Lợi dụng lòng thương của nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ dễ mủi lòng, một số phụ nữ đã mang chính con đẻ của mình để đi xin tiền. Đó là thực trạng đau lòng đang diễn ra trên đường phố TPHCM.
Khoảng 11h trưa ngày 23.12, tại ngã tư Lạc Long Quân – Âu Cơ (quận 11 và quận Tân Bình) xuất hiện một phụ nữ ăn xin, bế trên tay 1 bé trai khoảng hai tuổi liên tục tỏ vẻ đau khổ để xin tiền của người đi đường. Cháu bé được người phụ nữ ẵm ngửa trên tay.

 Những đứa trẻ bị lợi dụng để đi ăn xin 
Người phụ nữ này tự nhận mình là mẹ đẻ của cháu bé, trạc 40 tuổi, đội chiếc nón lá úp sụp xuống lút mặt. Mỗi khi có đèn đỏ trên đường Âu Cơ, người phụ nữ lại chìa chiếc nón lá ra xin tiền. Rất nhiều người nhìn thấy như vậy nên đã không cầm được lòng, bỏ tiền cho cháu bé, người ít thì cho vài ngàn, người nhiều lên tới cả trăm ngàn. Do ngồi ngay ngã tư chỗ đèn đỏ, đông người qua lại nên người phụ nữ được rất nhiều người cho tiền.
Một bảo vệ quán cà phê gần đây cho biết người phụ nữ này xuất hiện hai ngày nay. “Không biết đứa bé có uống thuốc gì không mà nó cứ ngủ li bì. Khi nào xin tiền xong người phụ nữ mới đánh thức nó dậy bế về” – người này thắc mắc.
Sáng 23.12, tại đường Châu Văn Liêm (quận 5) xuất hiện 6 đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác đứng tại chỗ dừng đèn đỏ ngửa nón xin tiền. Cách đó khoảng 100 mét có một phụ nữ luôn đảo mắt quan sát. Đến gần trưa, người phụ nữ này gọi mấy đứa trẻ lại một con hẻm gần đó kiểm, đếm tiền. Tiếp đó, người này đi mua cơm cho mấy đứa trẻ ăn. Tới khoảng 13h, người phụ nữ dẫn đám trẻ tới đường Hải Thượng Lãn Ông rồi chỉ dẫn kế hoạch ăn xin tiếp.
Khoảng 15h cùng ngày, cũng trên con đường này đoạn giao đường Nguyễn Trãi, chúng tôi bắt gặp một bé gái khoảng 6 tuổi cùng một bé gái khác khoảng 2 tuổi ngồi trên miếng áo mưa lót sẵn, giơ chiếc nón lá xin tiền. Rất nhiều người đi đường khi dừng đèn đỏ đã lấy tiền bỏ vào nón cho bé gái. Đứa bé gái nhỏ tuổi ngủ thiếp trên tay chị lúc nào không hay. 
Những người dân gần đây cho biết, bất kể trời nắng hay mưa, hai đứa trẻ này cũng ngồi tại ngã tư này xin tiền. “Những hôm trời mưa to, đứa lớn mặc áo mưa che cho đứa nhỏ. Nhìn thấy ai cũng thương. Những hôm đó chúng nó xin được nhiều tiền lắm. Đến tối có người phụ nữ tới dẫn chúng nó đi nhưng không biết dẫn đi đâu” – một người dân sống gần đây cho biết.
Nói mình bị "si-đa" để xin tiền
Lâu nay, những người dân ở phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM đều e ngại về một người phụ nữ ăn xin tự nhận mình bị si-da. Người phụ nữ gầy gầy, tóc tai bù xù, áo quần xộc xệch, từ đầu giờ tối đến 11 giờ đêm cứ la cà hết các quán xá lề đường, áp sát vào người dân để xin tiền. 
Chiêu mà người phụ nữ này dùng là nói mình bị AIDS giai đoạn cuối để ép người dân. “Nhìn bộ dạng đó, kèm theo câu “dọa” đó thì sao mình không dám cho. Không cho, họ cứ áp sát vào người mình. Khi mình phản ứng thì người phụ nữ này nói rằng “cứ bị si-đa đi rồi biết”, nghe vậy ai cũng khiếp”, bà Loan, ngụ phường 2, quận Phú Nhuận kể.
 Nhiều người dùng trẻ con để làm công cụ đi ăn xin
Người dân TP bấy lâu nay không khỏi bức xúc khi thấy nhiều người ôm con nhỏ phơi nắng phơi mưa, giả danh tu sĩ, mang bầu, tật nguyền để đi xin, lợi dụng lòng tốt của mọi người. "Ai thực sự có bệnh thì đưa đến cơ sở chữa bệnh, ai không có bệnh mà giả dạng thì phải xử lý, ai có nhà, có quê thì cho họ về quê. Tôi hoan nghênh quyết định này đưa người lang thang, ăn xin vào các cơ sở xã hội”, bà Loan nói.
“Nhiều khi thấy họ tay chân đầy đủ, khỏe mạnh mà không chịu đi làm, cứ đi xin, nhiều người ăn xin nằm trong đường dây chăn dắt nữa. Nói thật, tôi sợ khi đi ngồi ở vỉa hè lắm, thế nào cũng bị người ăn xin, người bán hàng rong... chèo kéo, làm phiền”, anh Toàn, ngụ quận 3, cho biết.
Theo Quyết định 49/2014/QĐ-UBND của UBND TPHCM thì người đi ăn xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát, giả danh tu sĩ Phật giáo để đi khất thực hoặc người đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh kẹo... đều bị xem xét để đưa vào cơ sở xã hội. Nếu là tu sĩ khất thực thì phải có giấy chứng nhận của cơ quan Giáo hội Phật giáo VN có thẩm quyền. Người sinh sống nơi công cộng được xét theo tiêu chí mọi sinh hoạt hằng ngày (tắm, giặt, ăn, ngủ) đều diễn ra nơi công cộng như vỉa hè, gầm cầu, quảng trường, công viên, bến xe, trạm xe buýt... Riêng người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc bệnh được đưa về Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần.
Chính quyền kêu gọi không cho tiền người ăn xin
Quyết định 49/2014/QĐ-UBND, UBND TPHCM giao Sở LĐTBXH tăng cường khảo sát trên các tuyến đường trọng điểm, khu vực thường có nạn xin ăn để phối hợp địa phương tập trung đối tượng, đồng thời có chế độ hỗ trợ cho người dân khi họ phát hiện người xin ăn và thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng. 
Lực lượng Thanh niên xung phong phối hợp với Công an TP và Sở LĐTBXH phát hiện và ngăn chặn các trường hợp ăn xin, bán hàng rong, có hành vi đeo bám, gây rối làm phiền khách du lịch và các hành vi vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, đặc biệt tại các khu vực trung tâm trên địa bàn quận 1, những nơi tập trung khách du lịch.
 UBND TP vận động người dân không cho tiền người ăn xin mà báo ngay với chính quyền 
Ban Tôn giáo TP phổ biến chủ trương đến giáo dân, phật tử, người có đạo “không cho tiền người ăn xin”. Đồng thời, Thành Hội Phật giáo có văn bản hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực trên địa bàn TP, tránh tình trạng giả danh tu sĩ lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cũng yêu cầu 24 quận huyện công khai đường dây nóng để tiếp nhận người lang thang, ăn xin. Quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM về việc còn người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn mình quản lý. Theo ông Hứa Ngọc Thuận, tính nhân văn của công tác này là trước mắt không để người ăn xin ở ngoài đường sống lay lất mà đưa họ vào trung tâm hỗ trợ xã hội có chỗ ăn, chỗ ở ổn định.
Từ đó, sẽ phân loại những người có gia đình ở các địa phương để thông báo gia đình tiếp nhận người thân của mình. Còn những người không có người thân sẽ được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm bảo trợ xã hội của TP.
Nhiều người dân cho biết sau khi nghe tin từ ngày 28.12, TPHCM sẽ đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội thì rất hoan nghênh và ủng hộ.
“Nhiều năm trước tôi thường cho tiền người ăn xin hoặc giúp đỡ họ nhưng gần đây thì không. Bởi vì càng cho họ thì họ càng ỷ lại và lực lượng này ngày càng đông đảo. Nên tập trung họ lại, tạo công ăn việc làm cho họ hoặc thâm chí kêu gọi người dân đóng góp tiền nuôi họ nều cầu thiết. Là một người dân tôi rất hoan nghênh và mong các cơ quan chức nặng đã làm là làm triệt để” – chị Nguyễn Thị Oạnh, ngụ quận 5 chia sẻ.
Cùng quan điểm chị Phạm Thị Hà ngụ quận 5 cho cho biết: “Tôi rất ủng hộ chủ trương này, nó góp phần làm cho cuộc sống tại TP văn mình hơn. Nên tập trung họ vào những trung tâm nhân đạo xã hội. Khi ấy, những ai có tấm lòng từ thiện thật sự sẽ có cơ hội để mở rộng lòng hảo tâm của mình mà không sợ bị lừa dối. Còn với những kẻ lợi dụng những mảnh đời khốn khó để trục lợi, thiết nghĩ nên có điều luật trừng phạt thật nặng. Có như vậy mới giảm mạnh những hình ảnh không đẹp thời buổi văn minh hiện đại”.

 Nhiều trẻ em ăn xin nằm trong đường dây chăn dắt