(GDVN) - Trớ trêu thay, tầm nhìn của Tập Cận Bình lại mâu thuẫn với tư tưởng của Mao Trạch Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Tờ South China Morning Post ngày 23/11 đưa tin, chủ đề của hội nghị trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng trước là vấn đề pháp trị, quản lý nhà nước theo pháp luật. Tuy nhiên ông Tập Cận Bình dường như lại đang muốn bổ sung các quy tắc của đạo đức xã hội vào quản trị đất nước.
"Để thực hiện mục những mục tiêu quản lý nhà nước theo pháp luật, chúng ta cần phải duy trì sự kết hợp của hoạt động quản trị quốc gia theo luật pháp cùng với đạo đức xã hội", một tài liệu được hội nghị trung ương 4 thông qua cho biết. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định phải thực hiện song song "pháp trị" và "đức trị" trong các bài phát biểu của mình tại các phiên họp của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã đặt ra nhiệm vụ tìm kiếm một nền tảng đạo đức mới cho những gì ông gọi là phục hưng dân tộc Trung Hoa. Nhiệm vụ này là đào sâu lịch sử và tìm kiếm trong các truyền thống của Trung Quốc ý tưởng pháp trị và đức trị, phản ánh hai trường phái chính trị và quản trị từ lâu đã thống trị lịch sử Trung Quốc, Pháp gia và Nho giáo.
Tập Cận Bình đưa ra khái niệm quản lý nhà nước, quản trị quốc gia theo pháp luật nhưng không giống với những nền pháp trị của phương Tây. Các chuyên gia cho rằng Tập Cận Bình đã cố gắng khai thác truyền thống của Pháp gia, trong đó nhấn mạnh những hình phạt khắc nghiệt để kiểm soát các quan chức và chi phối mọi công dân trong đời sống xã hội.
Pháp gia xem luật pháp là công cụ của nhà cầm quyền để duy trì quyền lực. Tập Cận Bình cũng đã định hướng tham khảo tư tưởng của Hàn Phi (281-233 trước Công Nguyên), học giả nổi tiếng Trung Quốc thời Chiến Quốc, giai đoạn Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa vốn nổi tiếng với tư tưởng "cai trị độc đoán" từ hơn 2200 năm trước.
"Khi mọi người tuân theo pháp luật, quốc gia đó mạnh mẽ. Khi mọi người không tuân thủ pháp luật, quốc gia đó suy yếu", Tập Cận Bình dẫn lời khuyên của Hàn Phi thủa trước. Ông Bình cũng dẫn quan điểm của Thương Ưởng (khoảng 390 - 338 trước Công Nguyên) về chính sách "khắc nghiệt" của nhà Tần đã biến một nước yếu thành "đế quốc đáng sợ".
Pháp gia đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển triều đại nhà Tần trở nên mạnh mẽ, và hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã sử dụng tư duy Pháp gia để thống nhất đất nước. Nhưng với sự sụp đổ của nhà Tần và bạo chúa Tần Thủy Hoàng, Nho giáo đã thay thế Pháp gia trong nền chính trị Trung Quốc. Trong khi Pháp gia được xem là "phe cải cách" thì Nho giáo bị coi là "phe bảo thủ".
Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc biểu quyết trong phiên hội nghị trung ương 4 vừa qua. |
Trớ trêu thay, tầm nhìn của Tập Cận Bình lại mâu thuẫn với tư tưởng của Mao Trạch Đông. Trong Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông phát động một chiến dịch tố Nho giáo, Khổng Tử trong khi tôn vinh Pháp gia. Nhưng ngày nay Tập Cận Bình thấy rằng cả hai trường phái tư tưởng này đều có liên quan đến nền chính trị hiện đại.
Các nhà phân tích lưu ý rằng, Tập Cận Bình đã thông qua các chính sách kiểm soát chặt các dân tộc thiểu số và chống tham nhũng, hung hăng với các nước láng giềng (mà Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ, nhưng Nho giáo vẫn đại diện cho quản trị "mềm" của Trung Quốc. Tập Cận Bình nhiều lần ca ngợi về quy tắc đạo đức xã hội, trong các bài phát biểu của mình ông Bình thường trích dẫn từ Luận Ngữ, một trong những bộ kinh điển của Nho giáo ghi lại lời Khổng Tử.
Trong một hội thảo quốc tế kỷ niệm 2565 năm ngày sinh Khổng Tử vào tháng 9 vừa qua, Tập Cận Bình ca tụng đạo đức và tư tưởng của Khổng Tử như "ánh sáng dẫn đường" cho Trung Quốc hiện đại và nói rằng đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kế thừa của các truyền thống văn hóa Trung Quốc đặc trưng bởi Nho giáo.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng 2 trường phái tư tưởng này mâu thuẫn nhau nên việc kết hợp chúng vào quản trị hiện đại sẽ là một thách thức đối với Tập Cận Bình và Trung Nam Hải. Xiaoyu Pu, giáo sư khoa chính trị đại học Nevada cho rằng, 2 trường phái này mâu thuẫn vì dựa vào các quy tắc đạo đức là không đáng tin cậy so với pháp luật. Nhưng mặt khác, một trật tự xã hội tốt cần phụ thuộc cả vào pháp luật và đạo đức.
Zhang Qianfan, một giáo sư luật Hiến pháp từ đại học Bắc Kinh cho rằng thật khó để áp dụng cả tư tưởng Pháp gia với Nho giáo vào quản trị, vì hai trường phái này "mâu thuẫn nhau một cách tự nhiên". Theo ông trách nhiệm của chính phủ là thúc đẩy pháp quyền, còn đạo đức hãy để lại cho xã hội điều chỉnh.
Steve Tsang, một giáo sư về Trung Quốc tại đại học Nottingham bình luận, thực ra Tập Cận Bình chỉ đơn thuần sử dụng các thuật ngữ và khái niệm của cả Nho giáo lẫn Pháp gia để hô khẩu hiệu tăng cường vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay, các nhà phân tích không nhất thiết phải suy diễn ra một ý nghĩa nào đó sâu sắc hơn.
No comments:
Post a Comment