Bìa sách ở Việt Nam ngày một hỗn độn những hình ảnh, tít tựa câu khách. (Hình: Phụ Nữ Sài Gòn)
Ngoài cuốn sách luật có bìa “công lý mặc quần lót” đã bị Cục Xuất Bản yêu cầu thu hồi, còn có một cuốn sách khác là Bộ Luật Hình Sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 cũng do Nhà xuất Bản Lao Động-Xã Hội ấn hành, với ảnh bìa cán cân công lý một bên là đồng hồ một bên là tiền đô.
Trên đây chỉ là hai trong vô số trường hợp nội dung một đằng, bìa sách một nẻo, hoặc cố tình câu khách bằng những hình ảnh, tít tựa gây sốc đối với sách của Việt Nam và cả sách dịch từ nước ngoài, nhằm tạo sự chú ý vẫn còn nhan nhản tại Việt Nam hiện nay.
Mới đây, phiên bản cuốn sách nổi tiếng Nhật Ký Anne Frank của Hàn Quốc vừa xuất bản đã bị độc giả xứ kim chi phẫn nộ chỉ vì bìa sách là hình ảnh cô gái trẻ nằm nghiêng, áo hơi hở cổ. Còn ở Việt Nam, hở cổ là chuyện thường, bìa sách còn minh họa cả ảnh khỏa thân, gợi cảm khiêu khích.
Ngay cả sách văn học Việt Nam cũng bắt đầu “nắm bắt thị hiếu” này bằng những bìa sách ngày càng táo bạo hơn. Gần đây có lẽ phải kể đến cuốn Nude tình yêu của tác giả Võ Hồng Thu. Bìa là ảnh cô gái khỏa thân nằm ở tư thế cực kỳ gợi cảm, bìa bốn cũng “rạo rực” không kém với đoạn trích dẫn miêu tả cho “khúc dạo đầu.”
Tương tự, tập thơ “Người tình ngoài sổ sách” của nhà thơ Văn Thanh cũng khiến bạn bè “choáng” với bìa cô gái khỏa thân ngồi gục đầu,... không khác lắm so với những cuốn sách khai thác đề tài “tình tiền tù tội” từng được bày bán nhan nhản ở bến xe.
Không đứng ngoài cuộc với các lĩnh vực nghệ thuật “nổi tiếng và tai tiếng” khác, sách cũng ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy câu khách, nếu không gây sốc bằng bìa “gợi cảm” thì cũng bằng tựa sốc: Hễ sướng thì hét lên, Lỡ tay chạm vào ngực con gái, Đàn ông chọn khe ngực sâu, Hợp đồng chăn gối, Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bằng tất cả những gì em cho...
Nội dung hay dở, yêu thích đồng cảm hay không phụ thuộc thẩm định sau đó của độc giả, nhưng nếu chỉ mới nhìn qua đã thấy rõ ràng là những kiểu đặt tít tựa này chỉ nhằm mục đích trước nhất là thu hút sự chú ý. Tít tựa gây sốc tràn lan vô hình trung khiến văn học cũng giảm giá trị, bát nháo, dễ dãi, rẻ tiền.
Bà Mai Thị Hương, trưởng phòng quản lý xuất bản thuộc Cục Xuất Bản, In và Phát Hành Việt Nam cho biết, một năm cục này nhận được từ 28,000 đến 30,000 đầu sách với khoảng 300 triệu bản.
Song, “Trong khi đó, Phòng quản lý xuất bản chỉ có 10 người, thì 4 người chuyên về lưu chiểu dữ liệu, 6 người làm công tác quản lý văn bản. Nên việc đọc hậu kiểm giỏi lắm cũng được không quá 50% số sách nộp lưu chiểu,” bà Hương thừa nhận. (Tr.N)
11-21-2014 4:13:02 PM
No comments:
Post a Comment