(Baodatviet) - "Đây là một hiện tượng mù văn hóa, chỉ thấy hình thức chứ không hiểu ý nghĩa, suy nghĩ kém của một số bộ phận".
GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam đã bày tỏ ý kiến của mình trước việc sử dụng sư tử đá nhiều năm quá.
Dốt học làm sang?
PV: - Vừa qua, trước thực trạng cổng chùa, khu di tích, công sở bày sư tử đá, tỳ hưu có hình dáng theo mẫu Trung Quốc, châu Âu; Bộ VHTT&DL đã có công văn chỉ đạo các Ban, Ngành, Sở VHTT&DL, các cơ quan đơn vị về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Quan điểm của ông ra sao trước sự vào cuộc này của Bộ?
GS Ngô Đức Thịnh: - Về cá nhân tôi ủng hộ việc này. Mỗi dân tộc, tất nhiên cần có sự giao lưu về văn hóa, dĩ nhiên có sự vay mượn của nhau, đó là quy luật, nhưng hiện nay chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi văn hóa của TQ từ lâu, tuy nhiên vẫn có xu hướng bản địa hóa để phù hợp.
Còn ở trong những công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của VN, cha ông ta không sử dụng hình tượng con sư tử đá. Bởi vì biểu tượng sư tử đá phải nói về mặt tạo hình rất là đẹp, hình như người ta bị lôi cuốn bởi cái đẹp của nó, nhưng nó mang 1 ý nghĩa rất là khác.
Theo những thông tin của nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật trong và ngoài nước, sư tử đá là con vật thường được sử dụng trong các lăng mộ của Trung Quốc, đặc biệt lăng mộ của các quan, hoàng đế Trung Quốc.
Khi mang cái biểu tượng đó về VN, tôi không phản đối việc chúng ta vay mượn, nhưng phải vay mượn sao cho đúng ý nghĩa. Thực tế, chúng ta lại mang con vật đó đặt trước đền, chùa, cơ quan, khách sạn...có người đặt trước nhà riêng của mình, thì nó quá buồn cười!
Điều đó cho thấy, đây là một hiện tượng mù văn hóa, chỉ thấy hình thức chứ không hiểu ý nghĩa. Ví dụ con rồng, trong tứ quý Long, Ly, Quy, Phượng nó không thuần túy là một con vật cụ thể, mà nó trở thành biểu tượng, trong biểu tượng đó nó mang một ý nghĩa nhất định.
Tôi chỉ khuyên người VN vay mượn thì phải đúng ý nghĩa của nó, một con vật mang ý nghĩa là canh giữ phần mộ mà mang về nhà, mang về đình chùa dùng làm canh giữ cửa thì nó quá buồn cười! Trong khi đó, mỗi dân tộc đều tạo cho mình những linh vật, những biểu tượng, hệ thống biểu tượng phù hợp.
Chính vì vậy, nên việc Bộ văn hóa ra chỉ thị như vậy tôi rất ủng hộ, nhưng cũng không nên quy định thành việc cấm, chúng ta nên khuyến nghị người dân, giải thích cho người dân hiểu, khi hiểu thì sẽ tự sửa chữa.
Ví dụ như cái đèn lồng ngày xưa, chúng ta cũng có đèn lồng, Trung Quốc cũng có, nhu cầu trưng đèn lông vào ngày Lễ tết, cũng là nhu cầu rất cần của người dân. TQ đã lợi dụng để đưa những ý tưởng về vấn đề lãnh thổ vào đó, người dân lại không biết chữ TQ nên không hiểu cứ treo đèn lồng.
Hai sư tử đá được đặt ngay trước cửa chùa Một Cột ở Hà Nội.
|
Thế nhưng, đúng là kiến nghị bỏ đèn lồng đi thì phải có cái gì thay thế vào đó vì nhu cầu sử dụng của người dân vẫn có, tại sao không kiến nghị sử dụng đèn lồng của Hội An, vừa mang đậm tính dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm cho người Hội An, bán được ở nhiều nơi, người dân dễ dàng mua, giá không phải là đắt.
Một điều trớ trêu hơn nữa, đó là con sư tử đá hiện nay đang được lưu hành, không phải mua từ TQ về, mà chính người dân ở làng đá Non nước ở Đà Nẵng tạo ra. Tại sao những con linh vật trong kiến trúc xưa chúng ta đã sử dụng tại sao không dùng, mà lại sản xuất cái đó, bán cho người dân để thay thế?
PV:- Nghiêm cấm sử dụng sư tử của Trung Quốc, nhưng có nhiều người thắc mắc rốt cục sư tử của Việt Nam hình thù trông như thế nào, ông có thể nói rõ hơn?
GS Ngô Đức Thịnh: - VN từ xưa rất ít khi dùng sư tử, mà hay dùng con hổ, con hổ là con vật canh giữ, có thể trấn trừ những cái xấu, cái tà yểm. Con hổ đã được sử dụng trong 1 số đền chùa dưới dạng tranh, tượng. Tất cả các đền đều có ban thờ con hổ, nhất là trong đền chùa thờ bảo mẫu, họ quan niệm con hổ trấn trừ tà ma, giữ không gian thành không gian lành mạnh, không gian thiêng.
Gần đây, việc đưa sư tử đá vào dùng đó chính là văn hóa rườm rà, học làm sang, thấy người ta dùng cũng đưa về nhưng lại mù tịt không hiểu ý nghĩa là gì của một số người.
Nếu giả sử một người nào đó mang sư tử đá về đặt trước khách sạn của mình, hoặc trước nhà, khi vỡ lẽ ra người TQ dùng con vật đó để canh giữ mồ mả thì có lẽ họ cũng tá hỏa. Tôi thấy, đây đúng là thứ rườm rà, khoe của, khoe khoang. Cho nên người có văn hóa thực sự thì phải hiểu nó, còn đây chính là mù văn hóa.
Tâm lý chạy theo đồ ngoại
PV:- Như vậy, có thể thấy người dân có nhu cầu cung tiến nhiều, nhưng họ lại không có đủ nhận thức, không được tuyên truyền đủ để hiểu hết về đúng những hiện vật, lễ vật thuần Việt. Mặt khác, có khi chính các nhà tâm linh, phong thủy cũng là người khuyên họ nên đặt mua những hiện vật như thế. Ông có ý kiến thế nào về những trường hợp này?
GS Ngô Đức Thịnh: - Đối với những di tích văn hóa đã được nhà nước xếp hạng là di sản cấp thành phố, cấp tỉnh hoặc cấp nhà nước, trong Luật di sản nói rất rõ, khi đưa những hiện vật vào trong di tích mà chưa được nhà chuyên môn thẩm định, là đã vi phạm Luật di sản, theo Luật là phải loại bỏ.
Năm 2013, câu chuyện hòn đá bùa yểm ở đền Hùng cũng gây chú ý của dư luận, tự nhiên nghe lời xúi giục, làm sai với Luật di sản. Đối với những di tích đã được coi là di sản, thì phải tuân thủ theo Luật di sản, khi thay đổi cái gì đó, mang cái gì mới vào, phải được thẩm định, phải được sự đồng ý của những người có trách nhiệm, có chuyên môn.
Đừng nên tin những nhà phong thủy, nhà tâm linh vì chính bản thân họ cũng không biết ý nghĩa của nó. Tất nhiên việc người dân có tấm lòng cúng tiến vào các đình đền chùa đó là cái tốt, họ cũng có lợi ích của họ, họ muốn cầu mong làm được việc thiện, mong muốn có gì đó, nhưng cái đó phải theo ý nghĩa văn hóa, hai là theo Luật, chứ không phải muốn làm cái gì thì cũng cúng tiến vào.
Đương nhiên, Luật có rồi nên cần phân biệt giữa tấm lòng và việc mang hiện vật trái với truyền thống vào nơi tôn nghiêm.
PV: - Theo ông, vấn nạn sư tử đá ngoại lai tràn vào không gian tâm linh cổ truyền của người Việt có căn nguyên xuất phát từ đâu?
GS Ngô Đức Thịnh: - Căn nguyên xuất phát thì nhiều thứ lắm, đó là tư tưởng thấy đồ ngoại đẹp thì chạy theo, một cái gì mới mẻ, đó là nhu cầu của con người. Luôn có tâm lý, của ngoại thì đẹp hơn, tốt hơn, hoặc nó là cái mới thì họ thích.
Thế nhưng, đáng lẽ phải hiểu đây không phải cái gì mới, đó chính bài học không phải cái gì của nước ngoài cũng mang vào, vì như vậy sẽ thành một mớ hỗn độn.
Bởi mỗi hiện vật văn hóa đều mang một thông điệp có ý nghĩa cả, nhu cầu đó đều có nhưng phải làm nó trên cơ sở một sự thông minh, một sự hiểu biết, chứ không phải một sự mù quáng theo kiểu như vậy. Thấy đẹp lại mang về để, đó là một văn hóa rất thấp, mặc dù tấm lòng trong sáng.
PV:- Ngay cả việc sử dụng các linh vật làm đồ trang sức, cúng tế như tỳ hưu, sư tử đá, theo ông, mục đích ý nghĩa của linh vật này là gì? Có phải cái suy nghĩ hám tiền của người Việt đang ngày càng thể hiện rõ rệt?
GS Ngô Đức Thịnh: - VN cũng đã từng có nhiều biểu tượng để giữ của, như ngày xưa các cụ sử dụng con chó là con vật canh cửa để giữ nhà.
Trong truyền thống của VN cho rằng, chó đến nhà là lành, mèo đến nhà là rủi. Chúng ta có hiện tượng làm chó đá, kể cả gần đây nhiều nơi làm con chó gốm đặt cạnh cửa, quanh nhà.
Con chó đá là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn, tiếng sủa của nó có thể xua đuổi được ma quỷ. Một số ngôi đền ở Việt Nam thờ thần chó như: đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội), gắn với truyền thuyết vua Lý Công Uẩn dời đô lên Thăng Long, mẹ con Cẩu Nhi (con chó sắc trắng có đốm đen thành hai chữ Thiên tử) đã vượt sông Hồng đi theo, thành thần, được Vua cho dựng miếu thờ. Tại sao không dùng cái đó, lại bê con sư tử về để trước cửa.
Thậm chí, con nghê cũng là linh vật gắn bó thân thiết với đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt hàng nghìn năm, từ thời Lý - Trần đến thời nhà Lê. Nghê mang ý nghĩa linh thiêng, thường xuất hiện trong kiến trúc đình, chùa, cung đình. Linh vật này cũng được đặt ở nơi đền miếu, lăng tẩm hoặc cổng làng.
Điều cốt lõi cần nắm nhất đó chính là, sư tử đối với TQ không có ý nghĩa giữ của mà là con vật canh giữ phần mộ, đây chính là vấn đề về tri thức văn hóa, tri thức về di sản.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Về vấn đề này, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật - Phan Cẩm Thượng chia sẽ với Đất Việt: Trong các di tích kiến trúc cổ Việt Nam có hoặc không có linh vật gác cửa, nhưng tùy từng loại kiến trúc nào, thì sắp đặt linh vật đó.
Ví dụ trong lăng mộ có thể đặt đôi chó đá, hay hai võ sỹ canh cửa. Ở chùa, có bia Hạ mã (xuống ngựa) và đôi rồng chầu bò theo lan can, hoặc đôi con sấu cũng bò theo lan can thấp từ bậc thềm. Mặt ngoài kiến trúc cổ Việt Nam thường giản dị, không đặt gì nhiều, không có tính phô trương quyền lực như kiến trúc Trung Quốc.
Cho nên khi đặt linh vật gì vào kiến trúc cổ Việt Nam cần xem kỹ những công trình tiêu biểu trong quá khứ, để làm mẫu. Chùa Keo (Thái Bình), chùa Bút Tháp ( Bắc Ninh)là những công trình lớn nổi tiếng không có linh vật nào gác cửa, các lăng mộ vua Nguyễn ở Huế cũng không đặt linh vật gì ngoài cửa. Đặt linh vật ngoài cửa không phải là nét đặc trưng của kiến trúc Việt, trừ đôi chó đá thì thường đặt ở nhà dân nhiều hơn.
|
Tuệ Gia
No comments:
Post a Comment