So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng hơn 22%. Ðáng nói là trong 11 tháng qua, Việt Nam đã chi hàng tỉ Mỹ kim để nhập cảng từ Trung Quốc những mặt hàng mà Việt Nam vốn không hề thiếu.
Một nông dân ở xã Ðạ Ròn, huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng, mang cà chua ông trồng đổ ra đường vì không có người mua. Tình trạng này xảy ra nhiều nơi với đủ loại rau trái, trong khi Việt Nam chi khoảng 350 triệu Mỹ kim để nhập cảng rau trái của Trung Quốc. (Hình: Tuổi Trẻ)
Chẳng hạn Việt Nam đã chi 340 triệu Mỹ kim để nhập rau trái từ Trung Quốc, đồng thời chi thêm 400 triệu Mỹ kim để nhập cảng thủy sản từ Trung Quốc. Ðáng lưu ý là trong danh mục hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc có cả... gạo, dù Việt Nam là quốc gia xuất cảng gạo nhiều nhất thế giới. Trong 11 tháng qua, Việt Nam đã chi đến 800 triệu Mỹ kim để nhập cảng gạo của Trung Quốc.
Cần nhắc lại rằng, trong 11 tháng vừa qua, nông dân Việt Nam tiếp tục khốn khó vì không bán được nông sản. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng giá lúa thấp hơn giá thành vẫn xảy ra vào thời điểm thu hoạch, thành ra thảm trạng càng được mùa càng khánh kiệt vì tiền bán lúa không đủ bù các loại chi phí vẫn tiếp diễn. Ðể cứu nông dân, chính quyền Việt Nam vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỉ nhằm trợ giá.
Tương tự, nông dân trồng rau trái ở nhiều vùng cũng phá sản vì rau trái không có người mua. Nhiều nơi, rau trái đành đổ bỏ hoặc cho trâu bò ăn.
Cũng trong 11 tháng vừa qua, Việt Nam đã chi hơn 750 triệu Mỹ kim để nhập khoai mì và các sản phẩm làm từ khoai mì của Trung Quốc. Trong khi đó, phong trào “người cày bỏ ruộng” vẫn lan rộng tại miền Bắc và phía Bắc miền Trung của Việt Nam vì nông dân không thể sống được nhờ trồng trọt.
Tuy nhiên, nguyên liệu, phụ liệu do Trung Quốc sản xuất vẫn dẫn đầu trong số các mặt hàng mà Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam.
Tuy năm nay là năm mà quan hệ Việt-Trung trở thành căng thẳng chưa từng thấy kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ song kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2013.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ 2004, song trong quan hệ thương mại Việt-Trung, Việt Nam luôn lãnh phần thua thiệt. Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu Mỹ kim hồi 2001, thành 16 tỷ Mỹ kim vào năm 2012 và nhập siêu càng ngày càng lớn.
Theo thống kê, từ 2010 đến nay, kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc chiếm từ 25%-28% tổng kim ngạch nhập cảng hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, 60% là hàng hóa trung gian, 20% là máy móc thiết bị và 20% còn lại là hàng tiêu dùng.
Hàng hóa trung gian của Trung Quốc mà Việt Nam nhập cảng không phải chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc đặt tại Việt Nam, mà còn là nguồn nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng giúp các doanh nghiệp của Việt Nam duy trì hoạt động.
Cũng vì vậy, các chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu Trung Quốc ngưng xuất cảng những nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu đó, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ tê liệt. Kinh tế Việt Nam sẽ suy sụp, bởi đã bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc. Ðó cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo rằng, Trung Quốc có thể dùng việc cắt đứt quan hệ kinh tế-thương mại để gây áp lực chính trị với chính quyền Việt Nam.
Bên cạnh những cảnh báo về khả năng kinh tế suy sụp do lệ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu của Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cảnh báo thêm về hiểm họa tiềm ẩn do phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc khi có quá nhiều dự án, công trình tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ Trung Quốc.
Tuy công nghệ Trung Quốc nổi tiếng vì lạc hậu, hoạt động không ổn định, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu nên sức cạnh cạnh tranh của sản phẩm thấp, chưa kể còn gây ô nhiễm môi trường, hủy diệt môi sinh, song phần lớn dự án, công trình như nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân bón, bauxite,... các dự án hạ tầng liên quan cảng, đường sắt trên cao,... tại Việt Nam vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện bằng công nghệ Trung Quốc. (G.Ð)
12-11-2014 4:43:15 PM
No comments:
Post a Comment