VRNs (12.12.2014) – Sài Gòn – Sáng nay, ngày 12.12.2014, sẽ diễn ra phiên tòa phúc thẩm của bà Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh, tại tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm ngày 26.08.2014, Tòa kết án bà Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù giam vì bị xem là “bị cáo chính”, ông Văn Minh 2 năm 6 tháng tù giam và cô Thúy Quỳnh 2 năm tù giam theo Điều 245 BLHS “gây rối trật tự công cộng”.
Ngay sau đó, tất cả ba người này đều kháng cáo kêu oan.
Những ngày qua, VRNs được đọc ‘biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm” vụ án cũng như đơn kháng cáo kêu oan của bà Hằng, cô Quỳnh và ông Minh, sau đó chúng tôi có một vài thắc mắc liên quan đến nội dung biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm và nội dung kháng cáo.
Sau đây, xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Ls Trần Thu Nam, – một trong những Luật sư tham gia bào chữa cho bà Bùi Thị Minh Hằng, được thực hiện vào ngày 10.12 vừa qua.
Huyền Trang, VRNs: Dạ xin chào Ls Trần Thu Nam, trước hết, xin Luật sư có thể tóm tắt lại vụ án và diễn biến phiên Tòa sơ thẩm vào ngày 26.08.2014 vừa qua ạ?
Ls Trần Thu Nam: Đây là một vụ án bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng do Tòa án tỉnh Đồng Tháp xét xử đối với ba bị cáo là chị Bùi Hằng, ông Văn Minh và chị Thúy Quỳnh. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Tòa án đã đưa ra bản án cho ba bị cáo này đã có hành vi ‘gây rối trật tự công cộng’. Sau khi tuyên án cả ba bị cáo đều chống án với lý do chưa làm rõ được tất cả các vấn đề về pháp lý, họ đều là những người vô tội và không thực hiện các hành vi phạm tội đó. Tòa phúc thẩm Nhân dân Tối cao Tp.HCM đã thụ lý và quyết định xét xử vào ngày 12 tháng 12. Đó là diễn biến sơ lược của vụ án.
Tại phiên tòa sơ thẩm, tất cả 4 luật sư bào chữa cho ba bị cáo đều đưa ra quan điểm lập luận cho rằng, vụ án này thiếu nhiều lời khai của các nhân chứng, các chứng cứ có trong hồ sơ nếu áp dụng khoa học xét xử thì đều khẳng định ba bị cáo đều không có tội và phải được thả tự do ngay tại tòa. Tuy nhiên, những lời bào chữa của các Luật sư không được Tòa án tỉnh Đồng Tháp chấp nhận. Do vậy có phiên tòa tới đây để xét xử ba người này.
Huyền Trang, VRNs: Dạ thưa Luật sư, Luật sư vừa khẳng định, có nhiều nhân chứng không được triệu tập tham dự trong phiên tòa sơ thẩm, thì điều này thể hiện rõ trong Biên bản phiên Tòa sơ thẩm mà VRNs đã đọc và nhận thấy toàn bộ quý Luật sư bào chữa cho các bị cáo đều yêu cầu hoãn phiên tòa vì thiếu nhiều nhân chứng. Thậm chí có Luật sư còn đề nghị “cho các nhân chứng đang ở bên ngoài vào tham dự phiên tòa” nhưng Tòa vẫn tiến hành xét xử. Vậy thưa Luật sư, ông có nhận định như thế nào về việc này?
Ls Trần Thu Nam: Có thể khẳng định phiên tòa sơ thẩm vừa qua thiếu sót rất nhiều vấn đề, có nhiều uẩn khúc mà chúng tôi không hiểu được. Việc xét xử vụ án có những phần khác nhau, có những quy trình khác nhau tại phiên tòa. Theo quy định của khoa học xét xử, phần xét hỏi là một quá trình điều tra công khai, xác định làm rõ, kiểm tra lại tính hợp pháp của toàn bộ hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra và cơ quan truy tố đã làm đúng chưa; những chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội đã hợp pháp và đã thu thập đầy đủ hay chưa; việc đánh giá chứng cứ để đưa ra một cáo trạng và buộc tội một con người đã làm đúng quy trình của pháp luật và đã đủ yếu tố cấu thành tội hay chưa. Đấy là ý nghĩa của giai đoạn xét hỏi tại tòa.
Để làm đúng được giai đoạn xét hỏi này thì cần đưa ra những đánh giá đúng dựa trên cơ sở hồ sơ, các nhân chứng, chứng cứ, vật chứng, kiểm tra các vật chứng tại phiên tòa, kiểm tra các lời khai của các nhân chứng, lời khai của bị cáo, lời khai của người bị hại và những người có quyền nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa. Đánh giá tổng hòa trên các chứng cứ này để có thể buộc một con người có tội hay không. Cuối cùng, là phán quyết quyết định người đó phạm vào tội gì hay người đó không phạm tội thì nó phải dựa trên cơ sở đánh giá toàn diện.
Phiên tòa sơ thẩm Bùi Hằng và hai người bạn là một phiên tòa có nhiều thiếu xót trong quá trình điều tra, thủ tục tố tụng, lấy lời khai của các nhân chứng, đối chất lời khai của các nhân chứng, thu thập những lời khai của các nhân chứng có liên quan thì thiếu. Quá trình xét xử trong phiên tòa sơ thẩm mang tính chất hình thức, họ không tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Có nhiều cái khó hiểu mà chúng tôi không biết giải thích như thế nào về việc nhân chứng không thể đến tham dự phiên tòa do nhiều lý do, để có thể cung cấp các lời khai nhằm làm sáng tỏ vụ án. Phiên tòa sơ thẩm và bản án chưa đảm bảo khách quan và có dấu hiệu oan sai.
Huyền Trang, VRNs: Dạ thưa Luật sư, cho đến thời điểm hôm nay ngày 10.12 mới chỉ có 5/17 nhân chứng nhận được giấy triệu tập, vậy ông cũng như quý Luật sư có giải pháp gì để các nhân chứng còn lại được nhận giấy triệu tập và các nhân chứng này sẽ được đi tham dự phiên tòa phúc thẩm sắp tới?
Ls Trần Thu Nam: Chúng tôi đã làm những văn bản kiến nghị đến Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Tòa triệu tập đầy đủ các nhân chứng. Tuy nhiên đến nay chỉ có 5 người nhận được giấy triệu tập còn những người khác không nhận được, không hiểu vì lý do gì, không hiểu là họ không được triệu tập, hay giấy triệu tập không đến tay được do tòa gửi qua đường bưu điện. Đây là một điều cần thiết phải làm rõ. Nếu như các nhân chứng có mặt tại khu vực diễn ra phiên tòa phúc thẩm thì các luật sư sẽ kiến nghị với HĐXX rằng, dù họ không có giấy triệu tập, nhưng họ là nhân chứng và mang theo chứng minh thư, cũng như họ là những người tham gia trong quá trình tố tụng nên đề nghị HĐXX cho họ vào tham dự phiên tòa, để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Tại tòa, chúng tôi sẽ trực tiếp đề nghị tòa án cho các nhân chứng vào tòa, bởi vì họ đang có mặt tại khu vực diễn ra phiên tòa.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Luật sư, sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, tất cả ba người bị kết án đều kháng cáo kêu oan, đặc biệt cô Thúy Quỳnh còn khẳng định trong đơn kháng án rằng: “Đây là một vụ án gây rối trật tự công cộng không bình thường và là một vụ án có sắp đặt, vu khống, trả thù cá nhân đối với Bùi Thị Minh Hằng mà trong đó tôi và Nguyễn Văn Minh bị kết tội oan sai”, thưa Luật sư, ông bình luận như thế nào về nội dung kêu oan này ạ?
Ls Trần Thu Nam: Trước tiên có thể khẳng định, tôi không tham gia bào chữa cho cô Thúy Quỳnh mà chỉ tham gia bào chữa cho chị Bùi Thị Minh Hằng. Một người có quyền đưa ra chứng cứ cho rằng vụ án này có hành vi cấu kết thì đó là quyền của họ. Nhưng liên quan đến vấn đề chứng minh có tội hay không có tội lại là một điều khác. Dựa trên các cơ sở chứng cứ pháp lý có trong hồ sơ, cách thu thập chứng cứ có trong hồ sơ, các chứng cứ khác được đánh giá thì chúng tôi luôn luôn khẳng định chị Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh là vô tội. Còn việc trả thù cá nhân chị Bùi Hằng hay không thì tôi không rõ. Nhưng trong phiên tòa sơ thẩm, tôi thấy có nhiều điều không bình thường trong một vụ án và đi ngược lại với các quy tắc của Bộ luật tố tụng hình sự. Thế nhưng, việc chị Thúy Quỳnh nói trong kháng cáo, không phải không có cơ sở, tôi nghĩ chị Thúy Quỳnh có cơ sở để nói như vậy.
Huyền Trang, VRNs: Dạ vâng thưa Luật sư, hướng bào chữa của ông cho bà Bùi Thị Minh Hằng tại tòa là vô tội, vậy Luật sư có tin tưởng sẽ thành công tại phiên tòa phúc thẩm không ạ?
Ls Trần Thu Nam: Niềm tin và kết quả là hai điều khó có thể đi song hành với nhau được. Thời gian trước đây, tôi cùng với một số Luật sư tham gia bào chữa cho các vụ án liên quan đến các tù nhân lương tâm, để tuyên một tù nhân lương tâm không có tội thì không thể xảy ra trong xã hội VN hiện nay. Các tội danh liên quan đến chính trị, xâm phạm quyền lợi của nhà nước thì việc tuyên vô tội là gần như không thể. Lịch sử pháp luật VN chưa có.
Về việc giảm án có thể xảy ra như trong một số phiên tòa xét xử bà con Dân tộc H’Mông, Dân oan Dương Nội… có người được giảm án, có người được thả tự do ngay tại tòa vì mức án bằng với mức được tạm giam. Quan điểm bào chữa của Luật sư chúng tôi cho chị Hằng, cô Quỳnh và ông Minh là vô tội nhưng có thể họ xem xét, đánh giá rằng mức án đưa ra không đúng nên họ sẽ giảm án cho chị Bùi Hằng và hai bị cáo.
Về niềm tin, chúng tôi chỉ có thể làm tất cả những gì trong tư cách của một Luật sư hành nghề là đúng sự thật và nói lên tinh thần của vụ việc đó. Luôn luôn mong mỏi sự thật khách quan sẽ được xem xét đánh giá, được thừa nhận, pháp luật là một công cụ trừng phạt những người có tội và minh oan cho những người vô tội, chứ không phải là công cụ của một nhóm người cụ thể nào để thực hiện ý tưởng của họ.
Huyền Trang, VRNs: Xin chân thành cám ơn Luật sư Trần Thu Nam và xin kính chúc sức khỏe ông.
No comments:
Post a Comment