ĐĂNG BỞI  - 
Đó là nhận định của tiến sĩ Jens - Uwe Schmollack thuộc Trung tâm Kiểm định An toàn hạt nhân và An toàn Bức xạ TÜV Rheinland, tại Hội nghị Năng lượng Hạt nhân châu Á 2014 diễn ra mới đây ở Hà Nội.
Với một quốc gia đang phát triến như Việt Nam, khi bắt tay vào thực hiện các chương trình hạt nhân cần phải chú ý những điểm nào, thưa ông?
Xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn và cách tiếp cận toàn diện, sự quản lý, điều hành cẩn thận và kỹ lưỡng.
Chúng ta không phải đang nói về một quá trình vài năm mà là hàng thập kỷ. Cần ít nhất 1 thập kỷ lên kế hoạch và xây dựng, 4 đến 6 thập kỷ vận hành và ít nhất 1 thập kỷ nữa để kết thúc vòng đời một nhà máy điện hạt nhân. 
Một chương trình như vậy đòi hỏi sự chấp thuận rộng rãi của công chúng nhằm kết hợp, hình thành nhiều vai trò, chức năng trong xã hội như giáo dục, nghiên cứu và cơ sở chức năng của các cơ quan công quyền.


Và rõ ràng, việc sở hữu nhà máy điện hạt nhân cũng đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ, không phải chỉ dành cho các nhà máy điện mà còn dành cho các cơ quan giám sát, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, cơ sở lưu trữ rác thải phóng xạ…
Một chương trình như vậy đòi hỏi sự chấp thuận rộng rãi của công chúng nhằm kết hợp, hình thành nhiều vai trò, chức năng trong xã hội như giáo dục, nghiên cứu và cơ sở chức năng của các cơ quan công quyền.
Ngay cả trong quá trình lên kế hoạch, nhiệm vụ cơ bản là lựa chọn và lên kế hoạch thực hiện cũng yêu cầu cái nhìn toàn diện. Loại công nghệ nào phù hợp nhất với một quốc gia cụ thể? Đây không đơn giản là việc lựa chọn giữa PWR (lò phản ứng nước nén) và BWR (lò phản ứng nước sôi) - loại lò phản ứng HTR (lò phản ứng nhiệt độ cao), mới chỉ sẵn sàng cho thị trường năng lượng hạt nhân không lâu. 
Đó còn là việc lựa chọn nhà thầu, đâu là những hệ quả, làm thế nào để có thể phát triển và kết hợp các nguồn lực cơ sở vật chất và con người trong nước... Xét một cách toàn diện, đây phải là một dự án mang tầm quốc gia.
Công nghệ mới, tương lai năng lượng hạt nhân là vấn đề chủ yếu được bàn thảo tại
Hội nghị Năng lượng hạt nhân châu Á 2014 tại Hà Nội. Ảnh: Lệ Chi 
Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi được gì từ những nước phát triển về công nghiệp hạt nhân?
Bài học đầu tiên có thể tích lũy từ những nền công nghiệp hạt nhân phát triển cũng như các chương trình quốc gia thành công đó là cần phải thực tế, như tại Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Chúng ta nên dựa vào những công nghệ và hệ thống đã được kiểm chứng ít nhất trong giai đoạn đầu, không nên quá tham vọng khi lên kế hoạch và triển khai.
Cần phải tính toán sát sao tất cả chi phí kể cả chi phí tháo dỡ và xử lý chất thải. Có thể thấy ở hầu hết các quốc gia có truyền thống về điện hạt nhân, nhiều loại chi phí khác nhau đã không được tính đến và không được xem xét nghiêm túc ngay từ ban đầu. 
Kết quả là những chi phí đó trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia, tức tiền thuế của nhân dân, tạo ra nhận thức xã hội tiêu cực về năng lượng hạt nhân trong xã hội và điều này trên thực tế là hoàn toàn có thể tránh được.
Hơn nữa, cần phát triển song song cơ sở hạ tầng bao gồm tất cả những quy định cần thiết ở cấp quốc gia, dựa trên kinh nghiệm và cơ chế thực hiện đã thành công học hỏi từ quốc tế. Ở Việt Nam có thể ghi nhận rất nhiều nỗ lực theo hướng này, mặc dù các bạn chưa đạt được mục tiêu này.
Một mẫu lò phản ứng được trưng bày tại Hội nghị năng lượng hạt nhân châu Á 2014
Ảnh: Lệ Chi 
Sự cố tại Fukushima năm 2011 đã thay đổi xu hướng ngành công nghiệp hạt nhân như thế nào, đặc biệt trong vấn đề an toàn điện hạt nhân?
Trên thực tế, sự cố này đã và vẫn đang ảnh hưởng lớn đến hiểu biết của chúng ta về triết lý và văn hóa an toàn điện hạt nhân. Hiện tại chúng ta đang xem xét đến trường hợp các sự cố/thảm họa kết hợp mà trước đây thường bỏ qua, đồng thời tập trung vào những hiện tượng thiên tai cực đoan, ít khả năng xuất hiện trước đây không được tính đến. Do đó chúng ta có được hiểu biết tốt hơn về những hậu quả của những tình huống xấu tương tự.
Tất nhiên, rất nhiều dự án hạt nhân hiện đang bị đình lại hoặc bị hủy bỏ do ảnh hưởng của sự cố này. Nhưng về dài hạn, những cải tiến về tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân đang tồn tại và các nhà máy mới sẽ mở ra cơ hội cho xu hướng tiếp tục phát triển điện hạt nhân, một yếu tố cần thiết nhằm giữ vững tỉ trọng điện hạt nhân trong các ngành sản xuất điện.
Tuy nhiên, câu hỏi về tỉ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu các ngành điện còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một trong số đó, có lẽ là yếu tố ảnh hưởng nhất, là cần một sự đầu tư rất lớn kết hợp với lợi tức đầu tư khá muộn của nhà máy điện hạt nhân so với các ngành năng lượng khác. Ngành công nghiệp hạt nhân cần phải đối mặt với những thách thức này. Công nghiệp điện hạt nhân chỉ có thể thành công nếu tất cả các bên liên quan phối hợp với nhau hiệu quả.
Khôi Bùi (thực hiện)