Tuesday, December 23, 2014

Sự kiện bất thường trong hàng không Việt Nam tăng gấp đôi

HÀ NỘI 22-12 (NV) .- Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2014, tại Việt Nam có 71 sự kiện bất thường đe dọa an toàn hàng không, tăng gấp đôi so với năm ngoái (35 vụ). 


Hiện trường vụ trực thăng quân sự rơi tại huyện Thạch Thất Hà Nội, hồi tháng 7, khiến 17 người thiệt mạng. (Hình: Tuổi Trẻ)

Trong 71 vụ vừa kể có ba sự kiện bất thường được xếp vào loại “nghiêm trọng”, 8 sự kiện bất thường được xếp vào loại “uy hiếp cao an toàn bay” và 60 sự kiện bất thường được xem là “uy hiếp an toàn bay”.

Trong một cuộc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nói thêm, nếu tính cả những sự kiện bất thường không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hàng không thì tổng số sự kiện bất thường về hàng không trong năm 2014 là 311 vụ, tăng 129 vụ so với năm 2013.

Thống kê về sự kiện bất thường của Cục Hàng không Việt Nam xác định, tất cả các loại sự kiện bất thường đều tăng đáng ngại. Số vụ trục trặc do chim va vào máy bay tăng 23 vụ (năm 2014 có 37 vụ, năm 2013 chỉ có 14 vụ). Số sự kiện bất thường do con người, bao gồm cả hành khách gây ra trong năm nay tăng gấp chín lần so với năm ngoái (năm 2014 có 27 vụ, năm 2013 chỉ có 3 vụ). Số sự kiện bất thường lien quan đến kỹ thuật tăng hơn gấp đôi (năm 2014 có 143 vụ, năm 2013 chỉ có 83 vụ).

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam giải thích, thực trạng đáng ngại vừa đề cập, phần lớn là do số lượng phi cơ, số chuyến bay, giờ bay đều tăng từ khoảng 10% đến 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên thực tế hoạt động trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam cho thấy cách lý giải này là một lối ngụy biện thô thiển.

Năm nay, các nhân viên làm việc trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt là phi công và kiểm soát viên không lưu liên tục phạm những sai sót không thể tưởng tượng. Chẳng hạn phi công cho phi cơ đáp lộn phi đạo, không tuân lệnh kiểm soát không lưu nên phi cơ suýt đâm vào nhau, bấm lộn nút - kích hoạt toàn bộ hệ thống từ hàng không đến an ninh, quốc phòng của quốc gia phải báo động để đối phó với… không tặc. Hoặc nhân viên kiểm soát không lưu của Việt Nam liên tục ra huấn lệnh sai, khiến các phi cơ suýt đâm vào nhau, bấm lộn nút khiến phi cơ mất lien lạc với phi trường...

Có cả những sự kiện bất thường cho thấy khả năng phối hợp giữa các bộ phận hữu trách, từ chỉ huy đến thừa hành rất kém nên toàn bộ hệ thống chỉ biết phi cơ đáp lộn phi trường nhờ hành khách phát giác. Hay nhân viên kỹ thuật nhầm lẫn trong thao tác khiến hệ thống kiềm soát không lưu của phi trường Tân Sơn Nhất mất điện, không thể điều hành bay trong gần hai tiếng.

Chưa kể, hồi hạ tuần tháng trước, ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thú nhận, hệ thống cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của VATM vẫn như giai đoạn cuối thập niên 1990, chưa tiếp cận được trình độ tiên tiến trên thế giới.

Tổng Giám đốc VATM than rằng, nguồn nhân lực của cơ quan này hiện bất cập cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng, lẫn tính kỷ luật và mức độ chuyên nghiệp. Đã có không ít Kiểm soát viên không lưu cãi nhau, đánh nhau khi đang điều hành bay hoặc… bỏ trực. Đáng ngại là khối Kiểm soát không lưu có đến 40% nhân viên mà khả năng chỉ ở mức trung bình và yếu. Cả năng lực lẫn kinh nghiệm đều hạn chế, chưa theo kịp mức độ tăng trưởng hoạt động bay và tốc độ thay đổi của công nghệ, kỹ thuật.

Một điểm đáng ngại nữa được chính Tổng Giám đốc VATM cảnh báo là ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp của nhiều Kiểm soát viên không lưu còn hạn chế, chưa thấy hết được tầm quan trọng vốn là sự sống còn của VATM trong việc bảo đảm an toàn nên khi làm việc hết sức chủ quan. Ông Thắng than rằng, VATM thiếu đội ngũ có trình độ cao ở các lĩnh vực trọng yếu như tổ chức vùng trời, phân tích đánh giá và lập kế hoạch phát triển hệ thống.

Ông Thắng thừa nhận, thực trạng vừa kể một phần là do trước đây, trong một thời gian dài, việc đầu tư cho đào tạo, huấn luyện nhân lực chưa hợp lý. Lẽ ra phải từ 10% đến 15% chi phí đầu tư chung nhưng tại Việt Nam lại chưa tới 1%. Phần khác là do các tổng công ty quản lý cảng, quản lý bay  nhận toàn... con cháu!

Tuy chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng nhưng càng ngày, lĩnh vực hàng không Việt Nam càng nhiều scandal. Theo một vài tờ báo tại Việt Nam, những sự kiện bất thường đe dọa an toàn hàng không xảy ra thường xuyên nhưng thường xuyên bị ém nhẹm.

Mãi đến năm ngoái, Cục Hàng không Việt Nam mới bạch hóa. Tuy nhiên nỗ lực minh bạch trong thông tin về những trục trặc liên quan tới an toàn hàng không được nhận định, không phải vì thiện chí mà để né tránh trách nhiệm do bưng bít thông tin, bởi tính chất, mức độ của các trục trặc càng ngày  càng thường xuyên và nghiêm trọng, thảm họa hàng không có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.  

Tại Việt Nam, hàng không là một lĩnh vực mà công việc ổn định, lương cao, nhiều cơ hội để kiếm thêm thu nhập. Cách nay một vài thập niên, người ta chỉ chi tiền để được nhận vào các khóa đào tạo tiếp viên của trường hàng không.

Sau đó, chạy chọt đã trở thành chuyện phổ biến để được nhận vào các khóa đào tạo những loại việc khác trong trường này, kể cả đào tạo phi công và kiểm soát viên không lưu – những công việc đòi hỏi phải có thể lực và tư chất phù hợp.

Có vẻ như hậu quả của việc nhận hối lộ để tuyển chọn, đào tạo những nghề vốn rất đặc biệt, bởi liên quan đến sinh mạng hàng trăm người đang bộc lộ càng ngày càng rõ. (G.Đ)
12-22- 2014 2:13:09 PM

No comments:

Post a Comment