HÀ NỘI (NV) - Chuỗi hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và bất kể thế nào cũng không thể gạt bỏ chủ quyền của Việt Nam.
Bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa nay đã được Trung Quốc biến thành một căn cứ quân sự. (Hình: Tân Hoa Xã)
Đó là nội dung tuyên bố của bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam tại cuộc họp báo vừa được tổ chức hôm 8 tháng 1.
Bà Hằng nhấn mạnh, các hành động của Trung Quốc - một trong những bên tham gia DOC - “không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông” và “không thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
Cuộc họp báo vừa kể được tổ chức sau khi Trung Quốc công bố nhiều hình ảnh về các hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập, nằm trong quần đảo Trường Sa, vốn bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988 và gần đây đã bồi đắp để biến thành một hòn đảo nhân tạo. Các hình ảnh do vệ tinh chụp được cho thấy, Trung Quốc đã và đang biến Chữ Thập thành một căn cứ quân sự.
Hôm 3 tháng 1, Trung Quốc công bố những hình ảnh liên quan đến các hoạt động của quân đội Trung Quốc tại đảo nhân tạo Chữ Thập: Thượng kỳ, tập bắn,...
Ngoài việc bồi đắp bãi Chữ Thập thành đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự trên hòn đảo nhân tạo này, Trung Quốc đang làm như thế tại một số bãi đá khác ở quần đảo Trường Sa như: Gạc Ma, Châu Viên, Gaven.
Cũng tại cuộc họp báo diễn ra hôm 8 tháng 1, bà Hằng xác nhận giàn khoan 981 của Trung Quốc đang di chuyển trong Biển Đông. Tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc từng kéo giàn khoan này tới thăm dò - khai thác dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa và điều đó khiến quan hệ Việt - Trung trở nên căng thẳng chưa từng thấy nếu tính từ khi hai bên “bình thường hóa quan hệ ngoại giao.”
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng chỉ trích việc chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc loan báo thành lập bốn “Ban vũ trang nhân dân” ở thành phố Tam Sa.” “Thành phố Tam Sa” là một đơn vị hành chính do Trung Quốc thành lập năm 2012, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo chính quyền tỉnh Hải Nam thì bốn “Ban vũ trang nhân dân” sẽ cùng trú đóng ở quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974. Báo giới Trung Quốc cho biết, các “ban vũ trang nhân dân” là một bộ phận quan trọng của chính quyền cơ sở và của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc. Việc lập bốn “ban vũ trang nhân dân” ở thành phố Tam Sa nhằm mục đích gia tăng khả năng xây dựng hậu cần quốc phòng và trưng binh nhằm ứng phó khi xảy ra chiến tranh.
Bà Hằng gọi những hành động như vừa kể là “vô giá trị.” Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam “sẽ kiên quyết đấu tranh đối với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông,” đồng thời “thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ dựa trên luật pháp quốc tế vì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên vùng biển này.”
Đáng lưu ý là dẫu Trung Quốc liên tục vừa khiêu khích, vừa công khai xâm phạm chủ quyền quốc gia, trong quan hệ với Trung Quốc, ngoài chuyện thỉnh thoảng chỉ trích, tố cáo, Việt Nam vẫn khẳng định “nhất trí duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cao cấp hai đảng, hai nhà nước, tăng cường các cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai đảng,” đồng thời “đặc biệt là thúc đẩy giao lưu nhân dân, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại cùng có lợi, cân bằng, bền vững.” (G.Đ)
01-09-2015 3:23:14 PM
No comments:
Post a Comment