Theo NLĐO-Chủ Nhật, 23:33 11/01/2015
Chỉ sau một năm thực hiện dự án nạo vét, cửa Đà Diễn (sông Ba, tỉnh Phú Yên) đã bị bồi lấp như cũ, trong khi hàng chục căn nhà phía hữu ngạn cửa sông bị xói lở móng, sập đổ
Chưa mùa biển động nào mà xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bị tàn phá như vừa qua. Sóng biển xé toạc kè đá được tỉnh đầu tư 12 tỉ đồng để chắn sóng, cuốn phăng cả con đường Đinh Tiên Hoàng và đánh sập, làm xói lở móng hàng chục nhà dân bên trong. Trong khi đó, sóng mang cát lấp đầy cửa sông Ba, nơi DNTN Bảo Châu vừa hút cát bán cho nước ngoài để thực hiện dự án nạo vét cửa sông.
Làm sai quy luật?
“Đừng vì các lợi riêng mà làm khổ dân” - ông Lương Luận, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông, bày tỏ khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.
Lo mất nhà, người dân xóm Rớ phải tự làm kè bằng bao cát để chắn sóng
Sống ở xóm Rớ từ nhỏ, từng làm lạch trưởng 2 nhiệm kỳ, ông Luận không khỏi đau lòng khi thấy xóm này đang dần bị xóa sổ. Cách đây 6 năm, biển còn cách đường Đinh Tiên Hoàng đến hơn cây số. Giờ biển đã “nuốt” hết con đường này và tiến đến sát nhà dân. Lúc đó, năm 2009, DNTN Bảo Châu bắt đầu hút cát cửa sông Ba để thực hiện dự án nạo vét.
Gắn bó với vùng biển này, ông Luận hiểu rất rõ về dòng chảy ven bờ. Theo ông, khi đổ ra biển, nước sông Ba cuộn lại thành một dòng chảy ven bờ từ Nam ra Bắc phía hữu ngạn cửa sông. Do vậy, nếu không có phương pháp chỉnh trị mà lấy cát bên ngoài cửa sông càng sâu thì dòng chảy sẽ càng lấy đất cát trên bờ phía Nam để lấp cửa sông, xóm Rớ sẽ biến mất.
Biết được sự nguy hiểm cho xóm Rớ, ông Luận đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương và các ngành chức năng về tác hại của việc hút cát ngoài cửa sông. “Mình nói họ không tin. Giờ thì rõ rồi, việc hút cát này chỉ có lợi cho ai đó chứ dân thì bị mất hết” - ông Luận chua chát.
Bà Đào Bảo Minh - Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, chủ đầu tư dự án nạo vét cửa Đà Diễn - thừa nhận việc hút cát ở đây chỉ có hiệu quả tức thời. Đến mùa mưa, cửa sông bị cát bồi lấp trở lại. “Tôi nghĩ phải có phương án chỉnh trị cửa sông Đà Diễn, chứ không thể năm nào cũng hút cát” - bà Minh nói.
Hút cát trước khi đánh giá tác động môi trường
Theo quy định, việc hút cát cửa sông Đà Diễn phải được đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc trước khi thực hiện. Thế nhưng, không hiểu sao, hạng mục đường công vụ hút cát ngoài cửa biển với khối lượng gần 300.000 m3 lại không có đánh giá tác động môi trường.
Bà Đào Bảo Minh cho rằng dự án có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc ký ngày 8-4-2014. Thế nhưng, quyết định này không có dòng nào nói về hạng mục đường công vụ cùng lượng cát cần hút.
Hơn nữa, hạng mục đường công vụ đã được thi công từ tháng 9-2013, đến thời điểm ra quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đơn vị thi công đã hút cát gần đủ khối lượng. Chẳng lẽ hút cát xong mới báo cáo đánh giá tác động môi trường?!
Chỉnh trị cửa sông Ba
Ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, cho rằng để ổn định luồng lạch lâu dài ở cửa Đà Diễn, tàu thuyền ra vào an toàn thì không thể dựa vào việc hút cát mà phải nghiên cứu kỹ địa chất, dòng chảy nhằm xây dựng đề án chỉnh trị cửa sông. “Đề án chỉnh trị cửa sông Ba đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau lần chỉnh trị cửa Đà Nông, đơn vị này ngại nên chưa nhận. Từ năm 2016 - 2020, tỉnh phải thực hiện được đề án chỉnh trị cửa sông Đà Diễn” - ông Hiến khẳng định.
Trước đó, khi thực hiện chỉnh trị cửa Đà Nông (sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã mắc nhiều sai phạm, nhiều cán bộ phải hầu tòa.
Bài và ảnh: Hồng Ánh
No comments:
Post a Comment