Saturday, December 6, 2014

WB thúc Việt Nam đẩy mạnh cải cách và minh bạch

HÀ NỘI (NV) - Việt Nam chỉ tăng trưởng bền vững và tốt đẹp hơn nếu đối phó hiệu quả với các khó khăn kinh tế bằng một chính sách minh bạch về quốc doanh, nợ xấu ngân hàng, nâng đỡ tư doanh.

Diễn Ðàn Ðối Tác Phát Triển Việt Nam (VDPF) vừa khai diễn ở Hà Nội hôm Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014 do Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Việt Nam phối hợp tổ chức. Tham dự diễn đàn, ngoài WB và Việt Nam, các định chế tài trợ phát triển quốc tế và các chính phủ cấp viện cho Việt Nam cũng đều có mặt thảo luận trước khi quyết định các khoản viện trợ và tín dụng tài khóa 2015 cho nước này.


Các đại biểu tham dự Diễn Ðàn Ðối Tác Phát Triển Việt Nam (VDPF) ở Hà Nội trao đổi bên lề diễn đàn hôm 5 tháng 12, 2014. (Hình: Người Lao Ðộng)

Chủ đề của diễn đàn VDPF năm nay là “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.”

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc văn phòng WB tại Việt Nam, đọc một bài diễn văn dài cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, nhưng còn rất nhiều thử thách mà người ta tin là do hệ quả của chính sách không minh bạch, luật lệ còn tròng tréo tạo cơ hội cho tham nhũng rúc rỉa.

Bà Kwakwa kêu gọi Hà Nội “tăng cường thể chế quản lý kinh tế vĩ mô...Các chính sách và qui trình lập, duyệt kế hoạch hóa tài khóa và thực hiện chính sách tiền tệ và tỉ giá cũng phải vận động theo hướng minh bạch và nguyên tắc thị trường hơn.”

Bà khuyến cáo CSVN phải “xem xét và cân nhắc tính độc lập của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam theo hướng một ngân hàng Trung ương hiện đại. Ðây là những vấn đề quan trọng trong lịch trình tăng cường năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam.”

Tuy cho phép khu vực kinh tế tư nhân hoạt động nhưng nguồn lực tài chính quốc gia chỉ dồn cho đám xí nghiệp quốc doanh “lời giả, lỗ thật.” Hệ quả, theo bà Kwakwa, “Kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách trong vài năm qua. Một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Số còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức, qui mô rất nhỏ hoặc nhỏ và vừa.”

Bà Kwakwa khuyến cáo, “Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài.”

Bà nêu ra cho thấy chế độ Hà Nội đang lúng túng trong việc đối phó với cái núi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại mà con nợ phần đông là đám xí nghiệp quốc doanh. Bà thúc giục CSVN phải có một kế hoạch rõ ràng về giải quyết nợ xấu trong quá trình thực hiện cải cách ngân hàng.

Có mặt trong diễn đàn, thủ tướng CSVN khoe rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm nay tới 5.9% tức “vượt chỉ tiêu,” nhưng WB cho rằng chỉ đạt được khoảng 5.6%. Ông Dũng khoe rằng năm nay, Việt Nam xuất cảng lên con số kỷ lục $150 tỉ “gấp 3 lần so với khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới” năm 2006.

Tuy nhiên, ông không nêu ra một sự thật rằng hơn 60% giá trị hàng hóa do Việt Nam xuất cảng đó là từ khu vực doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam, theo các con số của Tổng Cục Hải Quan CSVN công bố hồi cuối tháng 11, 2014 vừa qua. Các công ty quốc doanh của chế độ chỉ xuất cảng nông sản, thủy sản, gia công giày dép quần áo là chính bên cạnh việc moi móc tài nguyên quốc gia bán đi “ăn hết cả lộc của con cháu.”

Bà Kwakwa không quên nhắc cho thầy trò ông Nguyễn Tấn Dũng có mặt trong cuộc họp VDPF là “để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hơn, một xã hội hòa đồng hơn, đòi hỏi phải chú ý giảm cơ hội tham nhũng và lạm dụng nguồn lực công.”

Ông Nguyễn Tấn Dũng nói trong phiên họp rằng, “Việt Nam cam kết sử dụng tài trợ (ODA) hiệu quả.” Hiện chế độ Hà Nội đang giam giữ 6 quan chức ngành đường sắt bị cáo buộc ăn hối lộ của nhà thầu Nhật Bản.

Hôm 2 tháng 12, 2014, đại diện Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam than phiền tại “Diễn đàn doanh nghiệp” cũng tổ chức tại Hà Nội rằng “làm ăn 'đúng luật' tại Việt Nam khó thành công” nên họ đành chấp nhận chung chi, đút lót.

“Khả năng tăng trưởng nhanh chóng hơn của Việt Nam chỉ đạt được nếu có những tiến bộ rõ rệt trong việc đối phó với những vấn nạn tồn tại ở khu vực quốc doanh và ngân hàng vì chúng làm giảm hiệu quả của nền kinh tế và sức sản xuất,” bà Kwakwa khuyến cáo. “Ðẩy mạnh chương trình cải cách và tăng cường bầu khí kinh doanh vô cùng cần thiết” cho nền kinh tế Việt Nam tiến lên. (TN)

12-05- 2014 6:24:47 PM

No comments:

Post a Comment