Đăng Bởi -
Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan, Nghiêm Minh
Theo nguồn tin trên, Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan sẽ tới Ba Bình cùng với các thành viên của cơ quan Ngoại giao, Quốc phòng và cả quốc hội Đài Loan. Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết ưu tiên hàng đầu trong chuyến thị sát của ông Nghiêm là đánh giá tiến độ xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Ba Bình, bao gồm cả việc nâng cấp quân cảng để có thể tiếp nhận tàu hải quân có tải trọng 3.000 tấn và mở rộng một đường băng cho máy bay vận tải quân sự cỡ lớn hoạt động.
Dự án củng cố phi pháp các căn cứ quân sự của Đài Loan trên đảo Ba Bình trị giá 3,3 tỷ Đài tệ, tương đương 108 triệu USD đã bắt đầu từ đầu năm nay và dự kiến hoàn thành vào cuối năm sau. Các quan chức Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết, việc nâng cấp cảng sẽ giúp các tàu cỡ lớn như CG-128 Yilan hoặc CG-129 Kaohsiung đến đảo Ba Bình và thực hiện tuần tra (phi pháp) vùng biển xung quanh.
Ông Khâu Chí Vĩ, chủ tịch quốc hội Đài Loan nói rằng ngoài việc giám sát tiến độ xây dựng, Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan, Nghiêm Minh còn tới đảo Ba Bình để giám sát cuộc tập trận của pháo binh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội đồn trú (phi pháp) trên đảo.
Trong khi đó, nghị sĩ của Quốc dân đảng Đài Loan là ông Lâm Úc Phương cho rằng, việc nâng cấp quân cảng tại đảo Ba Bình là cần thiết để đối phó với sự hoạt động đáng lo ngại của Trung Quốc tại khu vực.
“Bãi Gạc Ma (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) rất gần với Ba Bình, chỉ cách 70km về phía nam. Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã rất tích cực trong việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo và tăng cường sự hiện diện quân sự (phi pháp) của họ ở đó", ông Lâm nói. "Dù Trung Quốc dự định xây dựng công sự để làm trạm radar, quân cảng hay đường băng, thì nó cũng sẽ đe dọa an ninh quốc phòng của chúng ta trên đảo Ba Bình".
Trước đó, tạp chí quân sự Kanwa cho biết, Trung Quốc sẽ xây dựng một "tàu sân bay không thể chìm" ở biển Đông thông qua một dự án cải tạo các công sự quy mô ở Gạc Ma. Các kế hoạch chi tiết cho thấy "tàu sân bay không thể chìm" bao gồm hai đường băng và hai cảng hải quân.
Sau khi dự án này hoàn tất, Trung Quốc có khả năng sẽ triển khai máy bay ném bom chiến lược H-6 và máy bay chiến đấu tới khu vực nam Biển Đông. Hai cảng hải quân có thể tiếp nhận bất kỳ tàu chiến nào của Trung Quốc, ngoại trừ tàu sân bay như Liêu Ninh.
Về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi hoạt động của nước ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý.
Anh Tú (theo Taipei Times)
No comments:
Post a Comment