Tuesday, December 23, 2014

CSGT hóa trang tại quán nhậu: Bao Công thật, Bao Công giả?

(Baodatviet) - Nhiều người cho rằng việc CSGT hóa trang gần các quán nhậu không hợp lý, người dân làm sao có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

Mới đây CSGT Hà Nội cho biết sẽ hóa trang, mật phục tại những quán nhậu, quán bia hơi… có mang theo bộ đàm để kịp thời thông báo tới chốt của tổ công tác ở gần đó những trường hợp trực tiếp điều khiển phương tiện, sau khi sử dụng rượu, bia.
Liên quan đến vấn đề trên, nhiều người cho rằng việc đó vừa gây khó dễ cho người nhậu cũng như người kinh doanh.
Anh Nguyễn Lương (SN 1971, trú Hà Đông, Hà Nội) cho rằng việc CSGT hóa trang, mật phục tại các quán nhậu là không hợp lý, khiến cho người nhậu không còn vui vẻ khi nhậu.
"Thi thoảng mới vui bạn vui bè, uống hết cỡ với nhau mà lúc nào cũng đau đáu nghĩ mà say tý nữa bị công an túm cổ thì mất thêm tiền nữa. Tuy biết thế nhưng mà bạn bè gặp gỡ mà không hết mình thì không được. Từ nay anh em thích nhậu nhẹt cứ phải cẩn thẩn. Kiểu này làm về là ngoan ngoãn về nhà ăn cơm với vợ luôn", anh Lương chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo anh Lương tâm lý của người có hơi men trong người thường bốc đồng hơn, đã có men trong người thì nguy cơ bị phạt ở ngoài cũng kệ. Uống bia rượu vào rồi thì còn ai sợ hãi gì nữa, thấy một người mặc quần áo bình thường ra bảo là CSGT chẳng ai tin.
Người điều khiển phương tiện giao thông có biểu hiện sử dụng rượu bia bị CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện giao thông có biểu hiện sử dụng rượu bia bị CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn
Cũng đồng quan điểm với ý kiến trên, anh Thanh (SN 1983, trú Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ việc công an mặc thường phục để bắt phạt dân nhậu sợ không thực hiện được.
Theo anh Thanh, khi say rượu thường không nhận thức được, CSGT mặc bộ quần áo màu vàng chưa chắc đã nhận ra huống gì là CSGT mặc thường phục. Lúc say, CSGT hóa trang đi ra bắt người say chẳng khác như bắt cóc bỏ đĩa. Người trong trạng thái bình thường còn không phân biệt được đâu là công an thật, công an giả thì làm sao người say nhận ra.
“Ví dụ lúc dân nhậu đã say mèm ra về bị CSGT hóa trang bắt được mà người say lại chống cự bằng cách anh lấy cái gì để chứng minh anh là CSGT, lúc đấy CSGT xuất trình thẻ ngành ra với một người đã say thì liệu người này còn đủ tỉnh táo để đọc được không”, anh Thanh chia sẻ thêm.
Quán nhậu sẽ có tuyệt chiêu?
Trong khi đó, anh Hữu Thắng (SN 1971, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ “Công an mật phục nói thế thôi chứ làm sao mà làm hết được, chỗ người ta làm ăn bao nhiêu lâu, tự dưng đến mật phục bắt người nào có dấu hiệu nhậu say như thế thì còn làm ăn được gì. Nếu mà mật phục, hóa trang kiểu đấy chắc quán nhậu chẳng còn mấy khách".
Anh Thắng cũng cho rằng để bảo vệ việc làm ăn của mình chắc chắn các quán sẽ có biện pháp để cho dân nhậu tránh khỏi rắc rối.
Anh Quang (SN 1969, trú tại Thái Thịnh, Đống Đa) nghĩ rằng việc CSGT tăng cường xử phạt những người sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông là đúng. Tuy nhiên, có nhiều cách để xử phạt không nhất thiết cần phải hóa trang, mật phục tại quán nhậu để bắt dân nhậu như thế.
Theo anh Quang, việc công bố thông tin CSGT sẽ mật phục không chỉ các nhà hàng mà kể cả dân nhậu cũng có sẽ nghĩ ra cách đối phó. Bên cạnh đó, anh Quang cho rằng cứ làm việc đàng hoàng thì ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh.
"Vừa qua, đọc báo thấy nhiều trường trường hợp giả danh công an để lừa người dân, bây giờ CSGT hóa trang liệu có làm cho người dân tin được không, nhất là người đã có hơi men trong người. Hơn nữa, việc CSGT hóa trang liệu có xảy ra tình trạng thỏa thuận với người vi phạm hay không. Đây cũng là điểm đáng lưu ý", anh Quang chia sẻ.

No comments:

Post a Comment