GARDEN GROVE, California (NV) - Từ số tuổi đời, tuổi nghề, đến số tiền vận động cho cuộc tranh cử, tất cả chỉ khoảng một nửa so với người thị trưởng đương nhiệm, Bảo Nguyễn gây bất ngờ khi vượt lên dẫn đầu và chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế thị trưởng thành phố Garden Grove.
Bảo Nguyễn vừa vượt qua người đương nhiệm trong cuộc bầu cử chức thị trưởng thành phố Garden Grove. (Hình: baonguyen.us)
Thua sau Bảo Nguyễn đúng 15 phiếu trong tổng số gần 30,000 phiếu bầu, thị trưởng Bruce Broadwater hiện nhờ luật sư yêu cầu tái kiểm phiếu với hy vọng thay đổi kết quả chung cuộc. Dù gì thì ông cũng từng có kinh nghiệm đến 22 năm làm việc cho hội đồng thành phố, trong đó có 5 nhiệm kỳ giữ chức thị trưởng.
Bên cạnh đó, lịch sử Garden Grove chưa bao giờ có một thị trưởng da màu hay chỉ mới 34 tuổi như Bảo Nguyễn.
Trong khi phía ông Broadwater đang tiến hành các thủ tục yêu cầu tái kiểm phiếu, Bảo Nguyễn vẫn theo dự định từ trước, bay sang Washington D.C. để tham dự hội nghị New American Leaders Project và National Association of Lation Elected Officials, nơi mà các nhà lãnh đạo xuất thân di dân cùng gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm.
“Tôi tham gia chương trình này nhiều năm nay rồi,” Bảo giải thích, “những người thành công đi trước có nhiều điều để mình học lắm.” Anh cho biết vẫn tiếp tục vận động tài chánh vì cần một luật sư giỏi để bảo vệ các lá phiếu mà cử tri dành cho mình.
Bảo Nguyễn nói chuyện từ tốn, từng câu chữ phát ra mạnh mẽ, to và rõ. Lần phỏng vấn qua điện thoại này, anh nói lớn hơn mọi khi vì đang ở ngoài trời, trên đường đến dự sự kiện. Trời Washington D.C. vào một ngày đông xuống còn âm vài độ, những câu trả lời thỉnh thoảng lại xen lẫn vài tiếng xuýt xoa lạnh.
“Dân California quen nắng ấm rồi,” Bảo cười.
Đây chẳng phải lần đầu anh đặt chân đến thủ đô của Hoa Kỳ. Năm cuối trung học, Bảo lần đầu đến đây khi được chọn là học sinh đại diện địa hạt dân biểu liên bang tham dự chương trình Presidential Classroom, một chương trình giáo dục giới trẻ về những ban ngành và vấn đề khác nhau trong chính phủ Hoa Kỳ.
Thích thú đạp thử chiếc xích lô của một cuộc diễn hành Tết. (Hình: baonguyen.us)
Đam mê dành cho chính trị của người thanh niên dong dỏng cao, rất ốm, hay đeo cà vạt hoặc nơ nhiều màu này bắt đầu từ rất sớm. Anh kể:
“Tôi là con thứ sáu, con trai út, trong gia đình có bảy anh chị em. Mẹ tôi khi đó mang bầu tôi, cùng ba và mấy anh chị đi vượt biên nhiều lần, rất nhiều khổ sở, mới đặt chân đến Thái Lan. Lúc đó nhiều người Thái không chào đón thuyền nhân, không cho chúng tôi vào. Cuối cùng, một số nhà sư người Thái Lan đã dang tay đón nhận thuyền chúng tôi, cho vào chùa ăn bữa tối trước khi đưa chúng tôi đến trại tị nạn. Lòng tốt của các vị sư đó chúng tôi không bao giờ quên được.”
“Khoảng một tháng ở trại tị nạn Thái Lan thì mẹ tôi sinh tôi. Gia đình tôi sang Mỹ khi tôi 3 tháng tuổi, ở Tennessee, đến lúc tôi năm tuổi thì chuyển sang sống tại California.”
“Trường tôi học có nhiều bạn người Mexico, và tôi thích thực hành ngôn ngữ này với các bạn. Tôi còn nhớ lúc đó tôi học lớp ba, đang đứng xếp hàng, và nói vài câu chào hỏi bằng Tiếng Tây Ban Nha với bạn bè thì một giáo viên mắng, yêu cầu chúng tôi phải nói Tiếng Anh. Tôi thấy khó chịu và nhớ mãi kỷ niệm này.”
“Tôi quyết định bước vào chính trị là vào những năm trung học. Năm 1996, bà Loretta Sanchez ra tranh cử chức dân biểu liên bang và bị người đương nhiệm tấn công bằng những thủ đoạn nhắm vào những di dân người gốc Nam Mỹ ủng hộ cho bà Sanchez. Sự kỳ thị và những thủ đoạn của ông này khiến tôi không chấp nhận được. Nhiều bạn bè của tôi cũng có thái độ tương tự, coi thường người di dân.”
“Tôi là con của một gia đình thuyền nhân. Chúng tôi từng vượt biên, mặc sự cấm đoán của chính quyền Việt Nam lúc đó. Đồng cảm, tôi bắt đầu tình nguyện giúp bà Sanchez vận động tranh cử.”
Bảo Nguyễn cười lớn khi nhắc lại kỷ niệm thời trung học, thời mà trong kỷ yếu của trường, bạn bè mô tả anh là “Loretta’s lover”- “người yêu bà Loretta”.
Từ những khởi đầu đó, Bảo Nguyễn bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, và lấy bằng tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học chính trị tại đại học UC Irvine. Anh cũng có bằng cao học môn Phật Học tại Naropa University.
Vừa làm việc toàn thời gian cho Nghiệp Đoàn Công Nhân Săn Sóc Tại Gia, vừa giữ một số vai trò khác nhau trong nhiều tổ chức mà vai trò ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove là một ví dụ, có thể nói, việc vận động tranh cử vào chức thị trưởng Garden Grove là một cố gắng cam go, đầy tham vọng của Bảo Nguyễn.
Đâu là thử thách lớn nhất để kêu gọi đủ số phiếu đem lại chiến thắng?
“Khó khăn lớn nhất thực ra là về tài chánh,” Bảo Nguyễn trả lời. “Tôi đấu tranh cho quyền lợi của người lao động và người nghèo. Tuy được mọi người ủng hộ, vấn đề lớn nhất của chúng tôi là về chi phí rất tốn kém để trang trải cho cuộc vận động.”
“Khi ông Broadwater gửi thư cho các cử tri Việt Nam, nói tôi là Việt cộng, chúng tôi không có đủ tiền để gửi thư giải thích đến các cử tri,” anh dẫn dụ.
“Giờ thì chúng tôi phải tiếp tục vận động tài chánh để có thể mướn một luật sư giỏi, bảo vệ số phiếu của chúng tôi trước luật sư của ông Broadwater.”
Chia sẻ về việc vượt qua thử thách trên, Bảo Nguyễn cho biết:
“Thành công của tôi là nhờ có được sự tin tưởng của cử tri. Nhiều người không đi bầu vì quá chán ngán những cuộc tranh chấp chính trị, những nhà lãnh đạo đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng, họ không còn tin tưởng vào giới chính trị gia. Cử tri đặt niềm tin vào tôi qua những việc tôi đã và sẽ làm. Đủ mọi sắc dân, đủ mọi thành phần, có những bạn trẻ đi học xa chưa bao giờ đi bầu nhưng đã ghi danh để bỏ phiếu cho tôi.”
Bảo Nguyễn nhấn mạnh việc anh đại diện cho mọi thành phần, người trẻ hay người lớn tuổi, người Việt hay không phải người Việt. “Tất cả chúng ta, có thể có xuất thân khác nhau, cùng chia sẻ những khó khăn và những giá trị sống.”
Về những dự định dành cho Garden Grove trong thời gian tới, Bảo Nguyễn cho biết anh đang tìm cách tạo thêm nhiều công việc kỹ thuật cao, đặc biệt về ngành máy tính và điện tử.
“Tôi hy vọng sẽ xây dựng một 'Silicon Grove' cho thành phố Garden Grove, tạo nhiều việc làm hơn cho giới trẻ. Khi đó, người lao động sẽ giàu có hơn và con em chúng ta sau khi đi học có thể về lại thành phố để được sống gần cha mẹ, ông bà,” Bảo Nguyễn nói. Anh cũng đề cập đến những giá trị gia đình của người Việt.
Trong ba thành phố có đông người Việt Nam sinh sống nhất toàn nước Mỹ, San Jose là thành phố đông dân nhất với khoảng 1 triệu dân - trong đó có 100,000 người Việt, Garden Grove xếp hạng hai với khoảng 170,000 dân - 47,000 người Việt, và kế đến là Westminster với khoảng 92,000 dân - 36,000 người Việt.
Người gốc Việt từng giữ vị trí cao nhất tại San Jose là phó thị trưởng Madison Nguyễn, và tại Westminster là thị trưởng Tạ Đức Trí. Nếu kết quả cuộc tranh cử chức thị trưởng Garden Grove không thay đổi, Bảo Nguyễn sẽ là người Việt Nam từng giữ vị trí cao nhất của thành phố.
11-22-2014 3:23:38 PM
Thiên An/Người Việt
No comments:
Post a Comment