Wednesday, December 31, 2014

Việt Nam muốn kiến nghị với Trung Quốc nhắc nhở nhà thầu

HÀ NỘI (NV) - Đề nghị có vẻ ngược đời này là của Cục Quản Lý Xây Dựng và Chất Lượng Công Trình Giao Thông sau khi nhà thầu Trung Quốc thi công tuyến metro Cát Linh-Hà Đông lại gây tai nạn. 


Hiện trường vụ sập giàn giáo tại công trường xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Đông. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Rạng sáng 28 tháng 12, giàn giáo trong công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Đông, ở đoạn sát Bến Xe Hà Đông đột nhiên sụp xuống lúc đang đổ bê tông. May mắn là tai nạn xảy ra vào lúc rạng sáng, đường chưa đông người qua lại nên không có tổn thất nhân mạng. Sắt thép, bê tông chỉ đè nát phần đầu của một chiếc taxi vừa trờ tới. Tài xế taxi và ba hành khách trong xe không bị thương. Theo một số chuyên gia, giàn giáo sập do bị dịch chuyển lúc đang đổ bê tông.

Trước nữa, vào hạ tuần tháng 11, khi xây dựng một nhà ga trong tuyến metro Cát Linh-Hà Đông ở đoạn chạy qua quận Thanh Xuân, do cẩu bị đứt cáp, ba thanh dầm bằng thép đã rớt xuống đường, đè chết một người và làm hai người trọng thương. Lúc đó, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đã ra lệnh cho nhà thầu Trung Quốc tạm ngưng thi công để kiểm tra toàn bộ qui trình giám sát-bảo đảm an toàn. Nửa tháng sau, nhà thầu Trung Quốc được phép tiếp tục thi công và chỉ trong hai tuần lại gây thêm tai nạn khác.

Về nguyên tắc, quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu không liên quan tới bang giao giữa các quốc gia, thành ra việc Cục Quản Lý Xây Dựng và Chất Lượng Công Trình Giao Thông, đề nghị bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam gửi công hàm cho Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Việt Nam, yêu cầu “chấn chỉnh” nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện tuyến metro Cát Linh-Hà Đông là điều khác thường.

Dự án metro Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội, có chiều dài chỉ 13 cây số, lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn dở dang. Nhà thầu Trung Quốc-phía được chọn thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và xây dựng tuyến metro này đã đòi nâng vốn đầu tư từ 553 triệu Mỹ kim lên 892 triệu Mỹ kim. Nếu Việt Nam đồng ý thì đến... tháng 6 năm 2015, Việt Nam mới... có thể khai thác tuyến metro Cát Linh-Hà Đông!

Hồi tháng 4 vừa qua, công chúng và báo giới Việt Nam từng lên tiếng chỉ trích kịch liệt việc Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam tán thành yêu sách của nhà thầu Trung Quốc: Đòi nâng vốn đầu tư của dự án metro Cát Linh-Hà Đông lên gần gấp đôi (từ 552 triệu Mỹ kim lên 891 triệu Mỹ kim).

Lý do phía nhà thầu Trung Quốc đòi tăng vốn đầu tư vì có nhiều “khoản phát sinh” trong chi phí xây dựng (tăng thêm 221 triệu Mỹ kim), chi phí giải phóng mặt bằng (tăng thêm 25 triệu Mỹ kim), chi phí thiết bị (tăng thêm 20 triệu Mỹ kim),...

Trong khi một viên phó thủ tướng của Việt Nam tên là Hoàng Trung Hải, chỉ yêu cầu Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm vụ chi thêm 339 triệu Mỹ kim cho nhà thầu Trung Quốc, đồng thời yêu cầu các cơ quan có liên quan khác như Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư làm việc với Trung Quốc để “bổ sung nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho phần vốn tăng thêm của dự án” thì nhiều chuyên gia khẳng định, việc đáp ứng yêu cầu vừa kể của nhà thầu Trung Quốc là “không thể chấp nhận được.”

Lúc đó, ông Nguyễn Đình Thám, một giảng viên của Đại Học Xây Dựng Hà Nội khẳng định: Không có cơ sở để tính “giá đội thầu” lên tới gần 100% tổng mức đầu tư ban đầu của dự án.

Ông Thám dẫn Luật Xây Dựng (quy định nhà thầu chỉ được điều chỉnh vốn đầu tư dự án với mức tăng tối đa 10% tổng mức đầu tư) để chứng minh cho nhận định của ông. Theo ông Thám, nếu việc điều chỉnh vốn đầu tư dự án tăng quá 10% tổng mức đầu tư, phải thẩm định lại dự án và việc tăng thêm vốn chỉ được chấp nhận khi điều đó có lợi cho nhà đầu tư (trong dự án này là phía Việt Nam).

Lúc đầu, tổng vốn đầu tư cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là 552 triệu Mỹ kim và Việt Nam vay của Trung Quốc 419/552 triệu Mỹ kim này. Nếu chấp nhận tăng thêm 339 triệu Mỹ kim theo đòi hỏi của nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải vay thêm Trung Quốc khoản tiền đó. Theo thông lệ, nợ càng nhiều thì sức ép càng lớn và càng dễ nhương bộ.

Nhận xét về lý do khiến nhà thầu Trung Quốc yêu cầu tăng vốn, ông Nguyễn Đình Thám bảo rằng, việc xin điều chỉnh tổng vốn đầu tư với lý do chi phí thiết bị xây dựng tăng là “không thể chấp nhận” bởi chi phí đó đã được tính khi bỏ thầu, thành ra không thể điều chỉnh.

Một chuyên gia giao thông tên là Nguyễn Xuân Thủy, công khai bày tỏ băn khoăn vì chi phí thực hiện dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông quá đắt. Ông Thủy bảo rằng, trên thế giới, chi phí đầu tư trung bình cho đường sắt chạy ở trên cao trong đô thị chỉ khoảng 20 triệu đến 30 triệu Mỹ kim/km. Nếu tổng vốn đầu tư được nâng lên theo yêu cầu của nhà thầu Trung Quốc thì mỗi cây số đường sắt trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông ngốn gần 70 triệu Mỹ kim. Cao hơn gấp đôi là quá phi lý.

Các chuyên gia không đồng tình còn vì chính quyền vay nhưng dân chúng phải trả và họ cùng thắc mắc là tại sao lại có “cơ sự thế này” nhưng không ai màng đến trách nhiệm.

Chưa rõ thỏa thuận vay tiền của Trung Quốc và chọn nhà thầu lắt léo như thế nào để chính quyền Việt Nam phải lien tục nhượng bộ dù nhà thầu không tôn trọng hợp đồng và cuối cùng, phải đề nghị cơ quan ngoại giao đại diện Trung Quốc tại Việt Nam “chấn chỉnh” giùm. (G.Đ)
12-31- 2014 1:56:48 PM

No comments:

Post a Comment