(Baodatviet) - Dù là ngành giữ vai trò quan trọng số 2 sau trồng trọt nhưng chăn nuôi Việt Nam đang lệ thuộc rất nhiều thứ từ bên ngoài.
Báo Dân Việt dẫn lời PGS.TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trong một hội nghị chăn nuôi ở TP.HCM cho biết: “Ngành chăn nuôi chúng ta đang phải nhập khẩu con giống và phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài về công nghệ, chuồng trại”.
Theo dẫn chứng của ông Vang, hiện hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1.000 con giống heo, 7.000 – 8.000 con giống bò sữa và 1,2 triệu con giống gia cầm.
Đấy là chưa kể một lượng giống nhập khổng lồ từ Trung Quốc đổ vào nước ta qua con đường tiểu ngạch không kiểm soát được.
“Không tính giống bò sữa, mỗi năm nước ta tốn khoảng 6 triệu USD nhập giống gia súc, gia cầm. Trong đó khoảng 2 triệu USD nhập giống heo và 4 triệu USD giống gia cầm” – ông Vang cho biết.
Chăn nuôi trong nước phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Ảnh : Tuổi trẻ |
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi chia sẻ, sở dĩ họ phải nhập heo giống về do các loại giống heo trong nước chất lượng kém, năng suất thấp, nhiều mỡ và khả năng chống chịu bệnh tật kém. Nguồn heo giống Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Đan Mạch...với giá từ 2.500 – 5.000 USD/con, tùy giống.
“Giá mắc hơn trong nước gấp mấy lần nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận nhập vì năng suất giống ngoại cao hơn gấp 1,5 lần giống nội. Chưa kể, thịt, cơ bắp chắc hơn, lại tiêu tốn thức ăn ít hơn, thoái hóa lâu hơn và khả năng chịu bệnh tật tốt hơn” – một doanh nghiệp chăn nuôi trong nước giải thích.
Không chỉ bán con giống cho Việt Nam, các công ty nước ngoài còn xuất khẩu vào Việt Nam cả hệ thống dây chuyền công nghệ.
Hiện các trang trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài như CP, Japfa phải sử dụng hầu hết các thiết bị, dụng cụ, thuốc men ngoại. Ngoài ra, hầu hết các trang trại, đặc biệt là các trang trại lớn cũng đều phải sử dụng hàng ngoại.
Ông Trần Mạnh Thắng, chủ trang trại ở thôn 8, xã An Ninh (Bình Lục, Hà Nam) cho biết, về nguyên tắc khi tham gia nuôi gia công cho CP, người nuôi có thể chủ động mua các loại thiết bị như tấm tản nhiệt làm mát, sưởi ấm, sàn chuồng cho lợn nái, hay hệ thống máng ăn, uống… chỉ có vaccine là bắt buộc phải sử dụng 100% vaccine ngoại.
Trao đổi với Đất Việt trước đó, TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để có được những con số ấn tượng về số lượng xuất khẩu nông nghiệp, ngoài đất và con người, hầu hết đầu vào của nông nghiệp Việt Nam đều nhập khẩu.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2013, Việt Nam phải chi 500 triệu USD để nhập hạt giống rau, 12,4 tỷ USD để nhập vật tư nông nghiệp, có tới trên 90% thuốc BVTV và máy móc chúng ta phải nhập khẩu.
"Việt Nam không thể mãi tự hào về 25 năm xuất khẩu gạo được nữa. 25 năm mà người dân vẫn không đủ sống, vẫn phải bỏ ruộng thì chứng tỏ nông nghiệp Việt đã hết động lực phát triển. Thành tích giời bể gì nhưng nông dân trả ruộng, thanh niên bỏ ra thành thị là không thể chấp nhận được. Vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là vấn đề của thời kỳ hội nhập, thời kỳ của chất lượng, hiệu quả. Chính vì thế mới cần tái cấu trúc nông nghiệp", ông Quốc nói.
Khải An
No comments:
Post a Comment