(Baodatviet) - Trong nước, Trung Quốc đang đau đầu với Tân Cương, Hồng Kông, Macau. Bên ngoài, Trung Quốc phải lo đối phó với Mỹ đang giám sát Biển Đông.
Chính quyền Bắc Kinh đang phải ứng phó với làn sóng đòi dân chủ đang dâng cao tại các vùng miền trong nước.
Tại Macau, người dân bắt đầu tham gia một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải tổ bầu cử lãnh đạo tại đặc khu hành chính này, bất chấp Bắc Kinh phản đối kịch liệt.
Vào khoảng 12 giờ trưa 24/8 (giờ địa phương), đã có 750 người bỏ phiếu, theo thông báo trên trang web của nhóm tổ chức trưng cầu dân ý.
Cuộc trưng cầu dân ý về cách chọn lãnh đạo của người dân Macau sẽ diễn ra trong 1 tuần và kết thúc vào ngày 30/8, một ngày trước khi ủy ban thân Bắc Kinh công bố tên của vị lãnh đạo mới.
Người dân Macau tham gia trưng cầu dân ý sẽ được hỏi liệu có nên áp dụng hình thức phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm 2019 hay không và cử tri cảm thấy thế nào đối với ứng viên duy nhất trong cuộc bầu cử sắp tới là ông Thôi Thế Anh. Ông Thôi đảm nhiệm vị trí đặc khu trưởng Macau từ năm 2009 cho đến nay.
Trung Quốc đang phải đối phó với loạt bất ổn trong và ngoài nước. Trong ảnh, người dân Hồng Kông biểu tình đòi dân chủ |
Người dân Macau có thể chọn một trong 2 phương pháp để tham gia trưng cầu dân ý: hoặc là bỏ phiếu trực tuyến hoặc đến bỏ phiếu trực tiếp tại một số điểm bỏ phiếu trong đặc khu.
Macau, nơi được mệnh danh là thiên đường cờ bạc, đã được Bồ Đào Nha trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1999. Tương tự như Hồng Kông, đặc khu trưởng Macau được lựa chọn bởi một ủy ban bầu cử thân Bắc Kinh.
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối cuộc trưng cầu dân ý tại Macau, cho rằng người dân đặc khu này “không có quyền” tổ chức một cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến như vậy.
Các nhà tổ chức hi vọng sẽ có khoảng 10.000 người tham dự sự kiện này. Trong năm vừa qua, người dân Macau càng trở nên bất bình với sự kiểm soát của Bắc Kinh. Đã có hơn 20.000 người xuống đường trong tháng 5 để phản đối chính quyền Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 7/2014 tại Hồng Kông, hàng trăm ngàn người cũng tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Cuộc diễu hành này chỉ diễn ra vài ngày sau khi người dân Hồng Kông tự tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách dân chủ thu hút 800.000 người tham gia. Chính quyền Bắc Kinh gọi đây là trò hề và trong nỗ lực giải tán đám đông biểu tình, cảnh sát đã bắt hơn 500 người.
Chính quyền Trung Quốc từng hứa sẽ cho phép người dân Hồng Kông bỏ phiếu bầu đặc khu trưởng vào năm 2017, nhưng bác bỏ khả năng cho phép cử tri chọn ứng viên.
Cơn đau đầu của Trung Quốc vẫn chưa thể chấm dứt với hàng loạt bất ổn tại khu tự trị Tân Cương. Hàng trăm người thiệt mạng khi bạo lực gia tăng ở Tân Cương và khu vực lân cận suốt hai năm qua. Cuối tháng 7/2014, hơn 100 người dã chết trong vụ tấn công ở Tân Cương. Hồi tháng 5/2014, vụ đánh bom tự sát tại khu chợ thuộc thủ phủ Urumqi làm 39 người tử nạn. Tháng 3/2014, 29 người bị đâm đến chết tại một nhà ga xe lửa tại thành phố phía tây nam Côn Minh.
Hôm 23/8, tóa án Tân Cương đã xử tử 8 người với tội danh khủng bố chống phá nhà nước Trung Quốc. Nhóm này thực hiện nhiều cuộc tấn công bạo loạn trong đó nổi bật là cuộc tấn công khủng bố, tự sát bằng xe hơi hồi tháng 10/2013, làm 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương tại quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh. Ba trong số những kẻ bị tử hình hôm qua là chủ mưu vụ việc.
Ngoài ra, những người này còn bị kết án bởi các hành vi nguy hiểm khác như: cướp súng và hành hung cảnh sát, sản xuất trái phép chất nổ, giết quan chức chính phủ, thành lập tổ chức khủng bố.
Tân Cương là nơi sinh sống của nhiều người Hồi giáo thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Những người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong và nhà hoạt động nhân quyền cho rằng chính sách đàn áp của chính phủ Tân Cương là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn. Bắc Kinh một mực phủ nhận cáo buộc này.
Trung Quốc đang tiến hành đàn áp tội phạm ở Tân Cương sau hàng loạt vụ tấn công, bạo loạn gây chết người ở đây. Trong tháng này, tòa án Tân Cương cũng tuyên phạt tù 25 người vì các tội danh liên quan đến khủng bố. Nhà chức trách địa phương thắt chặt an ninh tại các địa điểm công cộng nhằm trấn áp bạo lực.
Có thể nói, Trung Quốc đang phải chia năm xẻ bảy để giải quyết bất ổn. Ngoài nước, quốc gia này phải lo đối phó với Mỹ, nước vừa được Trung Quốc "mời" vào Biển Đông. Thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Myanmar đầu tháng 8 vừa qua đã thúc đẩy Mỹ đưa ra tuyên bố giám sát các hoạt động tại Biển Đông để xem các nước có thực hiện những bước giảm căng thẳng hay không.
Không dừng ở đó, hành động khiêu khích của Trung Quốc khi để chiến đấu cơ chạm trán nguy hiểm với máy bay do thám Mỹ ngoài Biển Đông đã giúp Mỹ có cái cớ để điều động cụm tàu sân bay thứ 2 đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hàng loạt thách thức lớn đang khiến giới cầm quyền Trung Quốc đau đầu. Nhiều chuyên gia lo ngại Trung Quốc túng làm liều, sử dụng quân đội để xử lý các cuộc bạo loạn. Chắc chắn, Trung Quốc phải mất nhiều thời gian để có thể giải quyết mọi việc sao cho "trong ấm ngoài êm".
An Nhiên
No comments:
Post a Comment