Saturday, December 6, 2014

Trung Quốc không thể thống trị châu Á

(PL)- Yếu tố cốt lõi của lãnh đạo là phải bảo đảm an ninh khu vực.
Sự cạnh tranh gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã lan sang vũ đài kinh tế. Trong khi Mỹ thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Trung Quốc, Bắc Kinh lại đề ra chiến lược mới lấy sức mạnh kinh tế thống lĩnh khu vực.
Trước đây, Trung Quốc thường dùng các kênh song phương để xây dựng các mối quan hệ và ảnh hưởng. Nay Trung Quốc đã chuyển dần sang các sáng kiến đa phương.
Bằng chứng như thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á trị giá 50 tỉ USD và Quỹ “Con đường tơ lụa” trị giá 40 tỉ USD. Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận từ các nhà lãnh đạo APEC tiến tới nghiên cứu thành lập Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) trong hai năm tới.
TS Darren Lim ở ĐH Princeton (Mỹ) nhận định trên tạp chí The Diplomat (Nhật) rằng các sáng kiến hợp tác kinh tế kể trên của Trung Quốc có khả năng làm rúng động nền tảng trật tự khu vực do Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Bắc Kinh đang quay trở lại mặt trận thương mại đa phương và rõ ràng đây là cách tiếp cận đa phương chiến lược của Trung Quốc.
Cảnh sát được tăng cường từ tháng 5 ở khu tự trị Tân Cương. Ngày 29-11 mới xảy ra vụ tấn công khủng bố làm 15 người chết, 14 người bị thương. Ảnh: AP
Dù vậy, TS Darren Lim bình luận chắc chắn Trung Quốc không thể lãnh đạo châu Á bằng chiêu bài ngoại giao kinh tế.
Lâu nay, thành tựu lớn nhất của Mỹ ở châu Á là lãnh đạo mà không đe dọa đến lợi ích cốt lõi về chủ quyền, an ninh và tự chủ. Liên minh của Mỹ cũng là một thành phần quan trọng không chỉ bảo đảm chống lại đe dọa từ bên ngoài mà còn giúp Mỹ quản lý các quan hệ song phương.
Nói chung sức mạnh của Mỹ có thể dự đoán và thân thiện. Các nước trong khu vực phát triển ổn định, chắc chắn và có qua có lại theo một trật tự hiện có. Vì lẽ đó, các nước sẽ phản đối vai trò lãnh đạo của một cường quốc nào đó nếu các nước cảm thấy không an toàn. Trong khi đó, Trung Quốc đang làm nhiều nước trong khu vực lo lắng qua hành động leo thang trong tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông.
TS Darren Lim nhận xét nếu mong muốn giữ vai trò lãnh đạo ở châu Á, Trung Quốc cần thuyết phục các nước láng giềng rằng Bắc Kinh không đe dọa đến lợi ích an ninh cơ bản. Nói tóm lại, hào phóng về kinh tế không thể mua được vị thế lãnh đạo. Các ưu đãi kinh tế có thể là cách tốt để khởi đầu chỉnh đốn chính trị nhưng chưa đủ để trở thành lãnh đạo trong khi yếu tố cốt lõi của lãnh đạo là bảo đảm an ninh.
Trong khi đó, giữa tháng 11, tổ chức nghiên cứu về thách thức an ninh Kokoda (Úc) đã công bố báo cáo quân sự ghi nhận Trung Quốc sẽ không bao giờ lấn át được Mỹ. Báo cáo do GS Paul Dibb ở ĐH Quốc gia Úc và TS John Lee ở Viện Hudson (Mỹ) biên soạn.
Báo cáo nhận định Trung Quốc chưa đủ thiết bị hay kinh nghiệm để gây ra mối đe dọa lớn. Tàu chiến của Trung Quốc sẽ dễ dàng bị Mỹ hay Nhật ngăn chặn. Quân đội Trung Quốc không có kinh nghiệm tác chiến hiện đại, thiếu quân lực và huấn luyện.
Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như dân số già, bất bình đẳng thu nhập, bất ổn chính trị, tình trạng xã hội và kinh tế mong manh, thiếu bạn bè và đồng minh lớn.
Báo cáo còn mô tả Trung Quốc là cường quốc cô độc tại châu Á. Các nỗ lực bành trướng tại biển Đông hay các nơi khác của Trung Quốc chỉ khuyến khích các nước như Nhật, Ấn Độ và Mỹ xây dựng lực lượng cân bằng nhằm chống lại Trung Quốc.
Theo tổ chức Kokoda, không nước nào đánh giá thấp thách thức từ công tác hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đối với tình hình ổn định khu vực, tuy nhiên cũng không nước nào chịu thua kém Bắc Kinh.
 Chủ Nhật, ngày 7/12/2014 - 06:00
DUY KHANG

No comments:

Post a Comment