Dù người dân và chính quyền địa phương dùng mọi biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng sạt lở bờ biển ở khu vực miền Trung vẫn cứ xảy ra, đe dọa tính mạng người dân
Những ngày qua, người dân vùng biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi phải chống chọi với tình trạng sạt lở bờ biển. Đất đá, cọc tre, bê tông... được người dân đổ ra kè bờ biển nhưng từng vạt vườn vẫn bị cuốn trôi, cây trơ gốc, nhà giật tung, tạo thành những vực đất rộng toác...
Chạy trốn con sóng
Những năm trước, nơi đây cũng từng bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) cho biết: “Xã Nghĩa An diện tích nhỏ, dân đông nhưng năm nào biển cũng “ngoạm” hết hàng trăm hécta đất, hàng chục căn nhà nên ai cũng nơm nớp lo sợ khi đến mùa mưa bão”.
Tương tự, hơn 300 hộ dân ở thôn Thanh Thủy, xã Phước Thiện, huyện Bình Sơn cũng đứng ngồi không yên khi sóng biển nuốt chửng gần hết thôn, cướp đi sinh mạng của người dân. Tình trạng sạt lở năm nào cũng xảy ra nhưng dường như các phương án di dời dân, chống sạt lở vẫn không hiệu quả. “Năm nào cũng thế, biển cứ đánh sạt chỗ này, bồi lấp chỗ khác khiến nơi thì mất nhà mất đất, nơi thì bị cát biển vùi lấp. Đã bao nhiêu năm chúng tôi cứ chạy trốn con sóng. Mỗi mùa mưa bão, biển cuốn mất đất thì lại di dời, khổ trăm bề, không làm ăn gì được” - ông Nguyễn Văn Năm (ngụ thôn Thanh Thủy) ngán ngẩm.
Bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) thơ mộng ngày nào giờ bị sóng đánh tan hoangẢnh: Trần Thường
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 25 xã ven biển và một số xã đảo phải chịu tác động trực tiếp của thiên tai, bão tố. Khoảng 6.000 người dân hiện sống trong vùng có nguy cơ sạt lở...
Loay hoay chống chọi
Những ngày đầu đông, đến vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi không tin vào mắt mình khi bờ biển thơ mộng ngày nào đã bị sóng đánh tơi tả, sạt lở tan hoang. Nhiều rặng dừa bật gốc, ngã xuống biển. Nhiều bãi đất phía sau các khách sạn bị sóng biển “ngoạm” sâu hàng chục mét, lộ ra kè bê-tông nham nhở. Người dân nơi đây cho biết những trận mưa lớn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua làm bờ biển bị xâm thực ngày càng sâu. Đất đai, vườn tược bị sóng cuốn ra biển diễn ra từng ngày, từng giờ.
Ðể giảm thiệt hại cho các công trình và chống sạt lở đất, UBND TP Hội An kêu gọi người dân, các doanh nghiệp huy động lực lượng, phương tiện triển khai các biện pháp cấp bách như đóng trụ, dùng bao cát chắn sóng; đồng thời, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đầu tư gần 20 tỉ đồng thuê các đơn vị từ TP HCM đến kè cọc sắt dọc bờ biển. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn không có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều năm qua, TP Hội An vẫn loay hoay chống chọi với từng con sóng. Không biết bao nhiêu tiền đã được TP sử dụng vào việc xây dựng kè biển nhưng cách làm chắp vá đã không có mấy tác dụng.
Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án kè chống xâm thực bờ biển Hội An dài 7,6 km, tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng. Thế nhưng, do thiếu vốn nên đến năm 2012 mới chỉ đưa vào sử dụng tuyến kè 714,2 m (kinh phí hơn 50 tỉ đồng). Trong năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam giao TP Hội An tiếp tục xây dựng đoạn kè với tổng chiều dài 137,4 m (đoạn từ khu resort Fusion Alya đến khu resort Vinpearl Hội An). Khi tuyến kè này vừa hoàn thành thì đoạn bờ biển khác lại bị sạt lở. Cùng với đó, các khách sạn, khu du lịch dọc bờ biển Cửa Đại mạnh ai nấy xây kè, mỗi khách sạn xây kè một kiểu khiến tình trạng sạt lở tại bờ biển Cửa Đại bắt đầu diễn ra với tốc độ chóng mặt, đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân.
Tìm cách “cứu” TP Hội An
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết với mức độ xâm thực như hiện nay và dự báo ngày càng gia tăng cường độ, ước tính đến năm 2020 sẽ có gần 25.000 người (chiếm gần 30% dân số TP Hội An) bị mất đất canh tác, mất nhà do nước biển dâng cao. “Ngày 25-12, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo với các nhà khoa học nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu để “cứu” TP Hội An” - ông Giảng nói.
No comments:
Post a Comment