Thói quen ăn cắp và năng suất lao động ở VN
Gần đây cả nước xôn xao sau khi ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế, thuộc Liên hiệp quốc UN) công bố tình trạng năng suất lao động của châu Á Thái bình dương năm 2013, trong đó Việt Nam thuộc hạng đội sổ, chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/11 Nhật Bản, 1/10 Hàn quốc, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan... Tự các con số đã nói rất nhiều, nên sự ngỡ ngàng của người Việt ưu tư về đất nước hay sự “bất ngờ” của quan chức CSVN hiện nay, chỉ là “gia vị” của câu chuyện.
Hôm nay, bỗng nhiên tôi có hai thằng bạn học cũ ghé thăm, một là “doanh nhân đại gia”, một là cán bộ cấp Vụ (Vụ trưởng thì phải? - Lâu rồi tôi không “kiểm tra” lại hay bắt nó báo cáo) của Bộ Khoa học Công nghệ, mới từ HN vào. Thằng bạn “cấp vụ” chặn tôi luôn: “Tao trốn họp, tức ăn cắp thời gian nhà nước, đến thăm mày đây.” “Vậy là cậu mang cho tớ “đồ ăn cắp”?” - Tôi vặn lại. Nó cười nhăn, vì nó biết tôi biết, “ăn cắp thời gian làm việc” với người Việt trong thời kinh tế XHCN này có được coi là ăn cắp đâu? Nên tôi lại “hỏi xoáy”: “Tớ có nên cảm ơn cậu không nhỉ?” Đó là bắt đầu câu chuyện...
Mục đích chúng nó đến thăm tôi là vì tình bạn, vì lo cho tôi, để khuyên tôi không viết bài trên Lề Dân nữa. Tôi nói: “Cảm ơn các cậu, nhưng trước khi các cậu đến thì tớ đang viết dở một bài đấy, và tớ sẽ còn viết nữa, chừng nào còn có thể và thấy điều đó là nên làm, là cần thiết, là trách nhiệm phải làm của một người Việt.” Tôi “lên gân” rất thật thà, để chúng nó đừng cố nài nỉ tôi ngừng viết nữa. Tôi biết, các bạn lo cho tôi thật sự, chứ không phải “được đảng phân công đến động viên” tôi đâu. Nếu đảng biết tôi ở đây thì sẽ phân công nhiều người khác mang các loại vũ khí khác đến chứ không phải cử hai thằng bạn tôi này, chỉ có “nỉ non bằng nước bọt”. Tội nghiệp chúng nó, đó là hai thạc sĩ khoa học về nước từ đầu những năm 80 bên trời Âu như tôi đó, đã bị “ngấm đảng”, sợ đảng đến nỗi luôn tự kiểm duyệt mình và hôm nay là tự kiểm duyệt cả bạn mình nữa - là tôi. Chúng mất hết cả chí làm trai của chúng tôi thuở xưa rồi, nhưng chúng nó không hiểu, chính vì tôi biết tự kiểm duyệt mình để được làm người nên tôi mới viết bài trên Lề Dân nhiều năm nay. Vấn đề là tự kiểm duyệt để làm gì? Chúng nó chỉ biết tự kiểm duyệt để sống an toàn vì sợ đảng. Tôi cũng sợ cộng sản lắm, nhưng khát vọng làm người trong chính mắt mình của tôi còn cao hơn nỗi sợ đó, nền tôi viết.
Đến đoạn cuối câu chuyện thì chúng nó bỗng nhiên quay sang hỏi tôi, hôm nay đang viết gì? Nghe tôi nói đang viết về vấn đề năng suất lao động quá thấp của Việt Nam, thì “thằng vụ trưởng” mắt sáng lên: “Cậu viết xong gửi ngay cho mình nhé! Tớ cũng đang quan tâm vấn đề đó...” Tôi cười: “Viết xong tớ sẽ đăng lên Lề Dân, cậu lên đó mà đọc.” “Cũng được.” - Nó đứng dậy chia tay. Thôi thì không “thuyết khách” được tôi chuyện ngừng viết, nhưng nó cũng sẽ được đọc bài này của tôi về “Năng suất lao động Việt Nam”, thế là vui vẻ cả hai, cả ba.
Hắn đâu có nghĩ là việc hắn làm hôm nay - “ăn cắp thời gian làm việc” để “cho tôi” cũng liên quan chặt chẽ, và là một nguyên nhân vĩ mô của cái năng suất lao động thấp của VN đó?
Văn hóa đặc thù của xã hội CSVN là văn hóa “người người ăn cắp tất cả”
CSVN đã nâng và tạo thói quen ăn cắp trên phạm vi cả xã hội CS lên mức độ nghệ thuật đỉnh cao, thành văn hóa đặc thù của chúng. Tại sao thế? Tại vì cả thể chế, đế chế CS này của chúng được dựng lên từ vụ ăn cướp (bằng vũ lực) quyền sống và tài sản của cả dân tộc Việt Nam năm 1945, mà chúng tự gọi là “cướp chính quyền” để “bao nhiêu tài sản ắt qua tay mình”.
Chính quyền dựng lên từ cướp quyền sống, quyền làm người của cả dân tộc được cộng sản duy trì bằng các chính sách hậu ăn cướp, tức là ăn cắp trá hình, mà thôi. Vậy nên đặc thù xuyên suốt của chế độ cộng sản vẫn là ăn cắp. Cái gì sinh ra bằng cách nào thì cũng chỉ biết tồn tại bằng cách đó.
Năng xuất lao động xã hội là khái niệm có năm yếu tố tạo thành: sản lượng lao động (sản phẩm hay dịch vụ làm ra), thời gian bỏ ra, trình độ làm việc, thái độ làm việc và các giá trị vô hình (thông tin, thương hiệu, các quyền con người, pháp lý...). Ở Việt Nam hôm nay, thói quen ăn cắp của hầu như tất cả mọi người, từ người lao động, đến quan chức cao nhất là thủ tướng, chủ tịch nước hay tổng bí thư - của cả xã hội XHCN này, đã “ăn cắp” hết cả năm thứ đó: tài sản làm ra hoặc để làm ra thứ gì đó, thời gian làm việc, thông tin mật và các giá trị phi vật chất như thương hiệu hay quyền kinh doanh, trình độ làm việc và cả thái độ để làm ra của cải cho xã hội nữa. Thế cho nên, cái còn lại không bị ăn cắp là rất ít, tạo nên năng suất lao động của xã hội VN rất thấp hiện nay mà ILO đã thống kê.
Ăn cắp là thói hư tật xấu của con người nói chung, nó tồn tại khắp mọi giai tầng, mọi xã hội, mọi chế độ, không chỉ ở Việt Nam hôm nay. Vấn đề là, cơ chế xã hội (pháp lý và đạo đức, văn hóa) để chống và hạn chế thói hư tật xấu đó của con người trong các xã hội (ở đâu, xã hội nào cũng có) có hiệu quả khác nhau, mà thôi. Ở xã hội XHCN VN từ 1945 và 1975 đến nay thì cơ chế chống ăn cắp của CS chỉ có hiệu quả ngược: cơ chế xã hội CS đã luôn dung túng, làm ngơ, phụ họa, làm phát sinh mới... nhiều và mọi thói hư “ăn cắp” của người Việt trong nước hôm nay. Họ ăn cắp mọi thứ - công khai ở mức độ ít và cấp thấp, kín đáo ở mức độ lớn cấp trung, và tinh vi ở mức độ cực lớn, cấp cao - gọi là tham những hay nhóm lợi ích, họ ăn cắp bằng chính cơ chế - tạo ra pháp luật để ăn cắp.
Ví dụ 1, ăn cắp cấp cao nhất, vĩ mô: CSVN ăn cắp quyền và ăn cắp pháp luật của dân. Chúng - CSVN - viết ra Hiến pháp với Điều 4 để cướp quyền được quyết, được sống tự do của dân, họ đưa ra khai niệm “sở hữu toàn dân” để tự mình ngồi vào ghế “đại diện toàn dân” và ăn cắp tài sản toàn dân - mọi thứ tài sản quốc gia thành của riêng bọn chúng, đảng chúng, từng thằng quan CS.
Ví dụ 2, ăn cắp cấp trung: Ăn cắp bằng cơ chế nhà nước và xã hội. Chúng - CSVN - giao tài sản quốc gia vào tay các nhóm lợi ích “đại diện sở hữu toàn dân”, và các “nhóm” đó thông qua hoạt động kinh doanh hay hành chính xã hội để gian lận rút hết tài sản quốc gia chia nhau, đổi màu thành những tư sản dân tộc.
Ví dụ 3, ăn cắp cấp thấp: Ăn cắp tài sản bằng các cơ hội riêng. Chúng lập quỹ riêng, lập kho riêng, dùng hay chia nhau tài sản chung cho nhóm người riêng trong các cơ quan, công ty nhà nước, công khai - gọi là “lợi ích tập thể đơn vị”, muôn hình vạn kiểu.
Ví dụ 4, cấp đại trà, công khai: Ăn cắp vật chất và thời gian vốn dùng để tạo ra của cải cho xã hội.
Về ăn cắp thời gian, như cậu bạn tôi hôm nay là “bình thường”, không được coi là ăn cắp như nó tự thú nhận. Cả việc đi muộn, về sớm, và ngay tại cơ quan chỉ chơi games, đọc báo, tán gẫu của tất cả mọi người “làm cho nhà nước” cũng không được coi là ăn cắp thời gian, dù đó là hiện tượng tạo thất nghiệp kín lớn nhất và làm năng suất lao động thấp nặng nề nhất.
Về thói quen ăn cắp vật chất tràn lan xã hội, xin lấy ví dụ của tuổi thơ tôi. Những năm 60s ở miền Bắc XHCN, nhà tôi rất nghèo đói - như mọi người thôi, cha mẹ tôi đều là cán bộ công nhân, đảng viên, ở một vùng hứng nhiều bom đạn trong chiến tranh. Để có một cái bể đựng nước sinh hoạt cho đại gia đình mình (khoảng 5 gia đình dùng chung bể nước), cha tôi đã hướng dẫn và cùng chúng tôi thỉnh thoảng khi đi xem chiếu bóng ngoài bãi về đêm thì cùng ông lấy (ăn cắp) mỗi đứa một viên gạch trong đống gạch bên đường của Xí nghiệp nhà nước mà ông là một quản đốc. Ba chị em tôi đã háo hức tham gia ăn cắp cùng cha mình một thời gian dài mấy năm như thế (vì cả tháng mới có 1 lần chiếu phim), để đủ khoảng 200 viên gạch thì cha tôi tự xây bể nước - xi măng thì cha tôi “xin” ở công trường nhà nước đâu đó mà ông quen biết, vôi thì ông bảo tôi đi “lấy” từ hố vôi lớn của Xí nghiệp ông, nhiều lần mỗi lần 1 sô, có lần tôi bị bảo vệ bắt nhưng lại tha vì là con ông quản đốc cơ khí. Thế đó, suốt tuổi thơ chúng tôi đã được dậy bởi chính cha mẹ CS của mình, rằng ăn cắp của nhà nước (CS) không phải là ăn cắp.
Ở trường cấp 3, tôi có ông thầy luôn khoe mình đã ăn cắp sách thời là sinh viên sư phạm thế nào - có nghĩa là họ dạy chúng tôi, rằng ăn cắp sách của nhà trường không phải là ăn cắp. Họ khuyến khích chúng tôi ăn cắp. Hồi đó, tôi còn theo đám bạn tinh nghịch đi ăn trộm trái cây (vì đói) của nông trường nhà nước hay của Hợp tác xã, của hội phụ lão trồng cây xung quanh... vì chúng tôi coi ăn cắp của họ không phải là ăn cắp, không phải như ăn cắp của người dân.
Chỉ có sau này lớn lên đi du học rồi, tôi mới bắt đầu hiểu ra, mình đã được dạy ăn cắp từ bé bởi gia đình, nhà trường, và xã hội XHCN của VN như thế nào. (Cha ơi, con không tố cáo cha đã dạy con ăn cắp đâu. Cha chỉ là một nạn nhân của CSVN đã phải đi ăn cắp và dậy con mình ăn cắp của xã hội để nuôi chúng con thôi. Con xin cha hiểu và tha thứ cho con vì thú nhận ăn cắp của con hôm nay trên Lề Dân!)
Các bạn cứ hình dung sự chấp nhận trên mức độ xã hội (toàn dân) chuyện ăn cắp vặt như thế ở VN đã tiến triển nhanh và sâu rộng khắp mọi lĩnh vực cuộc sống suốt hơn nửa thế kỷ nay, để thấy vấn nạn “người người ăn cắp tất cả mọi thứ” ở VN nó lớn và đặc thù XHCN thế nào.
Ví dụ 5, bà chị vợ tôi, hồi trẻ học đại học ngoại ngữ ra làm nhân viên lễ tân rồi quản lý rồi là giám đốc một khách sạn nhà nước lớn có tên tuổi, cấp 3 sao (nay là 4 sao) giữa Hà Nội, và bà chị đó mấy chục năm nay rồi hầu như không bao giờ phải mua sắm đồ đạc, chăn màn, dụng cụ gia đình, xà bông các loại. Tết nhất lễ lạt thì ông anh rể luôn có đầy tủ lạnh bia và đồ ăn, vì bà chị “lấy tất cả” từ khách sạn “của mình” về dùng, dư thừa - họ công khai cùng “lấy” mọi thứ chia nhau, không chừa thứ gì cả. Ông anh là tiến sĩ trong Viện khoa học Quốc gia cũng thường xuyên “tự lấy” hay “được chia” đủ thứ tài sản chung mang về nhà, vô tư. Nhìn cảnh đó mấy chục năm nay, tôi thấy tội nghiệp các cháu tôi vô cùng - làm sao chúng phân biệt được đâu là ăn cắp đâu là không, để sống cho tốt khi chúng lại làm việc cho các cơ quan, công ty nhà nước trong XH XHCN “tươi đẹp” này?!
Năng suất lao động (NSLĐ) của VN thấp không phải vấn đề vi mô (how?) mà là vấn đề vĩ mô (why?)
Trở lại đề tài chính là năng suất lao động VN thấp. Các chuyên gia ILO và chuyên gia VN (như cậu vụ trưởng bạn tôi) đã chỉ ra một số nguyên trực tiếp như: Lãnh đạo các doanh nghiệp VN không quan tâm đến NSLĐ nên không đầu tư đúng mức cho vấn đề này; Công cụ, phương pháp quản lý NSLĐ hiện nay đã rất hiện đại, hiệu quả và phổ biến trên thế giới (như LEAN, 5S. 6-Singma, Kaizen, MFCA, TPM, GMP...) thì hầu như không được áp dụng ở các doanh nghiệp VN; Việc kiểm soát, theo dõi NSLĐ ở VN luôn lỏng lẻo, thiếu theo sát thực tế, thiếu phân tích và giải quyết vấn đề, nặng về hình thức “thi đua” như các Hội thi tay nghề thợ giỏi, đánh trống bỏ dùi.
Theo tôi, các nguyên nhân trên đều đúng, nhưng chúng chỉ ở cấp vi mô - cấp các doanh nghiệp, và chỉ trả lời câu hỏi “How?”- làm thế nào cho tốt hơn, trong khi trước hết phải trả lời câu hỏi “Tại sao NSLĐ Việt Nam thấp thảm hại thế?” là câu hỏi tư duy - “Why?” Nếu không trả lời được câu hỏi “Why?” thì dù có biết và giỏi cả ngàn cách “How” cũng không làm sao cho NSLĐ VN cải thiện được. Và đó là lý do tôi viết bài này - tôi muốn chỉ ra các nguyên nhân “Tại sao?” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải giải quyết chúng rốt ráo trước hết, rồi thì mới đến “Làm như thế nào?”, mà không phải là ngược lại hay cùng lúc, vì cái này là điều kiện cho cái kia.
Các nguyên nhân vĩ mô/”why?” theo tôi đó là: môi trường văn hóa ăn cắp đặc thù XHCN, lý thuyết kinh tế XHCN sai và mô hình hay cơ cấu nền kinh tế định hướng XHCN sai. Chính vì có ba điều đó mà VN đã không tạo nên các doanh nhân, các nhà quản lý doanh nghiệp và những người lao động tốt để họ cũng nhau tạo nên NSLĐ cao cho xã hội được.
Câu trả lời cho “Why?” đầu tiên, như tôi đã trình bày, đó là do đạo đức XHCN, đó là do thói quen, văn hóa “ăn cắp tất cả không chừa thứ gì” của những người làm kinh tế XHCN đã hình thành và được nuôi dưỡng tốt ở VN từ 1945 và 1975 đến nay, đã tạo thành môi trường xã hội có văn hóa ăn cắp nhục nhã (trước thế giới) của VN hôm nay. “Ăn cắp tất cả” là văn hóa không chỉ phổ biến thịnh hành công khai trong các danh nghiệp nhà nước, mà nó được người lao động Việt “làm phát triển rực rỡ” cả trong các doanh nghiệp FDI và tư nhân (DNTN), tất nhiên không thể quá công khai nữa, nhưng họ vẫn “đoàn kết nhau cùng ăn cắp”!.
Tại sao văn hóa “người người ăn cắp tất cả” lại phát triển cả trong các doanh nghiệp FDI và DNTN? Vì người ăn cắp (thời gian và tài sản của DN) không cảm thấy xấu hổ, không bị xã hội lên án đích đáng, nhiều khi được bỏ qua hay bao che, bênh vực, được coi như anh hùng. Tại sao xã hội lại phản ứng vậy? Bởi vì, văn hóa XHCN mấy chục năm qua đã khoét sâu hằn thù, ghen tị, đố kỵ của người nghèo đối với người giàu trong xã hội VN, mà chủ các FDI và DNTN chính là đại diện những người giàu đó, và người lao động tất nhiên là người nghèo. Vô hình chung, ăn cắp trong FDI và DNTN là những hành động mang cả tính trả thù người giàu của người nghèo, là “đấu tranh giai cấp” mà CS khuyến khích! Vì thế, giới quản lý các doanh nghiệp FDI và TN đều đau đầu với văn hóa “ân cắp tất cả khi có cơ hội” của nhiều người lao động VN hôm nay, sau hơn thể kỷ sống trong văn hóa XHCN - “ăn cắp của tập thể, nhà nước và người giàu không phải là ăn cắp”.
Ăn cắp tài sản và thời gian ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động thế nào thì ai cũng rõ rồi, vì tài sản là tử số và thời gian là mẫu số của phân số NSLĐ. Đó là nguyên nhân thứ nhất: văn hóa ăn cắp của con người mới XHCN xuất phát từ chế độ CS. Trước 1945 hay 1975 ăn cắp không phải là văn hóa đặc thù phổ biến của người Việt.
Thế còn ba chủ thể của ăn cắp XHCN khác mà tôi đã liệt kê, đó là ăn cắp các quyền sống và kinh doanh và các giá trị vô hình, ăn cắp trình độ và ăn cắp thái độ lao động, thì là gì và tại sao nó ảnh hưởng đến NSLĐ của VN?
Vì các quyền của người lao động đã bị CSVN ăn cướp bằng các “hiếp” pháp, rồi tài sản quốc gia chung trong đó có tài sản của số đông người lao động cũng đã bị CSVN ăn cắp bằng pháp luật và thể chế, khiến những người lao động VN không có điều kiện và động lực để lao động nữa, họ chỉ bị dồn ép vào đường cùng phải lao động thôi, nên thái độ lao động của đa số là bị động, chống đối, họ có thể và sẽ sẵn sàng phá hoại, ăn cắp để trả thù nếu không bị phát hiện. Họ không ăn cắp hay phá hoại chỉ vì sợ mất việc là nguồn sống nuôi gia đình duy nhất. Thế là thái độ làm việc để có năng suất cao chưa bao giờ có ở người lao động VN từ 1945 rồi 1975 đến nay - nó bị CSVN dập tắt hoàn toàn, cũng như tinh thần doanh nhân vậy, chỉ còn những ranh nhân.
Về trình độ, người lao động VN chỉ cần có đủ kỹ năng để có việc và giữ việc, không cần có để sáng tạo và nâng cao năng suất - để làm gì? Và điều đó đúng với lao động mọi cấp, từ phổ thông đến chuyên môn, đến quản lý các cấp. Cái giúp họ thăng tiến trong công việc hay giữ việc không phải hiệu quả làm việc (NSLĐ) mà là quan hệ và bè phái để tham cùng nhũng - càng ăn cắp cấp cao hơn, nhiều hơn - những thứ chỉ làm cho NSLĐ của xã hội càng thấp đi.
Vậy là, chỉ một văn hóa “ăn cắp tất cả” - đặc thù của XH XHCN ở VN hiện nay đã triệt tiêu mọi (tất cả 5) yếu tố cấu thành nên NSLĐ của VN rồi, ở mọi loại hình doanh nghiệp (nhà nước, FDI và DNTN), thì làm sao NSLĐ VN cao cho được?!
Bản thân tôi đã từng là quản lý (cấp giám đốc) của/trong cả ba loại hình doanh nghiệp đó, và tôi đã phải đối diện với mọi vấn đề làm sao cho NSLĐ ở đó cao lên, và dưới gốc rễ tất cả mọi vấn đề là văn hóa lao động của xã hội VN hiện nay, của người lao động, trong đó “văn hóa người người ăn cắp mọi thứ” (cùng với văn hóa gian dối) đều đã bén rễ sâu chắc mọi nơi đã làm hỏng tất cả. Mọi loại hình DN cũng sẽ phải đầu hàng và chấp nhận NSLĐ thấp mà thôi. Không có gì khó chịu hơn việc quản lý những người lao động để sao cho có NSLĐ cao biến thành việc quản lý những kẻ cắp tiềm năng sao cho việc ăn cắp vặt giảm đi là mừng rồi! CSVN đã biến cuộc đua kỳ thú của các DN để vươn lên các NSLĐ cao thành cuộc vật lộn với văn hóa “người người ăn cắp mọi thứ” - cả thời gian làm việc của mỗi người và tài sản của doanh nghiệp! Tôi đã quản lý nhiều công trình xây lắp cơ khí lớn mà ở đó mỗi công trường là một chiến trường chồng chéo các loại kẻ cắp và các loại vật tư thiết bị - đối tượng bị ăn cắp khác nhau.
Ví dụ 6: Một công trường như Kho cảng xăng dầu Ngoại quan Vân phong trị giá 130 triệu đôla và kéo dài ba bốn năm đã là một chiến trường của hàng trăm, hàng ngàn kẻ cắp các loại các trình độ như thế, từ giám đốc dự án (cũng ăn cắp thường xuyên) đến các nhà thầu và công nhân thời vụ. Ở đó, họ có 3 hàng rào bảo vệ với 3 đội độc lập bảo vệ từ trong ra ngoài, nhưng ăn cắp vẫn xảy ra thường xuyên, có nhiều vụ lớn phải đưa công an vào giải quyết cũng chẳng xong.
Nguyên nhân vĩ mô thứ hai của NSLĐ VN quá thấp, đó là do lý thuyết kinh tế của CSVN sai.
CSVN đang làm kinh tế theo lý thuyết kinh tế của Mác-Lê, tất cả xoay quanh khái niệm “vô sản” của Mác và Lê biến thành “sở hữu toàn dân” hay “sở hữu nhà nước”- một khái niệm lừa bịp phủ nhận (trên lý thuyết và trên đại đa số thực tế cuộc sống) tính chính đáng tất yếu của sở hữu cá nhân vốn thuộc bản chất Con người. Điều này không chỉ làm mất động lực làm việc và sáng tạo của người lao động mà trước hết làm cho cả những nhà quản lý vốn có trách nhiệm trực tiếp về NSLĐ nhưng lại không có quyền lợi gì từ đó cũng mất hết động lực làm việc.
“Sở hữu nhà nước” cản trở và làm hỏng quá trình tư nhân hóa, cổ phần hóa vốn chuyển quyền sở hữu các doanh nghiệp sang người lao động và giới quản lý, do đó tạo động lực cũng như trao trách nhiệm về NSLĐ cho họ, cùng lúc. Có nghĩa là, nếu cổ phần hóa mọi doanh nghiệp nhà nước, nhà nước không kinh doanh mà chỉ còn quản lý thôi, thì trách nhiệm về NSLĐ thấp sẽ không còn phải đặt ra với nhà nước nữa. Khi các DN có NSLĐ thấp mãi sẽ dẫn đến thua lỗ thì họ chỉ có tự phá sản, không thể tồn tại, nên tự họ phải cải thiện điều đó - NSLĐ để vươn lên, không có con đường nào khác. Lúc đó, “văn hóa ăn cắp đặc trưng XHCN” cũng không cản được các doanh nghiệp phải tự nâng cao NSLĐ của mình lên, và NSLĐ của cả VN từ đó sẽ được năng lên, nhanh chóng. Có động lực sở hữu cá nhân sẽ là động lực thúc đẩy lớn nhất cho NSLĐ trong các DN. Đó cũng là giải pháp mà cậu bạn doanh nhân thăm tôi hôm nay đưa ra cho NSLĐ của VN, mà tôi rất đồng ý. Các DNNN mà cổ phần hóa hết thì các DN FDI cũng không còn thong dong mà ngồi khai thác nhân công rẻ mạt và ưu đãi thuế được nữa, họ sẽ cũng phải nâng cao NSLĐ của các FDI, ở VN.
Dù vấn đề NSLĐ cuối cùng vẫn sẽ phải được giải quyết trong từng doanh nghiệp, tức ở cấp vi mô, nhưng tháo gỡ đầu tiên phải có của nó phải là ngoài doanh nghiệp, ở cấp vĩ mô toàn xã hội, là phải cổ phần hóa chúng hết, hoàn toàn. Nhà nước chỉ quản lý và thu các loại thuế là đủ, cùng với việc quản lý tài sản quốc gia dự phòng các loại để rót chúng ra thị trường hay hút vào dự trữ, thể thôi. Tức là VN phải bỏ lý thuyết kinh tế “Mác-Lê đâm chọc nhau” hoàn toàn đi.
Nguyên nhân vĩ mô thứ ba làm NSLĐ VN thấp là mô hình kinh tế hay cơ cấu nền kinh tế sai. Mô hình kinh tế của VN hiện nay là kinh tế “định hướng XHCN”, có hai cái sai cơ bản: về cơ cấu chủ thể kinh tế và đối tượng/lĩnh vực kinh doanh chính, khiến nền kinh tế VN có NSLĐ thấp.
Thứ nhất, về cơ cấu chủ thể nền kinh tế, VN hiện có ba chủ thể chính là các doanh nghiệp nhà nước, DN FDI và DNTN, trong đó, theo định hướng XHCN, DNNN “là chủ đạo” (được ưu tiên chính sách, quyền kinh doanh, vốn và tài sản quốc gia - đất đai...). Cơ cấu trên làm cho DNNN có mọi thế mạnh ưu đãi để có NSLĐ cao, nhưng lại có ít động lực và trách nhiệm để có NSLĐ cao nhất. Cụ thể thì NSLĐ của DNNN lại là thấp nhất trong ba loại hình. Điều này (NSLĐ của các DNNN là thấp nhất) các con số thống kê của nhà nước chắc không dám chỉ ra, hoặc chưa thể chỉ ra được do thiếu công cụ thống kê về NSLĐ, mà tôi chỉ kết luận dựa trên những ước tính thực tế sơ bộ của mình thôi. Bởi vì, NSLĐ là tính hiệu quả kinh doanh trên một người lao động của DN, nhưng các DNNN hiện nay luôn chỉ giữ biên chế cứng khoảng 15-20% nhân lực trung bình cần thiết, khi có việc họ hoàn toàn đi thuê ngắn hạn nhân lực bên ngoài để thi công rồi thải ra ngay sau đó, cho đến khi lại vào công trình khác lại thu nạp lao động tạm bợ. Vì vậy chất lượng chuyên môn của lực lượng lao động rất thấp, năng suất lao động cũng rất thấp, số người trên bảng lương của họ có thể rất dài nhưng chỉ ngắn hạn và không có ràng buộc gì… Người lao động chỉ bị bóc lột và thải ra, bóc lột rẻ mạt tồi bị thải ra, không bảo hiểm, không cam kết trách nhiệm liên quan nào... Chính quyền cộng sản luôn làm ngơ và bao che cho cách dùng người lao động của các DNNN như thế (nhưng lại không bao giờ cho phép FDI hay NDTN làm thế!).
Mô hình kinh tế “định hướng” XHCN của VN luôn bóp nghẹt bằng mọi biện pháp mọi khả năng phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, làm họ khó phát triển nói chung thì làm sao có thể đầu tư cho NSLĐ của chính họ cao được, làm sao đóng góp cho NSLĐ cả VN cao được? Đa số họ chỉ tồn tại nhờ bám vào các DNNN, cung cấp lao động thời vụ cho các DNNN.
Mô hình kinh tế định hướng XHCN của VN tuy dành nhiều ưu tiên cho các DN FDI, nhưng cả họ nữa cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao NSLĐ ở VN, tại sao thế? Tại vì, nói đến NSLĐ là nói đến chất lượng lao động, năng suất và chất lượng là hai mặt của tấm huy chương, để đạt được huy chương đó phải đầu tư, phải quan tâm xứng đáng cả về ba mặt: thiết bị công nghệ, trình độ khoa học kỹ thuật và tay nghề của người lao động cũng như thái độ của người lao động, của giới quản lý cấp thấp và trung. Về vốn đầu tư và thiết bị, các DN FĐI có thể luôn sẵn sàng, nhưng họ bị lung túng về vấn đề con người: đào tạo nhân lực và giáo dục thái độ lao động. Hai điều trên do văn hóa lao động (rất tiêu cực, như “ăn cắp của người chủ DN không phải là xấu”) và chính sách “đem con bỏ chợ” - không hề hỗ trợ hay bảo về, quan tâm đến người lao động trong các FDI của chính phủ CSVN quyết định. Văn hóa “ăn cắp của chủ DN không phải là xấu” của lao động VN thường biến thái thành thái độ không trung thực và không trung thành với chủ DN FDI. Khi lao động và quản lý các cấp thấp, trung và cao được đào tạo lại bài bản, họ thường “nhảy việc” để có thu nhập cao hơn chút đỉnh – tức văn hóa lao động trung thành và chung thủy của người VN rất thấp, thấp hơn tất cả các nước khác, cũng như NSLĐ của họ vậy.
Thứ hai, về đối tượng kinh doanh trong mô hình kinh tế - tức cơ cấu các ngành kinh tế của VN sai trầm trọng. Trong khi bước vào thế kỷ 21 kinh tế thế giới và từng quốc gia đều tập trung (nhân lực và vốn) để đi vào các ngành mà họ có ưu thế tức là có NSLĐ cao so với thế giới (mang lại lợi nhuận hay hiệu quả kinh tế cao cho quốc gia), bỏ qua các ngành mà họ có NSLĐ thấp (mà các nước khác sẽ có năng suất lao động cao hơn và sẽ đi sâu vào đó). Đó là sự tái phân chia lao động ở cấp độ toàn cầu trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, thế kỷ 21. Thế mà VN dường như muốn tham gia vào nền kinh tế toàn cầu hóa nhưng lại không tham gia cuộc chơi tái phân chia lao động cấp toàn cầu – giữa các quốc gia đó. Kết quả là hiện nay cơ cấu các ngành kinh tế VN chỉ chủ yếu toàn là những ngành mà VN có NSLĐ rất thấp so với thế giới, Các DNNN thì chỉ tập trung vào công nghiệp khai khoáng. Múc tài nguyên đất nước mang bán thì với công nghệ thấp và năng suất, sức lao động đơn giản là dễ nhất nhưng vẫn có lãi to, nên NSLĐ của VN trong các ngành công nghiệp nặng, xây dựng mà các DNNN “làm chủ đạo” đều rất thấp.
Ví dụ 7, cùng là khai thác dầu mỏ, nhưng VN (PetroVietnam-PVN) năm 2012 đã có doanh thu khoảng 372,000 tỷ đồng (khoảng 18 tỷ đôla) để tạo lãi chưa hết thuế khoảng 42,000 tỷ đồng hay khoảng 2 tỷ đôla (11,2% Doanh thu) với số nhân viên của cả Tập đoàn “bí mật” (nguồn: website của PVN), nếu tính đúng và đủ thuế thì vẫn PVN vẫn lỗ trong cái ngành “chỉ bốc mà ăn” mà người ta thường “một vốn bốn lời”. Để so sánh hãy lấy kết quả kinh doanh của hãng Chevron, Mỹ có doanh thu năm 2012 là trên 230 tỷ đôla và lãi sạch sau thuế là trên 26 tỷ (11,3% Doanh thu) cho số nhân viên là 58.286 người trên toàn Tập đoàn cuối năm 2012 (nguồn: web của Chevron). Việc PVN hay các DNNN khác của VN không bao giờ công bố vì không công bố được số người lao động chính thức của mình trong một thời điểm nào đó đủ thấy không chỉ họ không coi người lao động là gì cả, mà họ càng không thể theo dõi được NSLĐ của mình - vì họ không quan tâm, và luôn phải bí mật số lao động để ăn cắp vào quĩ lương của người lao động, trong khi Chevron báo cáo cuối năm luôn có con số lao động chính xác đến từng người. PVN năm 2013 có 150 đơn vị thành viên hạch toán độc lập, nếu trung bình họ có 500 người/DN thì là khoảng 75 ngàn. Tỷ dụ, họ cũng có 58 ngàn người tương đương với Chevron và tỷ lệ lãi trên vốn (của ngành dầu khí) tương đương nhau thì NSLĐ của 1 người ở Chevron gấp 12,7 lần 1 người ở PVN.
Tương tự, các DNTN của VN ở vị thế bị o ép mọi mặt từ phái nhà nước và DNNN nên không có nhiều lựa chọn, cơ hội (thiếu vốn, thiếu chính sách hỗ trợ thay vì cản trở...) càng không thể có đầu tư và nhân lực hiệu quả hay với NSLĐ cao được.
Ví dụ 8: Nông dân và nông nghiệp VN bị bóc lột tận cùng và bỏ rơi hoàn toàn. Họ không có vốn, không có công nghệ, không có chính sách nào hỗ trợ, thay vào đó họ bị CS cướp luôn cả “phương tiện sản xuất” là ruộng đồng nữa. Họ thành “dân oan” trên chính thôn xóm, cánh đồng ngàn đời nay của cha ông họ. Làm sao họ có thể có năng suất lao động cao hơn khi hình ảnh ba cô gái kéo cày thay trâu là hình ảnh phổ biến đau xót đến kinh hoàng của nông thôn Việt Nam hôm nay? Họ là đại đa số người lao động Việt Nam đó. Năng suất lao động của dân oan sẽ là? Là số cuộc biểu tình hay khiếu kiện, hay số vụ họ bị côn an tấn công hãm hại trong sự bảo kê công khai (chứng kiến) của công an và chính quyền CS?
Các DN FDI ở VN có lợi thế để “xông vào” các ngành mà VN có năng suất cao không? Không. Cách quản lý các DN FDI của nhà nước VN không khuyến khích điều đó. Họ đơn giản chỉ đầu tư vào nơi họ có thể khai thác được nhân công giá rẻ (thường là trình độ thấp, lao động phổ thông) hoặc/và khai thác ưu đãi thuế của chính phủ - điều ngày càng trở nên là chính yếu, miễn là họ có lợi nhuận cao nhất, và điều này ít phụ thuộc vào NSLĐ của DN của họ. Tuy nhiên, các DN FDI cũng luôn áp dụng các kỹ thuật, phương pháp kiểm soát và nâng cao NSLĐ như tôi nói ở trên, nhưng thường kém hiệu quả do đụng phải văn hóa CS XHCN “người người ăn cắp” và “ăn cắp tất cả”, rồi “văn hóa nhảy cóc” sau khi được đào tạo nghề... của người Việt trong các FDI.
Tóm lại, để cải thiện NSLĐ, VN nhất định và chỉ có con đường thay đổi cấu trúc hay mô hình kinh tế, tức cắt bỏ các loại đuôi “định hướng” XHCN đi, sao cho mọi loại hình doanh nghiệp đều tham gia vào sự phan chia lao động toàn cầu, tức là tham gia vào kinh doanh trong ngành nghề mình có và có thể có NSLĐ cao và cao nhất, chứ không phải chỉ cần có lãi tối ưu ngắn hạn nhưng NSLĐ thấp nữa.
Cái kết cũ mèm: phải thay đổi hoàn toàn thể chế thành Dân chủ thì NSLĐ mới cải thiện được và sánh vai các cường quốc năm châu!
Vấn đề của năng suất lao động trong thế kỷ 21 là vấn đề vĩ mô (Why?) chứ không phải vi mô (How?). Đó là vấn đề đầu tư vào Con người là chính, chứ không phải chỉ là thiết bị và công nghệ, là vấn đề trân trọng biết ơn đặt Con người Lao động vào trung tâm và trên tầng quan trọng cao nhất của nền kinh tế mỗi quốc gia. Bởi vì Con người Lao động với văn hóa lao động cao (được tôn trọng) mới sáng tạo ra năng suất lao động cao, công nghệ chỉ là điều kiện cần.
Và kinh tế “định hướng XHCN” hay “màu sắc XHCN” của VN sẽ không bao giờ làm được việc đó. Con người trong thể chế kinh tế định hướng XHCN đã bị đánh lừa, bóc lột, bỏ rơi và khinh bạc hoàn toàn. CSVN đã hoàn toàn phản bội và quay lưng lại giai cấp lao động mà chúng xuất thân từ lâu. Con người lao động trong kinh tế XHCN bị xúc phạm và hạ nhục nhân phẩm nên không bao giờ họ có thể đem lại năng suất lao động cao cho chế độ hạ nhục họ - điều duy nhất họ còn có thể làm công khai để phản đối một cách vô thức là làm việc với năng suất thấp nhất có thể (!), dù chế độ CS có thể đày ải họ thêm 50 hay 100 năm nữa!
Thế cho nên, cậu bạn Vụ trưởng (có lẽ phụ trách vấn đề năng suất lao động trong bộ KHCN?) của tôi ơi, cậu sẽ thất vọng, đã thất vọng khi đọc bài này của tôi về năng suất lao động thấp của VN?
Đúng, tôi không đưa được ra cho bạn một phương pháp nào để cải thiện NSLĐ của VN, ngoài việc muốn thế phải lật đổ cái thể chế CS đang áp đặt nền kinh tế “định hướng hướng XHCN” này: lấy văn hóa xã hội Dân chủ thay cho văn hóa ăn cướp rồi ăn cắp, lấy lý thuyết kinh tế thị trường mà sở hữu cá nhân là trung tâm thay kinh tế Mác-Lê chỉ xúi dục lòng tham con người để đâm chọc nhau ăn cướp tiếp, và dùng mô hình kinh tế phục vụ Con người là kinh tế Thị trường Tự do thay mô hình “đình hướng nghĩa địa XHCN” chỉ phò bọn cầm quyền ăn cướp và ăn cắp như ở VN hiện nay. Đơn giản thế thôi.
Nhưng nhất định bạn hay ai đó phải giải quyết các vấn đề vĩ mô trên xong bạn mới giải quyết được các vần đề vi mô về NSLĐ trong từng doanh nghiệp VN, mà tôi biết đó là chuyên môn của bạn.
Nhưng bạn có dám nêu ra gốc rẽ vấn đề và đề xuất phương án rốt ráo như trên của tôi để Việt Nam có NSLĐ cao như Nhật Bản, Nam Hàn không? Tôi nghi ngờ. Vì thế tôi viết ra ý kiến của mình trên Lề Dân, cho dân Việt - ai quan tâm đều biết.
No comments:
Post a Comment