Sunday, August 24, 2014

ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUỐC GIA CHỈ CỦA “NGƯỜI HÀ NỘI”?


Published on August 24, 2014   ·  

Sau khi đọc bài “Không nên địa phương hoá Đài truyền hình Quốc gia” của NSƯT Kim Tiến, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ.
Thứ nhất, cô Tiến nói không nên đưa các PTV nói giọng địa phương lên sóng Đài truyền hình Quốc gia vì mỗi tỉnh thành đều có đài truyền hình hoạt động đều đặn và hiệu quả. Nếu đã như vậy, Đài truyền hình Quốc gia cuối cùng tồn tại để làm gì? Và phục vụ ai? Cô nói Việt Nam có 54 dân tộc anh em với đa dạng bản sắc văn hoá vùng miền, vậy thì một đài mang tiếng “quốc gia” rõ ràng phải phục vụ cho cả 54 dân tộc anh em, chứ không lẽ Đài quốc gia thành… Đài Hà Nội chỉ phục vụ người Hà Nội?
Thứ hai, cô nói từ lâu nay chúng ta luôn lấy tiếng Thủ đô làm chuẩn. Thủ đô tức là Hà Nội. Thế nhưng ngày xưa, Thủ đô là ở Huế, vậy giọng Huế khi đó được coi là chuẩn, còn bây giờ thì trở nên… lệch chuẩn hay sao?
Trong thực tế, bây giờ Hà Nội đã mở rộng rất nhiều, cả Hà Đông, Hà Tây cũng là Hà Nội. Mà chất giọng của người Hà Đông, Hà Tây thì tôi tin chắc không giống như người “Hà Nội cũ” (khi thủ đô chưa mở rộng).
Vậy thế nào mới là “chuẩn giọng Hà Nội”? Hay chúng ta lại phải đưa ra khái niệm mới, là “giọng Hà Nội trên phố cổ?” Mà thực ra, với nền kinh tế đa dạng và một nền kinh tế hội nhập như bây giờ, thì người Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn cũng có thể có nhà phố cổ và có hộ khẩu Hà Nội, trở thành “người Hà Nội” về mặt giấy tờ, nhân thân. Vậy định nghĩa “người Hà Nội” thế nào cho phải?
Thứ ba, cô nói một số PTV đang “nói giọng bắc” chứ không phải “giọng Hà Nội” nhưng như thế nào là giọng Hà Nội thì chưa thấy có ai đưa ra được khái niệm. Vì giọng nói, vốn được tạo ra từ các rung động âm thanh. Xét về mặt “kỹ thuật”, khi viết ra các chương trình nhận dạng điều khiển bằng giọng nói, hay là nhập liệu bằng giọng nói, hoặc biến chữ viết thành giọng nói (giọng máy)… người kỹ sư phải làm việc dựa trên sơ đồ sóng âm, tức là một dải các tần số khác nhau.
Để hai âm thanh “giống hệt” nhau thì sóng âm, tần số cũng phải “giống hệt” nhau. Nhưng chúng ta là người, chứ không phải máy móc hay robot, cho nên cùng một chữ “a”, thì 10 lần nói sẽ ra 10 tần số khác nhau chứ làm sao giống như ly như lau được? Vậy nên, tôi tin rằng với bất cứ người nào đó được mang ra để coi là “giọng chuẩn” thì chính bản thân người đó cũng “lệch chuẩn” trong mỗi lần nói chuyện. Nữa là mang cả một “thủ đô người” ra làm chuẩn!
Thế nào là “chuẩn”? Trên “chuẩn” là gì?
giọng Huế, địa phương hóa, Kim Tiến, Anh Phương
Sau Hoài Anh, có thêm nhiều BTV nói giọng Nam xuất hiện trên sóng VTV

Là một người quê gốc Nam Định, lớn lên ở Hải Phòng, có thời gian dài làm việc ở Hà Nội và bây giờ có hộ khẩu Sài Gòn, tôi hiểu rất rõ cái khái niệm “nói chuẩn” nó bị… lệch chuẩn đến thế nào. Bởi vì những chữ thật chuẩn của tỉnh thành này, không phải là những chữ chuẩn của tỉnh thành khác, nên nhiều khi nói chuyện với nhau như đánh đố.
Ví dụ nếu vào quán cafe, khi tôi kêu “sữa” thì người ta mang “dừa”. Cái “sai” này lặp đi lặp lại ở hầu như mọi quán mà tôi ghé, tới mức về sau tôi phải nói “cho xin một ly sữa nhưng đừng bỏ cà phê” thì họ sẽ nghe ra chữ “đừng bỏ cà phê” và tự suy ra được tôi muốn kêu sữa chứ không phải kêu dừa. Hoặc khi ra chợ, cứ 10 lần tôi nói muốn mua sả thì tới 9 lần họ sẽ lấy cho tôi… giá!
Đấy mới chỉ là nói tới sự khác biệt trong “âm điệu” Nam và Bắc. Chứ đề cập cả tới 64 tỉnh thành, thì tôi nghĩ việc người ở nơi này thấy “khó hiểu” khi nghe người nơi khác nói sẽ còn nhiều nữa.
Thứ tư, khi thống nhất với nhau rằng vì giọng nói quá đặc thù như vậy thì “kiểu gì” cũng xảy ra tình trạng người nơi này nói, người nơi khác có thể nghe sai một vài từ, chúng ta cùng phải giải bài toán đi tìm một cách thức nào đó mà “số đông” có thể nghe hiểu được. Phương án của cô Tiến là “chọn tiếng phổ thông nhất”, tôi hiểu là chọn âm điệu nào có nhiều người nói nhất.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2014, thì dân số của Hà Nội chỉ đứng thứ 2 tại Việt Nam, sau Tp HCM. Tất nhiên là đến bây giờ, số liệu này có thể không đúng nữa. Và trong các năm tới, thì số liệu càng biến động. Thế nên, chọn giọng chuẩn theo tiêu chí có nhiều người “cùng nói giống nhau” tôi thấy cũng không thuyết phục và cái “chuẩn” này sẽ lại “nhẩy múa” theo từng giai đoạn. Chưa kể, ngay cả khi giọng “chuẩn Hà Nội” có thể phục vụ số đông “người Hà Nội” nhất, thì cũng chẳng thấm tháp gì so với tổng số người “chưa chuẩn” của 63 tỉnh thành còn lại.
Với những suy nghĩ như vậy, bản thân tôi cho rằng việc sử dụng một PTV địa phương trên sóng truyền hình quốc gia là không có vấn đề gì ghê gớm. Thực tế, sự tranh cãi chỉ xảy ra khi VTV sử dụng một PTV giọng Huế, vốn là giọng cũng tương đối “dễ nghe” với nhiều người. Thế nên, số lượng người ủng hộ và số lượng người phản đối gần như ngang nhau. Vì họ chỉ tập trung nhiều vào vấn đề văn hoá và truyền thống, vốn là khái niệm rất khó nói đúng sai.
Nhưng tôi tự hỏi sẽ thế nào, nếu VTV sử dụng một PTV giọng Quảng Bình hay Quảng Trị, vốn là một giọng nói mà cả người “phía nam” và “phía bắc” đều cảm thấy khó nghe rõ nếu không quen? Tôi nghĩ, chắc có tới 99% các “ý kiến” sẽ ném đá VTV không thương tiếc, chỉ vì họ thấy PTV ấy “nói gì nghe chẳng được”, mặc cho những người ở Quảng Bình, Quảng Trị và những tỉnh thành quanh đó nghe lại thấy dễ dàng, thân thuộc, đáng yêu?
Bản thân tôi lần đầu tiên nghe giọng Huế cũng chỉ nắm được khoảng 70 – 80% nội dung nhưng vẫn thấy giọng Huế sao mà thân thương, truyền cảm thế?
Tôi ngưỡng mộ cô Tôn Nữ Thị Ninh và đặc biệt thích chất giọng “chuẩn Huế” của cô (là chuẩn theo cách mà tôi định nghĩa). Tôi thấy nó cứ quyền quý và cao sang làm sao ấy! Hay như, tôi tưởng tượng đến giây phút thiêng liêng mà Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình và được phát thanh toàn quốc. Tôi nghĩ, thời khắc Bác Hồ đưa ra câu hỏi “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” thì đâu có ai quan tâm gì đến giọng nào là giọng chuẩn?
Thời gian gần đây, tôi thấy VTV (hình như VTV 2 thì phải) có bản tin thời sự mà kèm theo hình ảnh PTV “phiên dịch” ra cả ngôn ngữ tay dành cho người khiếm thính. Tôi thấy đó là một việc làm rất nhân bản, rất văn minh và điều đó khiến tôi cảm động. Tôi không biết có đài địa phương nào làm như vậy hay không, nhưng VTV đã thể hiện rõ trách nhiệm của một đài quốc gia, một đài truyền hình của tất cả mọi người, có trách nhiệm với tất cả mọi người, bao gồm cả những người khuyết tật.
Quan tâm đến lợi ích mà nhà đài có thể mang tới cho mọi đối tượng người dân, đấy mới là cái chuẩn cần có, vượt trên mọi quy chuẩn giọng nói vùng miền, sắc tộc.
THEO FB Nguyễn Ngọc Long Blackmoon

1 comment:

  1. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Nay đã có 3497 số lần xem trang.

    ReplyDelete