Sunday, November 23, 2014

Việt Nam: Bộ máy hành chánh càng 'tinh giản', càng cồng kềnh

HÀ NỘI (NV) - Sau nhiều lần thề thốt 'tinh giản biên chế', bộ máy công quyền ở Việt Nam càng cồng kềnh mà Văn phòng Chính phủ - một cơ quan tương đương cấp bộ là bằng chứng của sự trái khoáy đó. 


Mỗi năm, bộ máy công quyền ở Việt Nam ngốn hết 9,5% GDP, vượt xa mức chi tiêu cho bộ máy công quyền ở các quốc gia đang phát triển. (Hình: Tiền Phong)

Chẳng hạn, Vụ Kinh tế Tổng hợp của Văn phòng Chính phủ Việt Nam hiện có 20 công chức thì chỉ có ba là chuyên viên, còn lại 17 công chức là Vụ trưởng hoặc hưởng phúc lợi ngang hàm vụ trưởng, hay vụ phó hoặc hưởng phúc lợi ngang hàm vụ phó.

Tương tư, Vụ Kinh tế Ngành cũng thuộc Văn phòng Chính phủ, chỉ có 6 chuyên viên trong khi có đến 26 công chức đảm nhận vai trò Vụ trưởng hoặc hưởng phúc lợi ngang hàm vụ trưởng, hay vụ phó hoặc hưởng phúc lợi ngang hàm vụ phó.

Vụ Kế hoạch - Tài chính của Văn phòng Chính phủ cũng chẳng khác gì. Vụ này chỉ có hai chuyên viên, 12 công chức còn lại hoặc đảm nhận vai trò Vụ trưởng hoặc hưởng phúc lợi ngang hàm vụ trưởng, hay vụ phó hoặc hưởng phúc lợi ngang hàm vụ phó.

Năm 2002, Việt Nam thu gọn 48 bộ, cơ quan tương đương cấp bộ hoặc trực thuộc chính phủ thành 30 (18 bộ, 4 cơ quan tương đương bộ và 8 cơ quan trực thuộc chính phủ). Tuy nhiên bộ máy công quyền vẫn phình ra tới mức không thể tưởng tượng như vừa kể.

Báo cáo sơ bộ của 18 bộ, cơ quan tương đương cấp bộ và 7 cơ quan trực thuộc chính phủ (còn thiếu báo cáo của 5 cơ quan nữa) cho thấy, bộ máy cấp trung ương có ít nhất 329 viên chức lãnh đạo từ cấp phòng trở lên. Trong đó, có 96 viên chức nhận các phúc lợi dành cho hàm vụ trưởng, 150 viên chức nhận các phúc lợi dành cho hàm vụ phó.

Bộ trưởng Nội vụ của Việt Nam thú nhận, trung bình, mỗi bộ, cơ quan tương đương cấp bộ và cơ quan trực thuộc chính phủ có khoảng… 6 viên chức hàm thứ trưởng. Viên Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam tiết lộ ông ta từng đề nghị Ban Cán sự Đảng của Chính phủ nên ấn định số lượng thứ trưởng nhưng khi đề nghị này được đem ra bỏ phiếu thì không đạt quá bán.

Tình trạng nhân sự trong bộ máy công quyền ở cấp địa phương được nhận định là tồi tệ hơn. Việt nam hiện có 63 tỉnh, thành phố. Theo qui định, chính quyền mỗi tỉnh hiện có từ 3 đến 5 phó chủ tịch và từ 4 đến 8 ủy viên. Mỗi địa phương hiện có khoảng 20 sở, ngành. Tương tự, bộ máy điều hành cấp huyện có từ 7 đến 9 viên chức lãnh đạo. Bộ máy điều hành cấp xã có từ 3 đến 5 viên chức lãnh đạo.

Tuy nhiên Bộ trưởng Nội vụ của Việt Nam thú nhận, không thể nắm được số viên chức lãnh đạo các địa phương là bao nhiêu vì “lĩnh vực tổ chức các bộ được phân công, phân cấp mạnh mẽ và triệt để nhất, các bộ, ngành, địa phương tự quyết định. Thủ tướng chỉ quản diện thứ trưởng, tất cả các chức danh, chức vụ còn lại  đều phân cấp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh”.

Cũng theo viên bộ trưởng Nội vụ của Việt Nam thì kế hoạch biên chế công chức hàng năm mà các bộ, ngành, địa phương gửi về luôn đề nghị tăng từ 9% đến 11% so với biên chế công chức được giao của năm trước.

Bộ Nội vụ Việt Nam vừa công bố đề án từ nay đến năm 2020 giảm 100,000 cán bộ, viên chức nhưng viên bộ trưởng Nội vụ của Việt Nam, năm ngoái, chỉ có 0.46% công chức “không hoàn thành nhiệm vụ” thành ra khả năng giảm 100,000 cán bộ, viên chức là rất thấp.

Trong khi chờ đợi chính quyền Việt Nam “thực hiện thành công kế hoạch cải cách chế độ công vụ, công chức”, dân chúng Việt Nam vẫn phải còng lưng nuôi công chức. Người ta xác định, trong giai đoạn từ 2001 – 2012, chi tiêu cho hệ thống công quyền - nuôi công chức Việt Nam ngốn 55.37% tổng chi tiêu của cả quốc gia. (G.Đ)
11-21-2014 1:35:43 PM

No comments:

Post a Comment