HÀ NỘI 23-12 (NV) .- Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam dự tính đẩy tăng trưởng tín dụng vào năm tới “cao hơn một chút” so với năm 2014 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn với 6.2% trong năm 2015.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng. (Hình: Kinhdoanh.net)
Tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam tường thuật cuộc họp báo của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hôm Thứ Ba 23/12/2014 trình bày trong cuộc họp báo “tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2014 và định hướng năm 2015” của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN.
Theo những gì được trình bày trong cuộc họp báo thì “tính đến ngày 19/12/2014, tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối năm 2013; dự kiến đến hết năm nay (2014) sẽ tăng trưởng trên 12%.” Bà Hồng nói rằng “năm tới dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ ở khoảng 13% - 15%”.
Lời loan báo chính sách tín dụng của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đưa ra chỉ ít ngày sau cuộc khảo sát do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam thực hiện, báo động thực trạng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang chết dần.
Vừa phải cạnh tranh khốc liệt không những với hàng Trung Quốc, nay họ đang phải cạnh tranh cũng khốc liệt không kém với hàng hóa do các nước ASEAN khác sản xuất, đặc biệt là từ Thái Lan xâm nhập, và ngay cả các hãng sản xuất ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam. Vay tiền kinh doanh sản xuất thì bị đám ngân hàng lắc đầu. Phần lớn nguồn tín dụng trong nước chỉ dành cho đám quốc doanh “Lời giả lỗ thật”.
Khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam rất khó khăn không phải là chuyện mới mẻ gì. Cơ quan Phát triển LHQ, Ngân Hàng Thế Giới đã nhiều lần khuyến cáo chế độ Hà Nội đẩy mạnh hậu thuẫn cho họ để cứu nguy cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng không mấy tác dụng.
Trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, chủ một số doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn bảo rằng, so với năm trước, quy mô sản xuất của họ đã giảm thêm 20% và giá bán sản phẩm giảm khoảng 10%.
Ông Lê Minh Đức, chủ doanh nghiệp tư nhân Quang Minh, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, khẳng định, năng lực và kinh nghiệm của doanh nghiệp tư nhân Quang Minh không thua các công ty nhà nước nhưng họ chỉ có thể làm thầu phụ cho nhà thầu là doanh nghiệp quốc doanh hay doanh nghiệp ngoại quốc.
Ba trong năm doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ nhựa ở Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, Sài Gòn đã ngưng hoạt động. Ông Lê Hữu Đào, chủ Công ty Vĩnh Lộc Phát, nhận định, cuộc chơi càng ngày càng nghiệt ngã.
Tuy năng lực sản xuất không hơn những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam song những doanh nghiệp Đài Loan sản xuất đồ nhựa ở Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, Sài Gòn được chính phủ Đài Loan hỗ trợ mạnh mẽ còn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì không. Ông Đào khẳng định, từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp của ông chưa bao giờ nhận được sự ưu đãi hay hỗ trợ nào từ nhà nước Việt Nam.
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chiếm tới 91% và tạo ra hàng triệu việc làm; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, “hầu hết vẫn gặp phải một số giới hạn cố hữu như khó khăn trong tiếp cận chính sách, ưu đãi, cơ sở sản xuất và đặc biệt, tiếp cận vốn vay.” Thông tin này được đưa ra ngày 19/11/2014 vừa qua trong một cuộc hội thảo về nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho giới doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, theo tờ Kinh Doanh và Pháp Luật đưa tin.
Nguồn tin lập lại các con số từng được thống kê nói chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí vốn rất cao.
Với các khó khăn chồng chất và với chính sách tín dụng của nhà cầm quyền như vậy, hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa theo nhau chết được thống kê trên các báo cáo.
Chỉ trong Tháng 8-2014, Tổng Cục Thống Kê của Bộ Công Thương cho hay “Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước là 6,681 doanh nghiệp, tăng 35.5% so với tháng trước”. (TN)
12-23-2014 4:26:07 PM
No comments:
Post a Comment