HÀ NỘI (NV) .- Ba ngân hàng: Deutsch Bank, HSBC và Standard Chartered Bank đã được Việt Nam ủy quyền để giởi thiệu chương trình phát hành trái phiếu này với giới đầu tư trái phiếu.
Biểu đồ diễn tả nợ nần của Việt Nam từ 2003 – 2013. Trong 10 năm tăng gấp năm lần. (Hình: VnExpress)
Hồi cuối tháng 8, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, đã từng loan báo về việc vay một tỉ Mỹ kim thông qua chuyện phát hành trái phiếu để trả nợ. Lý do là vì Việt Nam đang nợ xấp xỉ một tỉ Mỹ kim với lãi suất cao. Việc vay một tỉ Mỹ kim thông qua chuyện phát hành trái phiếu để trả nợ không giúp giảm nợ nhưng sẽ giúp giảm lãi.
Đây là lần thứ ba trong vòng chín năm vừa qua, Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế. Năm 2005, lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu Mỹ kim, với kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,125%/năm và phải trả cả nợ gốc lẫn lãi vào năm 2016.
750 triệu Mỹ kim này được giao cho Vinashin – một tập đoàn nhà nước. Vinashin vứt hết vào các dự án, kế hoạch vô bổ rồi phá sản nên chính quyền Việt Nam phải trả nợ thay.
Đến năm 2010, Việt Nam tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore để vay 1 tỉ Mỹ kim với kỳ hạn 10 năm, lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm. Khoản vay này tiếp tục được giao cho Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực và Vinalines... Nay Vinalines chẳng khác gì Vinashin.
Tuy nhiên hồi cuối tháng trước, khi đề cập tới việc phát hành trái phiếu quốc tế, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam cho biết, nợ ngoại quốc đang được dùng cho đầu tư phát triển. Cũng cần nói thêm, các kế hoạch vay mượn của Việt Nam được giới thiệu song song với những cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về nguy cơ vỡ nợ.
Càng ngày càng nhiều mâu thuẫn trong đánh giá về tình trạng nợ nần của Việt Nam. Giống như nhiều chuyên gia kinh tế, phía Nhà nước và Quốc hội công khai tỏ ra lo ngại về tình trạng nợ nần càng lúc càng tăng, trong khi nhà cầm quyền CSVN ra sức trấn an nợ nần vẫn chưa vượt quá giới hạn cho phép.
Hồi trung tuần tháng trước, ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam, cảnh báo, cách nay vài năm, chi thường xuyên (các khoản chi để nuôi bộ máy công quyền) chỉ khoảng 50%, nay đã tăng lên thành 72% và sẽ còn lên nữa nếu quản trị không hiệu quả. Cũng vì vậy, theo ông Sang, 28% còn lại không đủ để trả nợ thành ra Việt Nam phải vay để trả nợ. Ông Sang bảo rằng tình hình nợ nần đã nguy hiểm tới mức “không thể đủng đỉnh”.
Đến hạ tuần tháng trước, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội CSVN, cảnh báo, ngân sách Việt Nam đang ở giai đoạn “rất khó khăn”. Các khoản nợ phải trả đang ngày một lớn so với nguồn thu. Trong tài khóa năm tới, chế độ Hà Nội dự trù sẽ dành khoảng 40% ngân sách để trả nợ, vượt xa giới hạn mà Quốc hội đề ra là chỉ dùng 25% ngân sách để trả nợ.
Một lần nữa, ông Hiển lập lại nhận định mà Quốc hội CSVN đã từng đề cập nhiều lần. Đó là thật ra, nợ nần của Việt Nam cao hơn mức mà nhà cầm quyền trung ương báo cáo rất nhiều.
Cho đến nay, phía nhà cầm quyền Hà Nội vẫn cả quyết, không thể xem những khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước là nợ của chính quyền. Các doanh nghiệp nhà nước tự vay và tự trả. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế và Quốc hội thì cả quyết đó là một kiểu ngụy biện. Chính quyền CSVN ngụy biện như thế để trấn an mọi người rằng, nợ nần của nhà nước chưa vượt quá mức 65% GDP.
Song đến cuối tháng trước, hôm 29 tháng 10-2014, ở phiên họp thường kỳ của Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn thản nhiên khẳng định, nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, “chính phủ sẽ công khai tình trạng nợ nần và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Ngân sách vẫn đủ trả nợ còn việc phải “đảo nợ” (vay nợ mới để trả nợ cũ) là “giống như quốc tế”, sau “đảo nợ”, tổng nợ không thay đổi, những món vay sau có thời hạn vay dài hơn, lãi thấp hơn.
Ông Dũng khẳng định như thế sau khi từng báo cáo với Quốc hội Việt Nam rằng nợ nần chính thức của Việt Nam đã tăng từ 54,2% GDP hồi năm ngoái lên 60,3% GDP trong năm nay và tiếp tục tăng lên thàng 64,9% GDP vào năm 2016. (G.Đ)
11-03-2014 3:29:29 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment