Monday, November 3, 2014

“Quậy” ông Tập, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư TQ bị “ngồi chơi xơi nước“

Đăng Bởi  - 

Trưởng ban tuyên giáo Lưu Vân Sơn (cầm sách)
Trưởng ban tuyên giáo Lưu Vân Sơn (cầm sách)
Ông Lưu Vân Sơn, Trưởng ban tuyên giáo TW Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) mất dần quyền lực vì là thủ túc thân tín của cựu tổng bí thư CPC Giang Trạch Dân, theo báo The Epoch Times ở Hồng Kông. Ông Lưu bị cho là triệt để quấy rối chủ tịch Tập Cận Bình. 

Trong 7 ủy viên thường vụ Bộ chính trị CPC, ông Tập xếp số 1 còn ông Lưu xếp thứ năm. Ông được chọn vào đội ngũ lãnh đạo cao nhất này từ năm 2007 và có nhiệm kỳ hai hồi năm 2012, nhờ tầm ảnh hưởng của ông Giang.
Học tập nghị quyết trễ là có vấn đề?
Ông Lưu phục vụ cho các lợi ích của ông Giang từ năm 2002 bằng cách nắm chặt cơ quan tuyên truyền của CPC.
Một trong những dấu chỉ vai trò của ông Lưu đã bị giảm có thể căn cứ vào lịch họp sau Hội nghị TW 4 của CPC vừa tổ chức hồi trung tuần tháng 10.
Truyền thống của CPC là sau kỳ họp kín hàng năm của trung ương đảng, các cơ quan nhà nước và đảng bộ phải học tập nghị quyết, thông điệp chủ đạo của trung ương.  
Ngày 23.10, tức một ngày sau khi bế mạc Hội nghị TW 4, Quốc hội và Chính Hiệp (tương đương mặt trận tổ quốc) đã mở cuôc học tập nghị quyết. 
Nhưng phải đến ngày 25.10, ông Lưu cùng Ban tuyên giáo TW (BTG) mới học tập nghị quyết hội nghị TW 4.
Theo các nhà quan sát, sự trì hoãn này được xem là một dấu chỉ cho thấy BTG không còn được sủng ái như trước.
Chưa hết, Chủ nhiệm Cục An ninh thông tin mạng Lu Wei không dự cuộc họp của BTG, dù internet là một phần quan trọng trong cỗ máy tuyên truyền của CPC.
Lu đã tổ chức một phiên học tập khác cho cơ quan của ông vào ngày 24.10. Và sự vắng mặt của Lu trong phiên học tập của BTG ám chỉ Cục an ninh thông tin mạng không còn chịu sự kiểm soát của ông Lưu.
Bộ phận này ban đầu có tên “Cục Thông tin internet nhà nước” và báo cáo trực tiếp với Hội đồng chính phủ. Ngày 27.2.2014, ông Tập nắm quyền lãnh đạo Cục này, đặt lại tên  và cơ cấu thành một đơn vị của trung ương đảng.
Trưởng ban tuyên giáo "đánh" Tổng bí thư
Dù ông Giang có người kế nhiệm vai trò tổng bí thư CPC hồi năm 2002 là ông Hồ Cẩm Đào nhưng ông Giang vẫn duy trì tầm ảnh hưởng sâu rộng suốt 10 năm sau đó. Việc nắm BTG là một cách để ông Giang hạn chế quyền lực của người kế nhiệm.
Trước khi ông Tập nắm quyền lực hồi tháng 11.2012, ông Giang cùng các thuộc hạ trung thành cũng tìm cách hạn chế quyền lực của ông Tập.
Thậm chí đã có thông tin các “chiến hữu” Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai âm mưu lật đổ và ám sát ông Tập. Chu đang bị điều tra tội tham nhũng và lạm quyền, Bạc đã bị tuyên án tù chung thân vì hai tội tương tự.
Ông Lưu thì liên tục gây rối cho ông Tập bằng cách kiểm duyệt và làm hiểu sai về những bài hùng biện của ông.
Với quyền hạn lãnh đạo BTG trên khối truyền thông, ông Lưu nhiều lần tỏ thái độ bất mãn về chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập.
Các bản tin của Đài truyền hình trung ương (CCTV) hồi  cuối tháng 7 thường đưa tin mờ nhạt vụ đánh Chu, hoặc trang điện tử của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của CPC)  sau khi đăng bài "Đánh hổ lớn Chu Vĩnh Khang không phải là đợt đánh tham nhũng cuối" đã bị rút xuống.
Hoặc dịp Tết Nguyên Đán 2013, báo Phương Nam tuần san (ở tỉnh Quảng Đông) ban đầu đăng bài xã luận “Giấc mơ Trung Hoa, Giấc mơ của người bảo vệ hiến pháp”,  kêu gọi hiến pháp Trung Quốc bảo vệ quyền lợi của mọi người dân.
Nhưng theo lệnh của Tuo Zhen, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Đông, bài xã luận bị thay bằng một bài ca ngợi đảng.  
Ý tưởng “giấc mơ của người bảo vệ hiến pháp” dựa theo một bài diễn văn của ông Tập ngày 4.12.2012, quảng bá sức mạnh của hiến pháp và tinh thần tuân thủ pháp luật.
Khi ấy, ông Tập nói: “Một quốc gia được điều hành theo luật thì trước tiên phải tuân thủ Hiến pháp, và một sự điều hành đúng pháp luật phải dựa theo Hiến pháp”.
Một ví dụ khác về sự can thiệp của ông Lưu, là ngày 15.10.2014, em trai ông Tập là Tập Viễn Bình bất ngờ khoe vợ là nữ ca sĩ “Hoa khôi quân đội” Trương Lan Lan trên một bài báo của Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến nhật báo.
Ông Tập em cũng rất tự hào về anh trai: “Ngoài mục tiêu xây dựng một quân đội vững vàng và một quốc gia giàu mạnh, Chủ tịch Tập còn nỗ lực xây dựng nền giáo dục đạo đức theo tinh thần Nho giáo, tập trung vào phát triển mối quan hệ gia đình và tinh thần tự rèn luyện.”
Ông Tập em viết bài này nhân kỷ niêm sinh nhật 101 tuổi của ông Tập Cận Huy, cha của hai anh em, đăng ảnh ông với mẹ và vợ.
Nhưng chỉ vài giờ sau, bài báo được gỡ khỏi các trang điện tử của Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo, China News… Nguồn tin từ tờ Nhân dân nhật báo cho biết chính quyền yêu cầu “không khuấy đảo sự nghiệp diễn xuất thuộc về quá khứ của bà Trương”.
Cùng ngày 15.10 ấy, Tổng bí thư Tập Cận Bình có bài diễn văn dài 2 giờ, nêu nhiều vấn đề liên quan cảm hứng sáng tác thơ văn, nghệ thuật. Bài phát biểu này được xem là cách để ông Tập phản công hệ thống tuyên truyền của ông Lưu.
Mới đây còn có thông tin các thủ túc thân tín của ông Giang “chia sẻ” các cô bồ với nhau, hoặc CCTV, tiền đồn của BTG bị đánh liên tục. 
Cụ thể, tháng 12 năm ngoái, Lý Đông Sinh, cựu phó tổng giám đốc CCTV đã bị bắt mở đầu cho chuỗi các nhân vật trong đài nhà nước này bị điều tra.
Lý từng là phó trưởng BTG trước khi làm Thứ trưởng Bộ Công an. 
Hoạt Pha, một nhà phân tích chính trị Trung Quốc cho biết: "CCTV là một cơ quan quyền lực tại Trung Quốc mà hiếm ai dám động vào. Việc một loạt các nhân viên của CCTV bị bắt bớ cho thấy ông Tập  đang tấn công vào thành trì của ông Lưu".
Mai Hà (theo The Epoch Times)

No comments:

Post a Comment