêu (công ty vàng Bồng Miêu), tọa lạc tại huyện Phú Ninh và nhà máy vàng Ðắk Sa (công ty vàng Phước Sơn), tọa lại tại huyện Phước Sơn.
Nơi lưu giữ lô cyanuare giả tại nhà máy vàng Ðắk Sa. (Hình: Thanh Niên)
Tháng 8 năm 2011, công ty vàng Bồng Miêu và công ty vàng Phước Sơn đưa 60 tấn cyanur (một loại hóa chất cực độc) mua từ công ty hóa chất Tianjin Haina Tianyi Chemical ở Trung Quốc đến Quảng Nam để luyện vàng. Trị giá lô hóa chất lên tới 2.1 tỉ.
Ðến khi đưa ra dùng thì cả hai công ty vàng vừa kể phát giác lô cyanur đã mua là hàng giả. Cả hai báo cáo với chính quyền tỉnh Quảng Nam đề nghị hỗ trợ xử lý lô cyanur này.
Từ đó đến nay, 20 tấn cyanur giả bị bỏ thí ở nhà máy vàng Bồng Miêu, 40 tấn còn lại bị bỏ thí ở nhà máy vàng Ðắk Sa.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu công ty vàng Bồng Miêu và công ty vàng Phước Sơn kiểm định lô cyanur giả để xác định lượng cyanur và lập phương án tiêu hủy phù hợp.
Mãi đến cuối năm ngoái, cả hai công ty vàng mới thực hiện việc lấy mẫu, gửi kiểm định nhưng đến nay, kết quả kiểm định vẫn chưa có vì cả hai không trả chi phí kiểm định cho trung tâm kiểm định.
Trước khả năng 60 tấn hóa chất vừa kể có thể gây nhiễm độc đất, nguồn nước trên diện rộng, chủ tịch tỉnh Quảng Nam đành yêu cầu Sở Công Thương Quảng Nam tạm ứng chi phí để lấy kết quả kiểm định về, lập phương án tiêu hủy phù hợp để bảo đảm an toàn cho môi trường sống. Còn xử lý công ty vàng Bồng Miêu và công ty vàng Phước Sơn như thế nào thì sẽ... tính sau.
Ðây không phải là lần đầu tiên xảy ra trục trặc trong quan hệ giữa chính quyền tỉnh Quảng Nam với Bersa. Từ khi Quảng Nam đón Bersa vào khai thác vàng tại hai huyện Phú Ninh và Phước Sơn, hai bên đã chỉ trích nhau nhiều lần.
Hồi hạ tuần tháng 7 năm ngoái, tập đoàn Besra tuyên bố đóng cửa hai nhà máy vàng Bồng Miêu và Ðắk Sa. Bersa tố cáo, kể từ tháng 4 năm 2014, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã gây nhiều khó khăn cho họ, chẳng hạn như: phong tỏa tài khoản ngân hàng, vô hiệu hóa các hóa đơn do hai nhà máy vàng Bồng Miêu và Ðắk Sa phát hành,... khiến tập đoàn này không còn lựa chọn nào khác.
Cục Thuế Quảng Nam thì cáo buộc tập đoàn Bersa đang nợ ngân sách Việt Nam khoảng 297 tỉ bao gồm cả tiền thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền phạt do chậm nộp thuế. Các biện pháp mà chính quyền tỉnh Quảng Nam đã áp dụng chỉ nhằm buộc tập đoàn Bersa phải nộp thuế.
Tại cuộc đối thoại giữa đại diện Cục Thuế Quảng Nam với đại diện tập đoàn Bersa trước báo giới, hồi tháng 8 năm ngoái, ông David Seton, chủ tịch tập đoàn Besra, cho biết, tập đoàn này bất ngờ gặp khó khăn về tài chính khi giá vàng xuống thấp, hai mỏ vàng bị thiên tai. Sở dĩ Bersa nợ thuế là vì chính sách thuế bất hợp lý.
Ông Seton còn cáo buộc báo chí Việt Nam đã thông tin sai lạc, chỉ đưa ý kiến của Cục Thuế Quảng Nam, không kiểm chứng thông tin từ phía Bersa. Theo ông Seton, việc đưa tin Bersa chỉ khai thác vàng không trả thuế, không chịu cam kết trả các khoản nợ trước đây về thuế, thiếu lương công nhân,... là không chính xác.
Ông Seton đề nghị cho Bersa trả khoản nợ thuế trong 24 tháng thay vì phải trả trong 12 tháng theo qui định của luật Việt Nam. Theo ông Seton thì có nhiều tổ chức, cá nhân đang muốn lấy mỏ mà Bersa đã đầu tư để khai thác tiếp, song ông khẳng định những cá nhân và tổ chức đó sẽ hoạt động không hiệu quả như Bersa. Bersa dự tính mở cửa để hai nhà máy vàng Bồng Miêu và Ðắk Sa hoạt động trở lại. Ông Seton bày tỏ hy vọng chính sách tài chính, chính sách thuế và thủ tục hành chính sẽ tốt hơn. Bersa sẽ trình bày kế hoạch trả nợ khi tái hoạt động.
Ðáp lại, ông Lương Ðình Ðường, cục phó Cục Thuế Quảng Nam, khẳng định, cơ quan này đã nhiều lần gia hạn việc nộp thuế nhưng hai nhà máy vàng của Bersa vẫn không trả thuế. Khoản nợ thuế càng ngày càng lớn. Chuyện nợ thuế vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế là chính đáng, không thể lấy lý do bị cưỡng chế thuế làm nguyên nhân đóng cửa, ngưng hoạt động. Ông Ðường còn khẳng định, Cục Thuế Quảng Nam có đủ thông tin, tài liệu để khẳng định hai nhà máy vàng cố tình không thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cuộc đối thoại giữa Bersa và Cục Thuế Quảng Nam vốn đã căng thẳng lại thêm căng thẳng khi giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xăng dầu, tại thành phố Tam Kỳ, đột nhiên đứng dậy, đòi ông Seton trả nợ. Ông này cho biết, cả hai nhà máy vàng của Bersa đang nợ công ty của ông ta 6,5 tỉ đồng. Ông Seton trả lời, đó sẽ là chuyện do tòa phân xử, đồng thời cáo buộc doanh nghiệp chuyên kinh doanh xăng dầu gian lận trong buôn bán. Nhân viên của Besra đã yêu cầu người tố cáo rời khỏi phòng họp. Còn người tố cáo tuyên bố ý kiến của ông Seton là vu cáo và ông sẽ kiện.
Cuối cuộc đối thoại, ông Seton thừa nhận, việc hai nhà máy vàng “có doanh thu nhưng không trả nợ thuế” là đúng. Ông Seton cũng rút lại những cáo buộc về việc báo giới thông tin sai.
Cũng cần nhắc thêm, ngoài việc nợ thuế, hai nhà máy vàng của tập đoàn Bersa còn nợ nhiều doanh nghiệp, cá nhân. Trước đây, sau khi có tin, Bersa dự định đóng cửa nhà máy vàng Ðắk Sa, hàng trăm người cư ngụ tại thị trấn Khâm Ðức, huyện Phước Sơn, đã đổ tới nhà máy, vây kín cổng để yêu cầu thanh toán ngay các khoản nợ mà nhà máy này đang thiếu họ. (G.Ð)
02-03- 2015 4:56:13 PM
No comments:
Post a Comment