Sunday, January 11, 2015

Tràn lan tôm bơm tạp chất, lợn bò bơm nước, quản lý thị trường vẫn... bó tay


Năm 2014, mặc dù nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là “được mùa, được giá”, nhưng cũng nhiều vấn đề, khiến tổng chỉ huy của ngành nông nghiệp Cao Đức Phát còn nhiều trăn trở, dư luận còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp thỏa đáng. Đó là tình trạng bơm tạp chất vào tôm, bơm nước vào thịt gia súc, dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm còn cao, đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi… Những vấn đề nổi cộm này đã được nhìn ra và sẽ giải quyết triệt để trong năm 2015 theo lời hứa của lãnh đạo Bộ NNPTNT.

Kiểm soát tạp chất trong tôm đảm bảo uy tín cho tôm Việt Nam. Ảnh: Đ.HƯƠNG
Kiểm soát tạp chất trong tôm đảm bảo uy tín cho tôm Việt Nam. Ảnh: Đ.HƯƠNG
Chất cấm trong thức ăn chăn nuôi
Trong năm 2014, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) thành phẩm trong nước tăng từ 0,1 - 0,4%, trong khi đó, giá nguyên liệu TĂCN thế giới giảm. Trong năm 2013, và 10 tháng đầu năm 2014, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã trực tiếp kiểm tra 280 mẫu TĂCN được lấy tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước. Kết quả có 6,7% số mẫu bị vi phạm về chất lượng ở mức thấp so với công bố chỉ đạt 85 - 90%. Kết quả báo cáo của một số địa phương có 25,3% số mẫu trong tổng số 217 mẫu kiểm tra vi phạm. Chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là các chỉ tiêu chất lượng công bố và chỉ tiêu an toàn quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật thường thấy như: Protein thô, canxi, asen, aflatoxin, kháng sinh.
Về kiểm soát chất cấm, trong thời gian này, cơ quan quản lý chỉ đạo thường xuyên kiểm tra chất cấm đối với nguyên liệu TĂCN nhập khẩu và sản xuất trong nước (bao gồm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ sở chăn nuôi. Kết quả giám sát cho thấy có những thời điểm giá lợn tăng cao tại một số địa bàn nóng về vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như: TP.HCM, Đồng Nai, Hưng Yên.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra chất lượng TĂCN sản xuất trong nước, mặt hàng nhập khẩu cũng được cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra. 10 tháng đầu năm 2014 đã có 22.701 lô TĂCN với khối lượng 9,6 triệu tấn được nhập khẩu vào Việt Nam. Qua kiểm tra giám sát phát hiện 6 lô hàng không đạt yêu cầu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ukraine, Hàn Quốc…
Kiểm soát chất lượng và an toàn đối với TĂCN đang là vấn đề được dư luận xã hội và người tiêu dùng thực phẩm quan tâm, nhất là vấn đề chất cấm và tồn dư kháng sinh. Nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát vấn đề này, Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với một số địa phương kiểm tra trọng điểm về TĂCN tại 6 tỉnh tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh TĂCN hỗn hợp và đậm đặc, trong đó chủ yếu kiểm tra đối với các cơ sở vừa và nhỏ (công suất thiết kế nhỏ hơn hoặc bằng 15.000 tấn/năm); các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn bổ sung, thuốc thú y, nhất là các cơ sở xếp loại C, các cơ sở không có địa chỉ rõ ràng, cơ sở giết mổ, buôn bán thịt lợn trên địa bàn.
Kết quả kiểm tra rất đáng báo động, chỉ tiêu về chất lượng có 38/329 mẫu chiếm 11,6% không đạt chất lượng. Các vi phạm chủ yếu về hàm lượng protein thô, amin lizyn, phốt pho không đạt, thấp hơn so với công bố. Chỉ tiêu về vệ sinh an toàn TĂCN, hàm lượng độc tố nấm mốc aflatoxin, kháng sinh không đạt, cao hơn quy định trong quy chuẩn kỹ thuật. Kết quả giám sát phát hiện cơ sở kinh doanh TĂCN, thuốc thú y và chăn nuôi sử dụng chất cấm, vẫn xảy ra ở các địa phương nhất là trong những thời điểm giá lợn tăng cao và những địa bàn nóng trong đó có Đồng Nai, Hưng Yên, Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Sau khi Bộ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo, Cục Chăn nuôi đã thực hiện đợt kiểm tra chất lượng TĂCN tại 6 tỉnh trọng điểm từ tháng 8.2014 đến nay để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm về chất lượng và an toàn đối với TĂCN. Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền lên tới 545 triệu đồng. Có 5/6 tỉnh, thành phố phát hiện vi phạm”.
Nhận định của Cục Chăn nuôi qua kiểm tra thực tế cho thấy, đã xuất hiện nhiều vi phạm về chất lượng và an toàn đối với TĂCN, thức ăn có chất cấm và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi là những lỗi vi phạm rất khó phát hiện và xử lý nếu thiếu các giải pháp quản lý đồng bộ. Kiểm tra trọng điểm đã phát hiện ra nhiều đối tượng và các mánh khóe tinh vi của việc kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có cả doanh nghiệp, thương lái và người chăn nuôi. Ví dụ một số doanh nghiệp sản xuất TĂCN theo đơn đặt hàng của đại lý phân phối hoặc người chăn nuôi là chứa đựng nguy cơ rất cao trong các vi phạm về chất cấm cũng như kháng sinh.
Kết quả kiểm tra tại TP.HCM thời gian đầu năm 2014 cho thấy, 43% mẫu thịt lợn kiểm nghiệm tại TP.HCM có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt ngưỡng cho phép. Khi lấy ngẫu nhiên 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt lợn, 30 mẫu thịt gia cầm) tại 2 cơ sở lớn trên địa bàn thành phố, cơ quan kiểm tra đã phát hiện 13/60 mẫu thịt lợn (chiếm 43,33%) có nguồn gốc từ Bình Dương, Bến Tre, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và 1/30 mẫu thịt gia cầm (3,33%) có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt ngưỡng quy định. Tình trạng phát hiện dư lượng kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm 2014.
Tôm, lợn, bò bị bơm tạp chất, nước
Thời gian gần đây, hiện tượng nhiều gian thương đã bơm tạp chất vào lợn, bò, tôm để tăng trọng lượng gia súc, thủy sản nhằm thu lợi bất chính gây hoang mang cho người tiêu dùng. Tại hội nghị do Bộ NNPTNT vừa tổ chức tại TP.HCM về đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”, cho thấy, tình trạng này đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản: Tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm xuất hiện từ lâu. Từ đó đến nay tình trạng này vẫn không giảm, diễn ra chủ yếu vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu.
Nếu như năm 2013, 50 vụ bơm tạp chất vào tôm bị phát hiện thì 6 tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện 20 vụ vi phạm. Đáng lo ngại là không chỉ xuất hiện tại một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm mà còn xuất hiện tại một số địa phương không có thế mạnh về sản xuất tôm như: Nam Định, Thái Bình…
Vì sao nạn bơm, tiêm tạp chất vào tôm không được giải quyết triệt để mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc tích cực? Theo một cán bộ đại diện Đội cơ động quản lý chất lượng TP.Hà Nội - Lực lượng quản lý thị trường đã từng ra quân kiểm tra nạn bơm tạp chất vào tôm nhưng vì các cơ sở này thường hoạt động nhỏ lẻ, không theo quy luật, có khách lấy hàng thì cơ sở mới “tái chế” tôm vì vậy để phát hiện và xử lý đối với hành vi gian lận thương mại này rất khó khăn. Kiểm tra thực tế cho thấy, tôm nguyên liệu sau khi bơm tạp chất có thể tăng trọng lượng, kích cỡ thêm 10 - 20%.
Thắc mắc của người tiêu dùng là tạp chất được bơm vào tôm là chất gì? Đó có thể là bột thạch rau câu (Aga) hoặc một loại bột có tên CMC được quấy dạng sệt dùng bơm tiêm vào đầu và bụng tôm. Chỉ cần tính nhanh nhờ bơm tạp chất tôm tăng thêm trọng lượng từ 10 - 20% như vậy, với 100kg tôm nguyên liệu sạch sau khi bơm, thương lái, cơ sở chế biến cho thể thu lời tới 5.000.000 đồng.
Điều mà cơ quan quản lý và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm lo ngại là tình trạng gian lận thương mại có thể ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Khi một số thương lái của Trung Quốc đặt tôm Việt Nam xuất khẩu sang nước khác nếu như tôm nguyên liệu của Việt Nam có “vấn đề” chắc chắn con tôm Việt Nam khi xuất khẩu trực tiếp sang các nước sẽ gặp rào cản - đây còn là vấn đề thương hiệu quốc gia.
Ngay sau vấn nạn bơm tạp chất vào tôm là tình trạng bơm nước vào gia súc. Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau đã từng bắt quả tang tại lò mổ ở ấp Tân Bửu, Tân Hưng, Cái Nước bơm nước vào lợn trước khi bán, tính trung bình mỗi con lợn sau khi bơm nước tăng khoảng 5 - 10kg. Chi cục Thú y TP. Đà Nẵng qua kiểm tra và phát hiện một cơ sở tại phường Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng bơm nước vào bò qua miệng để tăng trọng lượng vật nuôi lên 20% và tương đương với mức tăng lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/con.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp ngoài lĩnh vực chăn nuôi còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quả cam, quả táo để lâu không hỏng, có hay không tình trạng lạm dụng phân bón trong trồng trọt dẫn tới hiệu quả sử dụng phân bón thấp? Cảnh báo của các nước nhập khẩu liên qua đến dư lượng kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu… Tất cả các hạt sạn trong ngành nông nghiệp thời gian qua phản ánh rõ nét còn nhiều vấn đề cần tới sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cơ quan quản lý, cơ quan kiểm tra để sản phẩm nông sản đạt chất lượng tốt không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đảm bảo xuất khẩu ổn định trong thời gian tới.


theo xa luan

No comments:

Post a Comment