Trung Quốc đã khai trừ đảng và bắt giữ cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang ngày 5-12 với rất nhiều tội danh. Trong đó, nghiêm trọng nhất là nhận hối lộ và để lộ bí mật quốc gia.
Hàng loạt bất thường
Việc khai trừ đảng đối với ông Chu được quyết định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 5-12 và nhân vật này sẽ bị truy tố.
Báo Mỹ The Wall Street Journal cho rằng quyết định đó đã “thay đổi tận gốc luật chơi trong giới chính trị hàng đầu Trung Quốc”. Theo Reuters, nước này có luật bất thành văn là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vẫn được “miễn tử” dù đã về hưu.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc nêu rõ: “Ông Chu đã lạm dụng quyền lực để giúp đỡ người thân cận, nhân tình và bạn bè kiếm lợi lớn trong các hợp đồng thương mại và hậu quả là gây thiệt hại lớn cho nhà nước”. Về đời tư, ông Chu “ngoại tình với nhiều phụ nữ và sử dụng quyền lực của mình để có được tình dục lẫn tiền bạc”.
Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (trái)và Chủ tịch Tập Cận Bình, lúc còn là phó chủ tịch, tại kỳ họp quốc hội hồi tháng 3-2012. Ảnh: CHINA NEWS
Gây chú ý nhất là tội danh “làm rò rỉ bí mật của đảng và nhà nước” nhưng bí mật nào bị rò rỉ và cho ai vẫn còn là câu hỏi lớn. Chuyên gia gốc Hoa Bùi Mẫn Hân thuộc Học viện Claremont McKenna (Mỹ) nhận định chưa có quan chức cấp cao nào bị cáo buộc tội danh này. “Điều đó cho thấy quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như thu hút sự chú ý của công chúng” - ông nói.
Các nguồn tin của Reuters tiết lộ ông Tập quyết hạ bệ ông Chu, người đề cử cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai làm kế nhiệm, từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012.
Thời điểm công bố quyết định bắt ông Chu cũng bất thường vì được đăng tải vào lúc nửa đêm. “Việc này quá nhạy cảm nên cần thời gian dài bàn bạc” - một cư dân mạng xã hội Weibo suy đoán.
Thông tin trên mạng tại Trung Quốc thường bị kiểm soát nghiêm ngặt nhưng tin bắt ông Chu lại được chia sẻ rộng rãi. Bản tin của Tân Hoa Xã nhận hơn 11.000 lượt “like” tính đến sáng 6-12. “Tiết lộ bí mật, có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ..., những tội danh này muốn nói lên điều gì?” - một người dùng Weibo thắc mắc.
Có thể tử hình
Một vấn đề đang rất được quan tâm là ông Chu có bị xử công khai hay không. Theo trang The Diplomat, thông báo khai trừ đảng củng cố quan điểm Bắc Kinh sẽ lặp lại mô hình xét xử Bạc Hy Lai với Chu Vĩnh Khang, nhất là sau khi các ông trùm kinh tế dính dáng tới ông Chu đều đã bị bắt, thẩm vấn và có thể sớm ra tòa.
Theo giới phân tích, từng là quan chức quyền lực bậc nhất với các cứ địa trong ngành dầu khí, an ninh, việc xét xử công khai ông Chu cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiều chuyện “thâm cung bí sử” sẽ bị vạch trần, làm tổn hại hình ảnh và uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việc thu thập chứng cứ chống lại ông Chu diễn ra hơn một năm qua. Trong thời gian đó, một loạt quan chức liên quan, kể cả con trai, con dâu, em trai của ông Chu đều bị bắt. Reuters từng thông tin tổng tài sản nhà họ Chu nắm giữ vào khoảng 90 tỉ nhân dân tệ (hơn 14,5 tỉ USD).
Những chi tiết trên chứng tỏ kế hoạch “xử” ông Chu rất quy mô và kín kẽ. Vấn đề còn lại là “sếp Khang” lừng lẫy một thời sẽ lãnh án tù như đồng minh Bạc Hy Lai hay phải đối mặt với án tử. Ông Trọng Duy Quang, học giả Hoa kiều sinh sống ở Đức, nhận định với tờ Đại Kỷ Nguyên rằng ông Chu có khả năng nhanh chóng bị kết án tử.
“Ông Chu Vĩnh Khang là một hình mẫu phản diện” - chuyên gia về Trung Quốc Joseph Fewsmith của Trường ĐH Boston (Mỹ) cho biết. Thế nhưng, chuyên gia này nhận định thanh lọc quan tham ở diện rộng không phải là cách chống tham nhũng lâu dài.
“Ngắm” ông Giang Trạch Dân
Ông Chu Vĩnh Khang là “con hổ” lớn nhất sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng. Tuy nhiên, tạp chí Tài Kinh dẫn lời ông Mao Chiêu Huy của Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc nhận định cuộc điều tra ông Chu không đặt dấu chấm hết cho chiến dịch mà sẽ mở đường tấn công những mục tiêu lớn hơn.
Theo học giả Hoa kiều Trọng Duy Quang, nhân vật đang trong tình trạng nguy hiểm là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Nghi ngờ này được củng cố khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CDIC) cử nhóm điều tra đến Thượng Hải, căn cứ quyền lực của ông Giang, ngay sau thông báo điều tra ông Chu hồi tháng 7.
Các nguồn tin của Reuters cho hay ông Giang cùng cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gật đầu cho điều tra Chu Vĩnh Khang. Đã xuất hiện nhận định chiến dịch chống tham nhũng thực chất là nhằm loại bỏ các nguy cơ chính trị, qua đó giúp sức cho quá trình tập trung quyền lực cao độ của ông Tập Cận Bình.
HUỆ BÌNH
Theo NLĐO
No comments:
Post a Comment