Sunday, August 24, 2014

Trẻ con biết kêu ai?


(PetroTimes) - Truyện tranh, truyện cổ tích vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu cho trẻ em. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản (NXB) đã cho ra đời những cuốn truyện thiếu nhi khiến phụ huynh đọc cũng phải… xấu hổ.  
Năng lượng Mới số 349
Mỏi tay nhặt sạn
Những lỗi sai nghiêm trọng trong sách truyện thiếu nhi được phát hiện thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi giật mình lo ngại về chất lượng các ấn phẩm dành cho trẻ em. Cụ thể, trên bìa bộ sách “Hành trang cho bé vào lớp Một” của NXB Ðại học Sư phạm, để minh họa cho phép tính cộng trong phạm vi 10, các nhà biên tập sách dành cho thiếu nhi đã vẽ hình các loại lá cây, trái cây để các bé dễ làm phép tính cộng. Tuy nhiên, ở phép tính “3 quả + 2 quả”, thay vì kết quả đúng là bằng 5, thì bao bì bộ sách lại in ra kết quả là “1 quả”.
Tương tự, trong cuốn sách “Chuẩn bị cho bé vào lớp một - làm quen với chữ cái”, tại phần ôn tập tìm và nối chữ cái với các từ cho sẵn, hàng loạt các từ bị viết sai chính tả một cách trầm trọng. Ðáng lẽ phải là “thùng rác” thì sách tham khảo lại viết thành “thùng giác”, “con ngựa” được các nhà biên tập sách dành cho thiếu nhi viết thành “quả ngựa”. Ðặc biệt, lỗi sai cẩu thả được thể hiện rõ nét khi bên dưới bức tranh vẽ quả đu đủ được gọi thành “cái đu”…
Vấn đề các lỗi sai trong sách dành cho thiếu nhi không phải ở các lỗi sai chính tả, sai phép tính mà thậm chí ngay cả những loại sách mang tính giải trí, vui chơi cho trẻ cũng bị “vấy bẩn” bởi những ngôn từ bạo lực, tục tĩu hoặc ghê rợn. Cụ thể, bài đồng dao “Chơi vỗ tay” in trong trang 8, tập 6 của bộ sách “Ðồng dao dành cho trẻ mầm non” do NXB Mỹ thuật và Nhà sách Ðinh Tị ấn có một bài đồng dao với tên gọi “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng”. Nội dung cụ thể như sau:“Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Ðẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro/ Ông Nhăng bảo để bà kho/ Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng/ Có kho thì kho với riềng/ Ðừng kho với ớt tốn tiền uổng công”.
Trẻ con biết kêu ai?
Bên cạnh đó, nhiều truyện cổ tích Việt Nam sau khi chuyển thể sang truyện tranh đã bị cắt gọt, không đúng hoặc sai lệch so với nội dung ban đầu. Ðơn cử như trong “Sự tích bánh chưng bánh dày”, Lang Liêu mơ thấy thần linh về báo mộng, bày cách làm món ăn từ hạt gạo để dâng vua cha được biến tấu thành cảnh Lang Liêu mơ thấy mình lạc vào cuộc thi “Vào bếp với người nổi tiếng”. Và sau đó đại hoàng tử bị ngộ độc thực phẩm vì những món ăn tự chế cốt để dâng vua. Còn anh Khoai trong “Cây tre trăm đốt” được nhuộm tóc màu xanh lá cây...
Không chỉ có những chi tiết sai lệch so với bản gốc, nhiều cuốn sách thiếu nhi đang bày bán tràn lan hiện nay còn mắc nhiều lỗi sai nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền Việt Nam. Cụ thể, NXB Mỹ thuật có cuốn Tiếng Anh nhập môn trong các trang 38, 39, 42 lần lượt xuất hiện những hình ảnh, bối cảnh của Trung Quốc như cậu bé đóng vai công an đứng trước lá cờ Trung Quốc, thư viện chữ tiếng Hoa ở phía trước cổng trường và xe cứu hỏa có số 119 là số cứu hỏa của Trung Quốc.
Tương tự, NXB Ðinh Tỵ và NXB Mỹ thuật còn có cuốn Bách khoa thư đầu đời cho trẻ - Từ điển bằng hình cho trẻ em có hình ảnh dạy trẻ nhận biết hình chữ nhật nhưng bê nguyên lá cờ Trung Quốc. Hay bộ sách “Tiếng Hoa dành cho trẻ em” có in bản đồ Trung Quốc kèm hình “đường lưỡi bò” 9 khúc, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam (bài số 14, trang 35, tập 1 (bộ sách có 3 tập).
Người lớn thờ ơ, trẻ con kêu ai?
Ngày 2-8 vừa qua, cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành lại đang gây tranh cãi trong dư luận vì có một số trang tả cảnh một con chim âu yếm, mơn trớn với một người con gái.
Với trường hợp cuốn truyện đang gây xôn xao dư luận này, ông Phạm Quốc Chính - Phó cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành nhấn mạnh: “Ðây là cuốn sách trong tập Truyện cổ tích chọn lọc (4 tập) do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin liên kết xuất bản với tổng công ty sách Việt Nam xuất bản, in, phát hành từ năm 2006. Nội dung được trích dẫn trong cuốn sách Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú là không phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi.
Việc không thực hiện nghiêm túc quy trình xuất bản để lọt cuốn sách có nội dung như trên trước hết thuộc trách nhiệm Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn hóa - Thông tin, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tuy việc phát hiện này quá muộn nhưng là tiếng chuông cảnh báo cần thiết cho việc xuất bản, in, phát hành sách và cả công tác quản lý hoạt động này”.
Trước thực trạng những cuốn sách cho thiếu nhi có nội dung “rác” đang tràn lan, thiếu kiểm định như hiện nay, ông Phạm Quốc Chính nhận định: “Sai phạm đến đâu, Cục Xuất bản sẽ xử lý đến đó. Vấn đề này cần được xử lý một cách nghiêm túc vì sách dành cho thiếu nhi để xảy ra tình trạng như vậy, ảnh hưởng là không nhỏ”. Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc để lọt cuốn truyện cổ tích dành cho thiếu nhi có chứa nội dung nhạy cảm ra thị trường là trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan. Trách nhiệm không chỉ thuộc về NXB Văn hóa Thông tin mà phía cơ quan quản lý là Cục Xuất bản cũng có phần trách nhiệm.
Nhà văn Lê Tấn Hiển - một tác giả đã có khá nhiều ấn phẩm viết cho thiếu nhi, cũng bày tỏ quan điểm: “Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đây vẫn là một lỗi không thể chấp nhận được của những người làm sách, biên tập và cơ quan cấp phép. Có thể đó chỉ là đôi ba dòng hay một trang giấy, người lớn chúng ta đọc thì không thấy vấn đề gì, nhưng phải nhớ rằng, đây là sách dành cho thiếu nhi. Thử hỏi với những câu chữ gợi dục, nhạy cảm ấy, các em ở tuổi chưa hẳn người lớn, nhưng cũng không còn trẻ con nữa, sẽ nghĩ đến chuyện gì? Và thực chất chuyện có “sạn” trên sách thiếu nhi trong khoảng vài năm trở lại đây đã không phải là việc mới lạ hay chưa từng xảy ra. Ðiều đó càng chứng tỏ, lâu nay công tác cấp phép, biên tập và quản lý ấn phẩm qua các đầu nậu ở ta cực kỳ lỏng lẻo và tùy tiện!”.
Theo mổ xẻ của giới chuyên môn, nguyên nhân đầu tiên của những quyển sách lắm “sạn” này là kỹ năng của các biên tập viên. Không thể phủ nhận đội ngũ biên tập, kiểm duyệt mảng sách truyện dành cho thiếu nhi hiện nay còn quá mỏng về số lượng và yếu kém về chất lượng. Nhiều người làm công tác biên tập nhưng lười đọc, lười nghiên cứu, cẩu thả trong công việc và không ý thức được sự quan trọng của việc biên tập đối với văn hóa đọc nước nhà. Nói như TS Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sách Thái Hà): “Một biên tập viên không nên chỉ là người đọc lỗi chính tả, mà phải thực sự có kiến thức biên tập, phải góp phần xây dựng được bản thảo”.
Một nguyên nhân nữa là có những NXB và công ty sách chưa thật sự quan tâm đến chất lượng sách. Ngay cả những lỗi dù rất nhỏ cũng sẽ là những hạt “sạn” gây khó chịu cho người đọc và thể hiện chất lượng sách yếu kém. Họ chưa đánh giá hết sự nghiêm trọng của các “hạt sạn” và quá dễ dãi trong khâu kiểm duyệt.
Ðể khắc phục hậu quả, nhiều NXB đã tiến hành thu hồi, chỉnh sửa hoặc tiêu hủy những cuốn sách in sai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, động thái này chỉ là một cách “chữa cháy” tạm thời, trong khi điều quan trọng nhất là các NXB phải ý thức lại trách nhiệm xã hội của mình để có một cơ chế lựa chọn, biên soạn và phát hành những đầu sách thực sự chất lượng cho thế hệ trẻ.
Nếu những người làm sách tiếp tục thiếu chuyên môn, cẩu thả và vô trách nhiệm thì độc giả nhỏ tuổi sẽ vẫn phải đón nhận những cuốn sách thiếu chuẩn mực. Và tất nhiên, với chế tài xử lý quẩn quanh và dửng dưng với quyền lợi của độc giả hiện nay, văn hóa đọc sẽ dần dần xuống cấp và độc giả sẽ hình thành tâm lý cảnh giác với chính tri thức tiếp nhận. Và khi đó thì chính các nhà xuất bản đã tự tước đi nhiệm vụ chức năng chính của mình.
Vương Tâm

No comments:

Post a Comment