(Dân trí) - Có cây cầu mang theo niềm vui, niềm hạnh phúc; có cây cầu mỗi lần đi là một lần lo lắng đến nín thở; có cây cầu mang đến cả cái chết. Cũng có những cây cầu mới chỉ tồn tại trong mơ ước của những người dân nghèo...
Ngày 21/8, cây cầu thứ 7 mang tên “Khuyến học & Dân trí” bắc qua thượng nguồn sông Gianh (Quảng Bình) chính thức khánh thành. Nơi đây, từng có một thời gian dài những đứa trẻ mỗi khi đi học phải cởi quần áo cho vào túi nilon, thổi căng hơi rồi túm chặt, vừa để quần áo khỏi ướt, vừa làm phao qua sông... (Ảnh: Đặng Tài)
Bà con dân bản Cò Pha (Bắc Kạn) vui mừng đón cây cầu treo mơ ước khánh thành ngày 22/8. Trước đây khi chưa có cầu, vào mùa nắng, bà con các dân tộc Mông, Tày và Dao nơi đây phải bì bõm lội nước sâu qua suối. Vào mùa mưa, nước dâng cao, bà con bị cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Châu Như Quỳnh)
Một cây cầu treo qua sông mong manh giữa đại ngàn Quảng Ngãi, mỗi ngày "gánh" hàng trăm lượt người qua lại. Những khe hở trên mặt cầu có thể rơi lọt một đứa trẻ. (Ảnh: Hồng Long).
Ở Sóc Sơn - Hà Nội có cây cầu treo đã xập xệ đến mức này. Ngày 15/7, cầu bị gãy trụ một bên chân cầu. Bà con địa phương tự rào cầu lại, kêu cứu với cơ quan chức năng. Nhưng kêu mãi mà không ai "thưa", không có cầu đi lại, cực chẳng đã, bà con lại dỡ rào ra, đi trên cây cầu dọa sập. (Ảnh: Nguyễn Dương)
Ngày 19/8, một người phụ nữ khi đi qua cây cầu Máng - Quảng Nam (không lan can, rộng 80cm nhưng dài tới gần 300m) vắt ngang sông Trường Giang, đã bịngã xuống sông tử vong. Từ khi cầu được đưa vào sử dụng đến nay, đã có hàng chục người bị ngã xuống sông khi qua cầu, trong đó có hơn 10 người tử nạn. Người dân gọi cây cầu này là cầu “tử thần” hay cầu “vĩnh biệt”. (Ảnh: Công Bính)
Màn đu dây qua sông "kỹ thuật" hơn diễn viên xiếc của người dân xã vùng sâu Hoà Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk. Với người dân nơi đây, cây cầu vẫn chỉ là mơ ước! (Hình ảnh cắt từ clip của VTV).
Hoàng Yến (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment